dd/mm/yyyy

Đổi thay từ kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái ở Hòa Phú

Là xã miền núi của huyện Hòa Vang nhưng nhờ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái, Hòa Phú đã thực sự đổi thay.

Dân giàu lên nhờ rừng

Bà Nguyễn Thị Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: “Hòa Phú có 3.461 ha rừng tự nhiên, bao gồm 7 tiểu khu, với diện tích rừng trồng 2.510 ha, chủ yếu trồng keo lai, keo lá tràm, với gần 1.000 hộ tham gia trồng rừng. Trước đây, có nhiều diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn bị bỏ hoang, song hiện nay đã được người dân tận dụng để trồng rừng và các loại cây ăn quả. Diện tích rừng chủ yếu tập trung ở thôn Phú Túc, Hòa Hải, An Châu,... Những mảnh đất rừng cằn cỗi ở Hòa Phú bây giờ đã được phủ lên màu xanh mơn mởn của keo”.

Mỗi năm các khu du lịch sinh thái trên địa bàn Hòa Phú thu hút khách du lịch tham quan. Ảnh: TH-ĐN.
Mỗi năm các khu du lịch sinh thái trên địa bàn Hòa Phú thu hút khách du lịch tham quan. Ảnh: TH-ĐN.

Theo thống kê, hiện toàn xã có hơn 70% số hộ có rừng. Nhờ phát triển kinh tế rừng mà thu nhập của các hộ tăng đều qua các năm. Nhiều hộ vươn lên trở thành khá giả, tiêu biểu phải kể đến hộ ông Lê Cổ ở thôn An Châu, trồng trên 40 ha; hộ ông Doãn Lại ở thôn Đông Lâm có trên 50 ha rừng; hộ ông Lê Văn Nghĩa ở thôn Phú Túc có 50 ha… với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

“Đến cuối năm 2014, xã Hòa Phú đã cán đích NTM, hiện nay, địa phương này tập trung các nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí. Thu nhập bình quân của xã đạt 34 triệu đồng/người (năm 2017), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,65%”.

Bên cạnh nông – lâm nghiệp, xã cũng hướng đến phát triển thương mại dịch vụ và du lịch sinh thái nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Với lợi thế có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Núi Thần Tài, khu du lịch sinh thái Lái Thiêu, Suối Hoa,… thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng là cơ sở để Hòa Phú phát triển du lịch.

Nâng cao chất lượng NTM

Trao đổi với Trang Trại Việt, ông Nguyễn Tân - Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong 6 năm qua, Hòa Phú còn tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Theo ông Tân, với phương châm “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, Hòa Phú đã huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng hạ tầng, chất lượng các tiêu chí NTM được nâng lên rõ rệt. Năm 2017, nhiều công trình được tiếp tục đầu tư, trong đó đã xây dựng thêm 934m đường giao thông kiệt hẻm, thi công bờ kè sông Lỗ Đông dài 600m (đoạn Đông Lâm và Phú Túc), xây dựng cầu thôn Đồng Lăng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng từ cầu Diêu đi Hội Phước…

Ông Nguyễn Văn Bảo - Trưởng thôn Đông Lâm nói: “Trước đây, người dân Đông Lâm nghèo lắm, thế nhưng từ ngày có NTM, bà con trong thôn ai cũng phấn khởi, đường sá được bê tông hóa sạch đẹp, không còn lầy lội vào mùa mưa. Đặc biệt, hiện nay đời sống của người dân trong thôn có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ khá giả, giàu có ngày càng tăng.

Trần Hậu - Đại Nghĩa