Đối trọng mới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong nhóm VN30

Huyền Anh Thứ ba, ngày 22/01/2019 15:26 PM (GMT+7)
VHM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng 3 mã cổ phiếu ngân hàng TCB của Hồ Hùng Anh, HDB của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và EIB của Eximbank gia nhập chỉ số VN30. Như vậy, với 8 mã cổ phiếu, nhóm các cổ phiếu ngân hàng sẽ là đối trọng của nhóm cổ phiếu họ “Vingroup” trong VN30.
Bình luận 0

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố kết quả review rổ chỉ số VN30 kỳ 1 năm 2019. Theo đó, VN30 được bổ sung 4 mã cổ phiếu là VinHomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng; cổ phiếu HDB của ngân hàng HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo; Techcombank (TCB) của đại gia Hồ Hùng Anh và Eximbank (EIB).

img 

Thay vào đó, sẽ có 4 mã cổ phiếu vị loại khỏi VN30 bao gồm HSG của Tập đoàn Hoa Sen, KDC của ông Trần Kim Thành, BMP của Nhựa Bình Minh và cuối cùng là cổ phiếu PLX của Petrolimex.

Ngoài ra, HOSE cũng công bố danh mục cổ phiếu dự phòng của chỉ số VN30 bao gồm 5 mã: HAGL (HNG) của ông Đoàn Nguyên Đức; Gelex (GEX), Đất Xanh (DXG), Chứng khoán TP.HCM (HCM) và Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH).

VN30 là chỉ số cơ sở của quỹ ETF VFMVN30 với quy mô hơn 4.000 tỷ đồng và là chỉ số vốn hóa lớn (large-cap) đầu tiên trong bộ chỉ số HOSE-Index được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM triển khai vào ngày 6.2.2012 với cách tính toán tương tự như cách tính Bộ chỉ số HOSE-Index.

Ngân hàng tiếp tục giữ 'ngôi vương', đối trọng của cổ phiếu họ Vingroup

Theo giới chuyên gia, việc VinHomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng; cổ phiếu HDB của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo; Techcombank (TCB) của đại gia Hồ Hùng Anh và Eximbank (EIB) lọt vào top 30 mã cổ phiếu tính chỉ số VN30 không phải là điều quá bất ngờ với thị trường nếu như xét đến quy mô vốn hóa cũng như tính thanh khoản của những mã cổ phiếu này trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, ngân hàng HDBank (HDB) là ngân hàng có sự phát triển ngoạn mục trong vài năm gần đây dưới sự dẫn dắt của nữ tỷ phú đầu tiên và duy nhất Đông Nam Á Nguyễn Thị Phương Thảo.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo được xem là "vô đối" trong giới "banker"với việc thâu tóm 2 ngân hàng: PGBank hồi đầu 2018 và trước đó là DaiABank và thương vụ mua lại Công ty Tài chính Societe Generale VietFinance (SVGF) trực thuộc Tập đoàn Societe Generale (Pháp).

img 

Cổ phiếu ngân hàng là đối trọng lớn nhất của cổ phiếu 'họ Vingroup" trong rổ chỉ số VN30 (Ảnh minh họa: Alex)

Techcombank (TCB) của đại gia Hồ Hùng Anh cũng là một gương mặt đình đám trong năm với qua với cú chào   1,16 tỷ cổ phiếu trên sàn HOSE hồi đầu tháng 6.2018, cú bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thu về gần 1 tỷ USD hồi tháng 4 và cú chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200% tăng vốn lên gấp 3 hồi tháng 7.

Nếu như không xét về thời gian niêm yết, thì mã cổ phiếu TCB của Hồ Hùng Anh đã có tên trong danh sách VN30 từ khi niêm yết, thay vì phải đợi 6 tháng như quy định hiện nay.

Tương tự, với mức vốn hóa trên 10 tỷ USD, Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm NHật Vượng sau 6 tháng niêm yết “đương nhiên” có mặt trong nhóm chỉ số VN30.

Với sự gia nhập của ba “tân binh” mới, nhóm ngân hàng sẽ có 8 đại diện trong danh mục rổ VN30 gồm VPB, MBB, STB, HDB, VCB, EIB, TCB và CTG. 8 cổ phiếu này dự kiến chiếm tỷ trọng trên dưới 25% trong rổ VN30.

img

Trong khi đó, danh mục cổ phiếu VN30 có sự góp mặt của 3 cổ phiếu “họ Vingroup” là VIC (Tập đoàn Vingroup), VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retail). Ba cổ phiếu này cũng chiếm tỷ trọng ngang ngửa với bộ đôi MSN của Masan và TCB của Hồ Hùng Anh (tương đương tỷ trọng 15% - 16%).

Được biết, ông Hồ Hùng Anh hiện sở hữu 47,56% cổ phần của Masan Corp do ông Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch. Trong khi đó, Masan lại chính là cổ đông lớn của Techcombank Như vậy, nhóm cổ phiếu bộ đôi Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang sẽ là đối trọng mới của cổ phiếu “họ Vingroup” trong nhóm VN30

Cổ phiếu rời VN30 đều kinh doanh “bết bát”

Trong 4 cổ phiếu bị loại khỏi VN30, nhựa Bình Minh (BMP) đã bán phần lớn vốn cho Tập đoàn SCG của tỷ phú Thái Kan Trakulhoon. Sau gần 1 năm về tay tỷ phú Thái, nhựa Bình Minh ghi nhận con số lợi nhuận 530,5 tỷ đồng trong năm 2018, giảm 9% so với năm 2017. Tổng tài sản của công ty cũng giảm từ mức 2.823 tỷ xuống còn 2.810 tỷ đồng vào cuối năm 2018.

Trong khi đó, cổ phiếu Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ lao dốc thảm hại trong hơn 1 năm qua do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá thép thế giới, dự án mới thì bị đình trệ.

Báo cáo của HSG cho thấy, niên độ tài chính 2017-2018 tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ sụt giảm gần 70% lợi nhuận, thậm chí lỗ 100 tỷ trong quý IV.2018. Trong bối cảnh này, ông Vũ cho biết mình đã "ẩn mình" trên núi, mỗi tháng chỉ đến công ty 2 lần, mỗi lần 2 tiếng với lý do “Công việc rất tốt, đâu cần đến tôi đâu”.

Cũng phải nói thêm rằng, lợi nhuận kinh doanh “bết bát” của Hoa Sen 1 phần nguyên nhân còn đến từ con số nợ vay “khổng lồ” của tập đoàn này. Tại thời điểm 30.9.2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng (21%) so với niên độ tài chính trước. Từ vị thế "vua tôn", Hoa Sen rơi vào thế "chúa chổm", nợ nần.

img 

Ông Lê Phước Vũ (Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen) và ông Trần Kim Thành (Chủ tịch tập đoàn KIDO)

1 trường hợp tương tự, công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) từng là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm, đặc biệt với thương hiệu Kinh Đô và bánh trung thu. Tuy nhiên, ba năm trước khi KIDO đang là “vua của ngành bánh kẹo”, công ty này quyết định bán lại mảng kinh doanh này cho Mondelēz International.

Thay vào đó, KIDO của ông Trần Kim Thành lại chọn mảng dầu ăn là lĩnh vực thay thế cho bánh kẹo bằng việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp dầu ăn lớn. Thế nhưng, 1 lần nữa ông Trần Kim Thành lại lỗi hẹn với cổ đông về muc tiêu lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2018 công ty vừa công bố cho thấy, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của KDC xấp xỉ 200 tỷ đồng, nếu so với mức lợi nhuận 668 tỷ, mức lợi nhuận này đã giảm tới 70% so với năm 2017.

Nợ phải trả của công ty tăng từ mức 3.991 tỷ lên 4.148 tỷ đồng và chiếm gần 50% vốn chủ sở hữu và trên 33% tổng tài sản của KDC.

Ở những kỳ tái cơ cấu trước, một số cổ phiếu sau khi bị loại ra khỏi VN30 vẫn tăng giá tốt và báo cáo lợi nhuận tích cực. Kịch bản này liệu có đúng đối với KDC của ông Trần Kim Thành hay HSG của ông Lê Phước Vũ?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem