Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực (Bài 2)

Gia Khiêm (thực hiện) Chủ nhật, ngày 16/10/2022 14:36 PM (GMT+7)
Theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cần nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thay vì chỉ có các tiêu chí liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ… như hiện nay.
Bình luận 0

LTS: Trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác tổ chức, cán bộ là gốc của mọi vấn đề, công tác này tiếp tục được Đảng chú trọng đổi mới. Sinh thời Bác Hồ đã nói "cán bộ là gốc của mọi công việc", muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc công tác cán bộ là "then chốt của then chốt" trong công tác xây dựng Đảng.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó đổi mới công tác tổ chức, cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Báo Dân Việt đăng tải loạt bài "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Chăm lo và đổi mới từ công tác cán bộ" nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát đối với vấn đề quan trọng này.

Chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài cần được thực hiện căn cơ

Thưa ông, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (tháng 10/2022), Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác tổ chức, cán bộ là gốc của vấn đề, công tác này tiếp tục được Đảng ta đổi mới mạnh mẽ trong thời gian qua, ông thấy sao?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Đảng ta khẳng định: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, thì công tác cán bộ là "then chốt của then chốt", là gốc của gốc…Gốc có vững, thì cây mới bền. 

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực (bài 2) - Ảnh 1.

PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Gia Khiêm

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, "về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019, của Bộ Chính trị, "về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền"; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương, "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" và các nghị quyết, quy định khác... về công tác cán bộ.

Trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác tổ chức, cán bộ là gốc của vấn đề; Đảng chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực (bài 2) - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh Đ.X

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. 

Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đốì với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc. Coi trọng và làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ. Kiên quyết phòng, chống các biểu hiện bè phái, "lợi ích nhóm" và lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rốì, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ".

Vấn đề rất quan trọng hiện nay và cũng được nhắc nhiều đó là lựa chọn và trọng dụng nhân tài vào bộ máy Nhà nước, chúng ta cần những nhân tố như thế nào?

- Trong đột phá chiến lược thứ hai, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương có cơ chế vượt trội để phát hiện, thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…

Phát triển nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộcCách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0); thúc đẩy mạnh mẽ năng lực đổi mới sáng tạo; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài. Do bối cảnh và tác động cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao phải thay đổi. Theo đó nhân lực đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng mới mà đổi mới, sáng tạo là yếu tố quyết định. Chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài cần được thực hiện căn cơ, bài bản. 

Thứ nhất, sớm nghiên cứu làm rõ thuật ngữ nhân tài để tạo ra sự thống nhất về cách hiểu làm cơ sở cho việc hoạch định cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài…

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực (bài 2) - Ảnh 4.

Nhân viên y tế căng mình cứu chữa bệnh nhân trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực theo hướng thay vì chỉ có các tiêu chí liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ… như hiện nay. Các tiêu chí đánh giá nên được xuất phát từ phía cầu (mức độ đáp ứng nhu cầu về lao động, việc làm, ví dụ: tỷ lệ có việc làm và việc làm phù hợp sau khi được cấp chứng chỉ, văn bằng; hiệu quả, hiệu suất, năng suất làm việc…). Việc này kết hợp với cơ chế, chính sách tuyển dụng nhân lực (từ phía cầu) sẽ tạo ra sực chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội về đào tạo, tự đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực...

Một là, áp dụng chế độ "chức nghiệp thực tài". Điều này đòi hỏi đổi mới cách thức tuyển dụng, đánh giá, trả lương, khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm. Cách thức tiến hành: công khai, minh bạch, dân chủ. Các hình thức này về cơ bản đã được các nước tiên tiến áp dụng và rất có hiệu quả. Có thể nghiên cứu vận dụng ngay được. 

Hai là, đổi mới công tác đào tạo. Đây là một phần trong nội dung "cải cách căn bản và toàn diện" đang triển khai, nhưng cần "ưu tiên". Hướng ưu tiên là đào tạo những kỹ năng mà thực tiễn đòi hỏi.

Cần cải cách chế độ tiền lương

Chính sách trọng dụng nhân tài chúng ta cũng đã triển khai như tuyển thẳng thủ khoa ở các trường ĐH vào bộ máy, tuy nhiên số được tuyển dụng thẳng này này dường như không phát huy được rồi sau một thời gian họ phải chuyển ra khu vực tư để làm, vậy theo ông nguyên nhân do đâu? 

- Thực tế đã thực hiện chủ trương tuyển thẳng cử nhân tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc vào các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nhưng sau một thời gian một số cán bộ này không phát huy được, chuyển ra làm việc ở khu vực tư để làm việc. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân chủ yếu là: thứ nhất, thu nhập của họ còn thấp, không đủ trang trải cuộc sống ở đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…; thứ hai, môi trường làm việc, điều kiện làm việc chưa thật phù hợp để họ phát huy hết khả năng, năng lực của mình cho công việc…

Có phải do chính sách của chúng ta chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người tài cống hiến, hay còn là vấn đề nào khác, thưa ông?

- Chúng ta chưa thu hút được người thực sự tài năng vào làm việc trong bộ máy nhà nước là do chính sách của chúng ta chưa thực sự hấp dẫn người tài và do việc trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh sự đóng góp của người tài chưa thực sự tương xứng…

Theo ông, công tác thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý đã được triển khai ở một số cơ quan, đơn vị, việc này cần được phát huy ra sao để lựa chọn được nhân tài?

- Cho đến nay việc thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp là ưu việt nhất vì thi tuyển sẽ công khai, minh bạch hơn trong lựa chọn cán bộ và sẽ hạn chế được tiêu cực trong công tác cán bộ, hạn chế việc chạy chức, chạy quyền, hạn chế "quan hệ, tiền tệ, hậu duệ" trong công tác cán bộ…Từ những thành công ở một số cơ quan, đơn vị, phương pháp cần được nhân rộng ra nhiều hơn nữa.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực (bài 2) - Ảnh 5.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có khoảng 9.000nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc. Ảnh: Gia Khiêm

Trong số gần 40 nghìn cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian qua, có hơn 650 tiến sĩ, hơn 4.000 thạc sĩ, theo ông có phải việc giữ chân những cán bộ có năng lực trong cơ quan nhà nước đang gặp khó khăn, vấn đề mấu chốt làm sao giữ chân được họ, thưa ông?

- Để giữ chân người người tài ở các cơ quan trong bộ máy nhà nước, thứ nhất, cần thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, công tâm, khách quan ở mọi khâu trong công tác cán bộ; thứ hai, cần có cơ chế không để tất cả mọi người chỉ phấn đấu vào một con đường "quan chức", mà cần có con đường  để những người có trình độ chuyên môn giỏi, họ chỉ làm việc, cống hiến về chuyên môn, nhưng được đãi ngộ, tôn vinh bằng, thậm chí cao hơn những người làm công tác lãnh đạo, quản lý…

Ví dụ: chuyên gia, nhà khoa học, nhà chuyên môn giỏi được đãi ngộ, tôn vinh bằng hoặc cao hơn thứ trưởng…

Một thực trạng khiến một số lượng không nhỏ người có năng lực từ cơ quan nhà nước chuyển sang khu vực tư nhân do mức thu nhập chênh lệch khá lớn, theo ông vấn đề thu nhập và vấn đề khác cần thay đổi thế nào để cán bộ có năng lực yên tâm cống hiện?

- Để cán bộ có năng lực yên tâm cống hiến cần cải cách chế độ tiền lương theo hướng: ai thực tài, ai cống hiến nhiều được hưởng nhiều, được trả lương cao; chứ không phải ai giữ chức vụ càng cao càng được hưởng lương cao như hiện nay và càng không nên cào bằng, bình quân lương với những ngạch, bậc lương như nhau đối với những người có năng lực làm việc thực tế khác nhau…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem