Đổi xe máy cũ lấy mới: Liệu có khả thi?

Đình Việt Thứ tư, ngày 09/09/2020 15:54 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã có những phân tích xung quanh đề xuất hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe mới đang gây xôn xao dư luận trong mấy ngày nay.
Bình luận 0

Ngày 7/9, tin từ Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, ông Nguyễn Thế Hùng (Phó Chủ tịch UBND TP) đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận và đơn vị liên quan thống nhất đề xuất chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố"; báo cáo lãnh đạo thành phố trước ngày 15/9.

Đổi xe máy cũ lấy mới: Liệu có khả thi? - Ảnh 1.

Hiện nay ở Hà Nội, theo thống kê sơ bộ có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ nát, có tuổi đời trên 20 năm

Theo đó, đơn vị thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để triển khai chương trình. 

"Khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp", đại diện đơn vị triển khai thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay ở Hà Nội, theo thống kê sơ bộ có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ nát, có tuổi đời trên 20 năm (đăng ký trước năm 2000) và khoảng 60.000 xe có tuổi đời từ 30-50 năm đã không đủ điều kiện sử dụng dẫn đến việc lượng khí thải của các phương tiện này đã thải ra môi trường rất lớn, làm gia tăng ô nhiễm môi trường cũng như không đảm bảo an toàn giao thông.

Trước tình hình đó, để loại bỏ các phương tiện hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông UBND TP. Hà Nội đã nghiên cứu và đưa ra phương án hỗ trợ người dân từ 2 đến 4 triệu đồng để đổi xe máy đã quá niên hạn sử dụng.

Luật sư Cường cho biết, theo phương án trên, về mặt tích cực, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, quản lý được thời hạn hoạt động và mức độ khí thải của các phương tiện giao thông. 

Đối với cá nhân sử dụng phương tiện giao thông là xe moto quá niên hạn sử dụng sẽ được hỗ trợ khi có nhu cầu đổi xe, xe hết niên hạn sẽ giảm về số lượng, cải thiện được lượng lớn khí thải do các phương tiện này gây ra.

Đổi xe máy cũ lấy mới: Liệu có khả thi? - Ảnh 3.

Hà Nội chủ trương hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng cho người dân "đổi xe máy cũ lấy mới".

Tuy nhiên, vị luật sư cho rằng, đây không phải giải pháp lâu dài nhằm giải quyết triệt để vấn đề mà chỉ là giải pháp tạm thời.

Bởi lẽ, việc đổi xe cũ lấy xe mới với số tiền hỗ trợ còn quá thấp, giá trị của phương tiện giao thông mới còn cao gấp nhiều lần so với số tiền hỗ trợ như nêu trên nên việc khuyến khích người dân thực hiện theo phương án này là khó khả thi.

Do đó, dù có được triển khai trên thực tế thì nó khó đạt hiệu quả cao mà chỉ có thể áp dụng với số lượng phương tiện nhỏ lẻ, cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề này. 

Hơn nữa, với phương án đổi xe máy cũ lấy xe máy mới lại đang "kích cầu" phương tiện cá nhân, liệu rằng có đi ngược với chủ trương về việc hạn chế phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng hay không?

Ngoài ra, về bài toán kinh tế về sử dụng ngân sách nguồn kinh phí hỗ trợ cũng cần tính toán một cách cẩn thận, chi tiết để tránh lãng phí cũng như phải đạt hiệu quả. 

Chính vì thế, dưới góc độ quản lý, chúng ta cần phải có phương án lâu dài nhằm quản lý cái loại phương tiện này.

Dưới góc độ pháp lý, theo luật sư Cường, hiện nay, mặc dù Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (có phương tiện xe máy), trong đó nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; còn UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chính sách, thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thiết lập các điểm thu hồi và triển khai hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ – CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Quyết định số 16/2015/QĐ – TTg Thủ tướng chính phủ.

Tuy nhiên lại chưa có khung pháp lý nào quy định về niên hạn sử dụng của xe máy mà chỉ có quy định về niên hạn đối với ô tô tại Nghị định 95/2009/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người.

Từ những phân tích trên, vị luật sư nhấn mạnh, nhằm quản lý phương tiện xe máy cũng như nhằm đảm bảo điều kiện chất lượng, an toàn khi sử dụng, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông của loại phương tiện này, cần xây dựng khung pháp lý để quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại xe máy thì mới là giải pháp lâu dài.

Và, cũng cần tính toán phương án tổng thể, những nghiên cứu khoa học, tham khảo lấy ý kiến của nhân dân đang sử dụng xe máy để đưa ra phương án mang lại hiệu quả nhất, đảm bảo lợi ích chung cho xã hội đạt hiệu quả cao.

Năm 2017, khi xây dựng đề án quản lý phương tiện cá nhân, thành phố đã lấy ý kiến việc thu hồi xe máy cũ nát trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, nội dung trên đã được bỏ khi đề án trình ra HĐND TP tại kỳ họp giữa năm 2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem