Hà Nội: Bất chấp nguy hiểm, đội quân ăn xin vẫn "phi thân" chặn đầu ô tô, xe máy để xin tiền

Ngọc Huyền Thứ hai, ngày 05/06/2023 18:20 PM (GMT+7)
Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực thu gom người lang thang về các trung tâm bảo trợ để nuôi dưỡng, quản lý, nhưng thời gian gần đây, đội quân ăn xin lại đổ bộ xuống đường kiếm ăn ở nhiều nút giao thông trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận 0

Bất chấp nắng nóng như thiêu đốt, "phi thân" đi xin tiền

Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Dân Việt trên nhiều tuyến phố ở phố Hà Nội như: Ngã Tư Sở, ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đổng Chi,… tình trạng người ăn xin len lỏi vào dòng phương tiện đông đúc để xin tiền không quá xa lạ.

Tại nút giao thông ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, giữa giờ trưa trời nắng như đổ lửa, một nhóm người ăn xin thay phiên nhau phi thân ra giữa lòng đường chìa tay xin tiền. Trong đó, một thanh niên có khuôn mặt dị tật có những cử chỉ, hành động cản trở người tham gia giao thông như chặn đầu, gõ cửa kính ô tô.

Bất chấp nắng nóng, đội quân ăn mày vẫn phi thân chặn đầu ô tô, xe máy để xin tiền - Ảnh 1.

Một người ăn xin trên trục đường Khuất Duy Tiến.

Bất chấp nắng nóng, đội quân ăn mày vẫn phi thân chặn đầu ô tô, xe máy để xin tiền - Ảnh 2.

Người ăn xin đeo bám ô tô để xin tiền.

Chị Đinh Vui (22 tuổi, Thanh Xuân) từng bị người ăn xin chặn đầu xe máy để xin tiền, chia sẻ: "Tôi bị thanh niên này chặn đầu xe, càng bóp còi thì người này càng cố tình chặn, khiến mình phải chờ thêm một lượt đèn đỏ. Xin tôi không cho, người này chuyển sang chặn đầu xe một chị gái khác, quá đáng hơn là còn đặt ca nhựa đựng tiền lên đùi chị ấy".

Tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, tình trạng này xuất hiện hầu hết ở ngã tư hoặc các chợ dân sinh. Bên trong một khu chợ thuộc phố Nguyễn Đổng Chi, không khó để bắt gặp những người ăn xin khuyết tật tại đây.

Con ngõ nhỏ dài khoảng 500 mét nhưng có đến 4 – 5 người lang thang xin tiền. Mỗi người một đoạn đường, người ngồi xe lăn, người bò lê bò lết dưới mặt đường để lấy lòng thương hại. Giờ cao điểm, phương tiện đi lại đông đúc, nhiều người giật mình đạp phanh, bánh xe máy dừng trước đầu người ăn xin đang lăn lê dưới lòng đường.

Bất chấp nắng nóng, đội quân ăn mày vẫn phi thân chặn đầu ô tô, xe máy để xin tiền - Ảnh 4.

Một người ăn xin bò lê bò lết bên trong khu chợ Nguyễn Đổng Chi.

Chị Ngô Thị Nhã (tiểu thương tại chợ Nguyễn Đổng Chi) cho biết: "Có hôm thấy đến rất đông, cả một đoàn, có ngày lại lác đác chỉ một đến hai người. Vào giờ tan tầm, người đi chợ bằng xe máy khá nhiều, nếu không để ý có thể tông phải người khuyết tật bò trên đường, vô cùng nguy hiểm. Mà chẳng biết có phải khuyết tật thật hay không, hôm qua còn có người ngồi xe lăn, đi hàng nào cũng xin tiền, làm tắc cả một đoạn đường".

Chị Nguyễn Phương Linh (30 tuổi, Nam Từ Liêm) cũng bức xúc: "Ngày nào đi qua đoạn đường Nguyễn Hoàng - Nguyễn Cơ Thạch cũng thấy người ăn xin lang thang xin tiền. Họ chờ đèn đỏ rồi ra chèo kéo từng người đi đường. Đến lúc đèn xanh, khi các phương tiện di chuyển nhưng họ vẫn đứng giữa đường, rất nguy hiểm".

Bất chấp nắng nóng, đội quân ăn mày vẫn phi thân chặn đầu ô tô, xe máy để xin tiền - Ảnh 5.

Ăn xin kèm bán những mặt hàng như kẹo cao su, tăm bông.

Ăn xin núp bóng bán hàng dạo

Hiện nay, có không ít trung tâm bảo trợ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật, người lang thang, không nơi nương tựa. Tuy nhiên, những người lang thang trên địa bàn Hà Nội lại không muốn vào các trung tâm này. Khi hỏi về lý do tại sao không vào các trung tâm để được chăm sóc, người ăn xin tại chợ Nguyễn Đổng Chi chỉ rên rỉ, giơ khay đựng tiền ra.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã nhiều lần phối hợp cùng Công An thành phố khảo sát, tập trung người lang thang về trung tâm bảo trợ. Để tránh né điều này, nhiều người ăn xin đã trang bị thêm giỏ đồ bao gồm bông tăm, kẹp tóc,… để giả làm người bán rong.

Bất chấp nắng nóng, đội quân ăn mày vẫn phi thân chặn đầu ô tô, xe máy để xin tiền - Ảnh 6.

Một người phụ nữ bán hàng, xin tiền bên trong chợ Nguyễn Đổng Chi.

Núp bóng người bán hàng rong, thực chất cách hoạt động của những người lang thang này không khác gì người ăn xin. Họ chờ tại ngã tư, tìm đến các khu chợ lớn, nhỏ để chèo kéo khách mua hàng. Các đối tượng lang thang vin vào cớ hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, không tìm được việc làm nên đành đi bán đồ dạo. Nhiều người thương cảm đã mua hàng ủng hộ.

Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều người lang thang ăn xin đã gây ảnh hưởng đến giao thông tại nhiều tuyến phố. Người dân đứng trước tình trạng này cũng không còn mặn mà, thương cảm như trước.

Bất chấp nắng nóng, đội quân ăn mày vẫn phi thân chặn đầu ô tô, xe máy để xin tiền - Ảnh 7.

Một cụ bà lầm lũi xin tiền mặc dù trời đã tối.

Chị Nhã (tiểu thương tại chợ có người ăn xin) sinh nghi: "Mấy người ngồi xe lăn thường có thêm một người nữa đẩy xe đi cùng. Thế còn người khuyết tật xin ăn thì sao? Họ không thể tự bò từ nhà đến đây được. Tôi nghĩ họ có người chở đến và làm việc cùng một nhóm".

Để hạn chế tình trạng này, những người lang thang, không có nơi nương tựa, không có việc làm sẽ được tập trung về các Trung tâm bảo trợ xã hội. Đối với các đối tượng có hành vi "chăn dắt", bảo kê, lợi dụng người khuyết tật để trục lợi sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem