Đón giao thừa bên nhà vợ

Theo Lao động Thứ tư, ngày 18/01/2023 14:57 PM (GMT+7)
Nhiều gia đình trẻ thường về quê ăn Tết với gia đình bên nhà chồng để đón giao thừa. Tuy nhiên, không ít trường hợp dự định Tết Âm lịch 2023 sẽ ở bên nhà vợ để trải qua thời khắc thiêng liêng này.
Bình luận 0

Việc vợ chồng và các con cùng đón giao thừa tại nhà chồng, rồi sau đó đến mùng 2, mùng 3 Tết mới sang nhà bên vợ chúc Tết dường như đã trở thành điều quen thuộc. Thậm chí, ngay cả những người lập gia đình ở gần nhà trong một xóm, xã cũng duy trì điều này.

Chị Đoàn Thị Hồng Liên (quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) lấy chồng là người ở trong xã. Hai vợ chồng cùng làm việc, dịp Tết mới trở về quê. "Đón giao thừa tại nhà chồng dường như đã trở thành một điều tất nhiên; nên nếu hai vợ chồng mà ở bên nhà vợ trong thời khắc chuyển giao năm mới với năm cũ này, chắc chắn sẽ có người thắc mắc nguyên nhân" – chị Liên cho hay.  

Lấy chồng đã được 6 năm nay, năm nào chị Liên cũng đón giao thừa tại nhà chồng rồi sáng mùng 1 Tết mới lên chúc Tết bên bố mẹ vợ.  

"Lập gia đình rồi, nhiều khi vào thời khắc giao thừa, tôi lại thèm cảm giác thời còn một mình, được ở bên bố mẹ sửa soạn mâm cơm tiễn năm cũ, đón năm mới, cùng thức khuya chờ thời khắc giao thừa. Công việc bận bịu, đi làm cả năm mới thấy những giây phút đó mới quý giá chừng nào" – chị Liên chia sẻ. 

Nhiều người e ngại việc không đón giao thừa tại nhà chồng mà đón ở nhà vợ sẽ bị nhiều người "nói ra, nói vào".

Đón giao thừa bên nhà vợ - Ảnh 1.

Tết Âm lịch 2023, anh Nguyễn Văn Thăng (giữa) sẽ đón giao thừa ở nhà vợ tại Nghệ An. Ảnh: NVCC

Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Thăng (làm việc ở Hà Nội, quê Bắc Giang) cho rằng, đón giao thừa tại nhà vợ là điều bình thường, cũng giống như đón giao thừa ở nhà chồng, đều mang ý nghĩa giống nhau trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Mọi năm, vợ chồng anh đều đón giao thừa ở nhà bố mẹ anh, còn năm nay thì khác.  

Vợ con anh Thăng đã về quê vợ ở Nghệ An, còn anh sẽ về quê bố mẹ đẻ vào chiều 27 Tết. Sau khi ở cùng bố mẹ, đến ngày 29 Tết, anh sẽ bắt xe vào Nghệ An để cùng đón Tết giao thừa với vợ con và bố mẹ vợ. Năm nay, em trai của anh Thăng từ nước ngoài về đón Tết cùng bố mẹ, nên anh yên tâm hơn khi mình không ở cùng với bố mẹ ngày 30, mùng 1 Tết. Trước khi về bên nhà vợ, anh đã chúc Tết chu toàn tới anh em, họ hàng chòm xóm.  

"Đã lấy nhau rồi thì nội hay ngoại cũng đều là nhà của mình, đón giao thừa ở nhà nào cũng mang lại niềm hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình" – anh Thăng bày tỏ quan điểm.  

Khác với anh Thăng, chị Ngô Thị Quyên (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) muốn được đón giao thừa tại nhà bố mẹ mình vì có người chị gái ở thành phố Hồ Chí Minh về.  

"Được đón giao thừa cùng bố mẹ chồng, chồng và các con luôn là một điều hạnh phúc, nhưng tôi muốn một lần nữa cùng bố mẹ, chị gái và em trai mình trải qua cảm giác chờ đợi kim đồng hồ điểm 12 giờ, bước sang ngày mới, năm mới" – chị Quyên chia sẻ.  

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng mà mọi người đều muốn được trải qua bên những người thân yêu của mình. Đón giao thừa ở nhà chồng hay bên vợ là lựa chọn của mỗi gia đình trẻ phù hợp với hoàn cảnh của mình, để cuối cùng, mỗi người đều có được hạnh phúc, niềm vui khi bước sang đầu năm mới. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem