Đón Tết 2021: Hơn 2.600 tỷ tiền mặt từ BIDV sắp “đổ về” Ngân hàng Nhà nước

22/12/2020 07:29 GMT+7
Sau 2 ông lớn ngân hàng “gốc Nhà nước” VietinBank và Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) cũng đã có thông báo phê duyệt chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện 8%.

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID) vừa thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019.

Đón Tết 2021: Hơn 2.600 tỷ tiền mặt từ BIDV sắp “đổ về” Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) thông báo phê duyệt chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện 8%.

BIDV dùng hơn 3.200 tỷ trả cổ tức 2019

Theo đó, ngân hàng sẽ dùng 3.218 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 8%. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt là 4/1/2021. Ngày thanh toán là 3/2/2021.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện vẫn là cổ đông đại diện sở hữu vốn Nhà nước nắm 80,99%. Với tỷ lệ sở hữu này. Như vậy, cổ đông Nhà nước sẽ nhận về hơn 2.600 tỷ đồng cổ tức trong đợt này.

Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng trích gần 3.000 tỷ đồng cho việc trích lập các quỹ như dự trữ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, khen thưởng phúc lợi.

Sau khi chia cổ tức và trích các quỹ, lợi nhuận còn lại là hơn 2.073 tỷ đồng, ngân hàng sẽ sử dụng để chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Trước BIDV, VietinBank và Vietcombank cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ lần lượt là 5% và 8%. Với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Vietcombank sẽ chi gần 3.000 tỷ đồng tiền mặt cho cổ đông. Trong khi đó, quy mô chi trả cổ tức tiền mặt của VietinBank là hơn 1.800 tỷ đồng.

Moody's nâng định hạng tiền gửi ngoại tệ của BIDV

Liên quan đến hoạt động của BIDV, mới đây Moody's nâng định hạng tiền gửi ngoại tệ của BIDV tăng từ mức B1 lên mức Ba3. Các loại định hạng khác (tiền gửi nội tệ dài hạn, nhà phát hành dài hạn…) giữ nguyên ở mức Ba3.

Việc tăng định hạng tiền gửi ngoại tệ của ngân hàng là động thái tiếp theo sau khi Moody's tăng trần tiền gửi ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Đón Tết 2021: Hơn 2.600 tỷ tiền mặt từ BIDV sắp “đổ về” Ngân hàng Nhà nước - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo tài chính của BIDV

Đồng thời, tại kỳ đánh giá này, Moody's ghi nhận cải thiện vững chắc của ngân hàng về chất lượng tài sản. Khả năng huy động vốn vẫn tiếp tục là thế mạnh của nhà băng này. Việc ngân hàng bán vốn cổ phần thành công cho nhà đầu tư KEB Hana Bank năm 2019 đã giúp cải thiện nền vốn chủ sở hữu.

Moody's cũng khẳng định, trong các năm tới đây, kế hoạch tiếp tục bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, nếu thành công, sẽ hỗ trợ tích cực cho kết quả định hạng của nhà băng này.

Trong 9 tháng đầu năm nay, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế 7.062 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,54% đạt 1,14 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 2,77% đạt 1,14 triệu tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, ngân hàng có 21.525 tỷ đồng nợ xấu, tăng 10,41% so với đầu năm, trong đó chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng 26% lên 14.315 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng từ 1,75% lên 1,88%.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục