Đón "đại bàng" rời Trung Quốc đến "làm tổ": Việt Nam cần cải cách thể chế kinh tế

Quang Dân Thứ năm, ngày 17/12/2020 14:29 PM (GMT+7)
Sự kiện Apple chuyển sản xuất qua Việt Nam nằm trong một loạt động thái theo cùng chiều hướng của nhiều tập đoàn khác, đi đầu là đối thủ cạnh tranh số 1 của Apple là tập đoàn Hàn Quốc Samsung, trong thời gian qua đã mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam để tiếp nhận các dây chuyền đến từ Trung Quốc.
Bình luận 0

Làn sóng "đại bàng" rời Trung Quốc về "làm tổ" ở Việt Nam

Làn sóng di dời sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam, một trong những hệ quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung và nỗi lo ngại bị Bắc Kinh bắt chẹt lộ rõ qua đại dịch Covid-19 vừa có thêm một biểu tượng rõ nét: Chiều 16/12, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết Công ty Foxconn đã chuyển đổi từ ngày 26/11/2020 để tránh những rủi ro ở Trung Quốc.

Cụ thể, nguồn tin cho biết, Foxconn đang xây dựng một dây chuyền sản xuất Ipad, máy tính MacBook ở Bắc Giang và sẽ đi vào hoạt động năm 2021. Foxconn đã thông báo khoản đầu tư mới 270 triệu USD vào Việt Nam. Các công ty đặt tại Đài Loan như Foxconn cũng đang tìm cách di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đến Việt Nam, Mexico và Ấn Độ để phòng ngừa rủi ro địa chính trị. Một số Airpod đã được sản xuất tại Việt Nam.

Ngoài Foxconn, những "đại bàng" nào rời Trung Quốc đến làm tổ tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Làn sóng di dời sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam

Sự kiện Apple chuyển sản xuất qua Việt Nam nằm trong một loạt động thái theo cùng chiều hướng của nhiều tập đoàn khác, đi đầu là đối thủ cạnh tranh số 1 của Apple là tập đoàn Hàn Quốc Samsung, trong thời gian qua đã mở rộng thêm nhiều cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam để tiếp nhận các dây chuyền đến từ Trung Quốc.

Tương tự, Google và Microsoft đang đẩy nhanh nỗ lực chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại mới, máy tính cá nhân (PC) và các thiết bị khác từ Trung Quốc đến Đông Nam Á giữa lúc virus corona bùng phát, trong đó các nhà máy ở Việt Nam và Thái Lan được cho là sẽ hưởng lợi, dựa trên nguồn tin từ Nikkei Asian Review.

Trước đó, các tập đoàn lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã và đang xây dựng nhà máy tại VN. Đơn cử Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc, một trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, đã khánh thành nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay tại Hà Nội. Tập đoàn Yokowo của Nhật Bản chuyên sản xuất thiết bị trên xe có động cơ đã di dời sang tỉnh Hà Nam.

Đáng chú ý, hai hãng công nghệ lớn Nhật Bản là Sharp và Kyocera vừa tuyên bố đã hủy kế hoạch sản xuất LCD, laptop, máy photocopy, màn hình đa năng... cho thị trường Mỹ tại TQ và sẽ xây dựng nhà máy tại nước ta.

Vì sao các tập đoàn lớn lựa chọn Việt Nam?

Việc di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc đã được tiến hành kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đạt đến đỉnh điểm vào năm ngoái. Các quyết định di cư của công ty Foxconn, Samsung, Google... chắc chắn sẽ định hình lại chuỗi cung ứng công nghệ.

Đơn cử như trường hợp của Foxconn, yếu tố nổi bật khiến công ty này lựa chọn Việt Nam là lực lượng lao động giá rẻ. Tập đoàn này hiện đang tăng tốc bố trí năng lực sản xuất toàn cầu. Theo mục tiêu đặt ra, năng lực sản xuất ở nước ngoài trong tương lai sẽ chiếm 30% tổng năng lực sản xuất của công ty.

Ngoài Foxconn, những "đại bàng" nào rời Trung Quốc đến làm tổ tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Foxconn dịch chuyển dây chuyền vào Việt Nam

Đáng nói, ở Việt Nam, nếu với mức lương cơ bản khoảng 4,2 triệu đồng, cộng với lương tăng ca, làm thêm, thu nhập hàng tháng của lao động Việt Nam sẽ chỉ rơi vào khoảng từ 6-7 triệu đồng. Còn mức tương đương ở Trung Quốc ít nhất cũng lên tới từ 14-21 triệu đồng. Thậm chí sẽ còn cao hơn tùy vào địa điểm, đặc thù công việc, vị trí làm việc.

Không chỉ với Foxconn, bất cứ doanh nghiệp đa quốc gia nào sử dụng nguồn lao động lớn, chi phí nhân công luôn là một trong những yếu tố then chốt đáng để cân nhắc khi lựa chọn đầu tư. Chi phí lao động thấp hơn, chính quyền hỗ trợ tốt hơn, giao thông địa lý thuận lợi là những lợi thế "trông thấy" mà Việt Nam hiện có.

Có thể thấy, việc giới phân tích nhận định, quyết định của Foxconn, Samsung và các công ty khác chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam là điều nằm trong dự đoán, vì ngoài việc xem xét yếu tố chi phí còn cân nhắc về "an ninh chuỗi cung ứng", họ cho rằng chuỗi cung ứng tương đối phân tán sẽ an toàn hơn.

Việt Nam cần những bước chuyển mang tính lâu dài

Trao đổi với Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang có nhiều ưu thế trong việc thu hút nguồn vốn FDI như nguồn kinh tế vĩ mô ổn định, điều kiện địa lý cũng có nhiều điểm sáng… Tuy nhiên, các yếu tố còn lại cần được khắc phục để có thể cạnh tranh trong thu hút với các quốc gia láng giếng có cùng hấp lực.

Theo ông Doanh, nói về hạn chế, khó khăn thì chúng ta đã bàn quá nhiều, giờ là lúc tìm ra các giải pháp làm sao để có thể đón được những doanh nghiệp FDI có chất lượng vào nước. Để làm được việc đó, ông Doanh cho rằng, cần phải giải quyết được 3 vấn đề lớn.

Ngoài Foxconn, những "đại bàng" nào rời Trung Quốc đến làm tổ tại Việt Nam? - Ảnh 5.

Samsung Electronics Tô Châu Computer. Ảnh: Weibo

Thứ nhất, Việt Nam nên cải cách thể chế, bộ máy; thứ hai, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, vận tải. Trong đó, hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ, chi phí cho giao thông đường bộ nói riêng và chi phí logistics nói chung còn cao…

Thứ ba, chúng ta có lực lượng lao động trẻ, chi phí rẻ. Tuy nhiên trình độ chuyên môn lao động phổ thông còn thấp, thiếu những lao động tiếp cận với nền kinh tế số, thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi phải thay đổi hệ thống giáo dục - đào tạo, dựa theo đó người lao động có thể tiếp tục học tập suốt đời, cập nhật kiến thức nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của công việc.

Do đó, để bền vững đón sóng FDI, Việt Nam cần những bước chuyển mang tính lâu dài không đơn thuần là đưa ra các chính sách nhỏ lẻ mà cần đặt ra một chiến lược phát triển mới cho phù hợp với cục diện thế giới mới.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem