Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Chăm lo và đổi mới từ công tác cán bộ (Bài 1)

Lương Kết Thứ bảy, ngày 15/10/2022 14:35 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (tháng 10/2022), Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Bình luận 0

LTS: Trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác tổ chức, cán bộ là gốc của mọi vấn đề, công tác này tiếp tục được Đảng chú trọng đổi mới. Sinh thời Bác Hồ đã nói "cán bộ là gốc của mọi công việc", muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc công tác cán bộ là "then chốt của then chốt" trong công tác xây dựng Đảng.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó đổi mới công tác tổ chức, cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Báo Dân Việt đăng tải loạt bài "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Chăm lo và đổi mới từ công tác cán bộ" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát đối với vấn đề quan trọng này.

Bài 1: Đổi mới để sàng lọc cán bộ lãnh đạo không xứng đáng ra khỏi vị trí

Tiếp nối những kết quả tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII, tại nhiệm kỳ Đại hội XIII công tác này tiếp tục được triển khai quyết liệt vừa để ngăn ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo để cán bộ đảng viên không vi phạm, đồng thời qua đó cũng sàng lọc những cán bộ không xứng đáng ra khỏi vị trí. Đặc biệt cùng với đó, Đảng đã ban hành mới; sửa đổi, bổ sung những quy định để tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, nâng cao sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Cách làm mới từ Trung ương

Có thể thấy từ việc kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được làm quyết liệt, ngay ở năm thứ 2 của nhiệm kỳ Đại hội XIII đã có 7 Ủy viên Trung ương bị xử lý. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương 3 khai trừ khỏi Đảng 3 trường hợp, 1 trường hợp bị cách chức. Có 3 trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo nhưng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII cũng được cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đó là các ông Nguyễn Thành Phong, ông Huỳnh Tấn Việt (sau đó cũng thôi chức Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương), ông Bùi Nhật Quang (sau đó cũng thôi chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Chăm lo và đổi mới từ công tác cán bộ - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Ảnh Nhật Bắc

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, đây lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng-Hà Nội (tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại việc làm mới nêu trên của Trung ương. 

"Bây giờ không chỉ có kỷ luật mà nếu cán bộ thấy có khuyết điểm, tự nhận và xin thôi, tự từ chức thì Trung ương hoặc các cơ quan có thẩm quyền đồng ý quyết định cho thôi. Việc đó nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn mất hết các chức, không phải cốt xử lý thật nặng, không còn tình nghĩa gì mới là nghiêm. Còn ai có điều kiện, sức khỏe, khả năng, có thể tham gia vào công việc khác phù hợp hơn thì sẽ được bố trí", Tổng Bí thư nói.

Không chỉ có ở Trung ương mà tại địa phương cách làm trên cũng được triển khai, đó là trường hợp ông Trần Hồng Quảng ở Ninh Bình. Trên cương vị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình, ông Trần Hồng Quảng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ cảnh cáo. Sau đó báo chí lên tiếng việc ông Quảng bị kỷ luật nhưng vẫn là Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ông đã nhanh chóng rút tên khỏi Ban Chỉ đạo này. Sau đó ông đã xin nghỉ hưu sớm (ở tuổi 59) và được Ban Bí thư chấp nhận.

Đánh giá về Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Ngoài việc kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng, quy định mới nêu trên là một công cụ rất quan trọng để sàng lọc những cán bộ không còn xứng đáng ra khỏi vị trí. Nếu như trước đây, cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật nhưng không phải ở mức cách chức hay khai trừ thì họ vẫn nhiễm nhiên tại vị, dù khi đó uy tín đã giảm sút, còn đến nay việc đã khác.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Chăm lo và đổi mới từ công tác cán bộ - Ảnh 2.

Tại hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, lần đầu tiên Trung ương đã xem xét cho 3 trường hợp thôi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh Nhật Bắc

"Quy định số 41, trước hết khuyến khích cán bộ đã có vi phạm, khuyết điểm, uy tín giảm sút, hoặc năng lực hạn chế chủ động rời khỏi vị trí lãnh đạo; thứ hai là tổ chức có căn cứ để sàng lọc cán bộ khi thấy họ không còn xứng đáng. Thực tiễn ở Trung ương đã triển khai để nêu gương và ở địa phương cũng đã có nơi thực hiện. Tôi cho rằng việc làm trên mở ra tiền lệ mới sẽ nhanh chóng lan toả xuống địa phương, cấp uỷ các tỉnh, thành, quận, huyện, xã, phường. Công tác cán bộ được chăm lo, công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật được làm nghiêm sẽ giúp cho việc sàng lọc đội ngũ lãnh đạo tốt hơn, củng cố vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng", ông Ngô Văn Sửu nói.

Đổi mới trong quy hoạch cán bộ

Vào trung tuần tháng 7/2022, tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã chia sẻ thông tin rất đáng chú ý liên quan đến quy hoạch cán bộ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Chăm lo và đổi mới từ công tác cán bộ - Ảnh 3.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022. Ảnh Hoàng Thành

Theo đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định, trong năm 2022, toàn bộ cơ quan, tổ chức phải làm xong quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đáng chú ý là công tác lập quy hoạch cán bộ lần này có nhiều điểm mới. Đó là thay vì quy hoạch 3 nhóm đối tượng thì lần này rút lại còn 2 nhóm.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, từ thực tiễn Đại hội vừa qua, thấy cán bộ quy hoạch thuộc nhóm 2 là "đầu không tới trời, chân không tới đất". Nhóm cán bộ được quy hoạch ở đối tượng 1 thì vào Ban Chấp hành Trung ương, nhóm đối tượng 3 vào Ủy viên Trung ương dự khuyết.

"Nhưng nhóm cán bộ quy hoạch thuộc đối tượng 2 là cấp vụ trưởng chẳng rơi vào đâu hết. Lần này rút kinh nghiệm chỉ quy hoạch 2 nhóm đối tượng. Nhóm 1 là có thể tiếp cận ngay với các vị trí có thể được bổ nhiệm còn nhóm 2 là nhóm chuẩn bị cán bộ trẻ cho Đảng" - bà Trương Thị Mai cho biết.

Điểm mới nữa là số lượng cán bộ quy hoạch cho mỗi vị trí cũng giảm so với trước. Nếu như trước đây 4 người cho một vị trí thì nay 1 chức danh quy hoạch không quá 3 người, 1 người không quá 3 chức danh.

"Trước đây quy hoạch 4 cán bộ cho 1 vị trí như vậy đông quá. Giới thiệu 100 cán bộ thì chỉ 30 người vào vị trí, thì 70 còn lại thì tâm tư. Cán bộ trong quy hoạch mà chẳng được làm gì hết. Chính vì thế bây giờ quy hoạch phải làm hẹp lại. Quy hoạch 60 cán bộ thì phải được 30 cán bộ. Trong số cán bộ được quy hoạch cơ bản ai cũng được bổ nhiệm. Như vậy sẽ tạo động lực mạnh hơn cho họ"- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nói và cho rằng, giảm số lượng cán bộ quy hoạch cho các vị trí cũng giúp chọn người tốt hơn, giỏi hơn và đảm bảo chặt chẽ hơn.

Một điểm mới khác, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong công tác luân chuyển nhằm đào tạo cán bộ người luân chuyển phải còn ít nhất 10 năm công tác, thời gian luân chuyển 3 năm. Những cán bộ không còn đủ tuổi luân chuyển sẽ được điều động, phân công công việc về các địa phương, nếu nơi đó cần. Quy định này nhằm tạo sự uyển chuyển giữa điều động và luân chuyển cán bộ.

Lần này Trung ương cũng chủ trương không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ về địa phương. Như vậy, người được luân chuyển sẽ toàn tâm, toàn ý với địa phương, tránh tình trạng tăng thêm suất chức danh để tạo điều kiện luân chuyển cán bộ.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trách nhiệm của cơ quan tham mưu phải nhịp nhàng, đưa cán bộ có năng lực, uy tín, thực tiễn tốt từ địa phương về Trung ương. Còn việc bố trí công tác cho cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ vào yêu cầu, kết quả làm việc của cán bộ, chứ không phải ai luân chuyển về cũng đều lên chức.

Để chăm lo cho công tác cán bộ, trong nhiệm kỳ Đại hội XII và trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng tiếp tục ban hành mới những văn bản; sửa đổi bổ sung những quy định về công tác cán bộ. Có thể kể đến như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền; Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm; mới đây là Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Quy định số 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ…

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem