"Dọn tổ đón đại bàng": Tùy lãnh đạo địa phương rốt ráo hay ì ạch

Quốc Phong Thứ hai, ngày 21/09/2020 07:41 AM (GMT+7)
Dù chưa hết năm, thế nhưng một bức tranh ảm đạm về kinh tế nước nhà đã hiện hữu trước mắt chúng ta. Đó là các kịch bản tăng trưởng nhưng chỉ còn 1,69 -2,12% mà Bộ Kế hoạch Đầu tư vừa đưa ra. Ngay từ bây giờ đã phải tính đến kịch bản cho những năm sắp tới.
Bình luận 0

Con số tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 6,8% được Quốc hội đề ra. Nếu so với cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19 (với nhiều quốc gia tăng trưởng âm) thì Việt Nam vẫn là điểm sáng hy hữu đáng mừng. Tuy nhiên ,cho dù năm nay kinh tế sẽ ra sao thì ngay từ lúc này, chúng ta cần tính đến những năm kế tiếp. Thời gian tới sẽ phục hồi kinh tế đất nước ra sao đây? Đó là một bài toán cực khó nếu chúng ta không rốt ráo tìm một hướng đi tích cực từ bây giờ.

Gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu ủng hộ quan điểm của Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng: "Chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế". 

Thông tin vể một số nhà đầu tư nước ngoài ngó sang Việt Nam và các nước ASEAN với ý định chuyển hướng đầu tư như một tia hy vọng tốt lành khiến chúng ta phải tìm cách chớp lấy. Tuy nhiên, thông tin này sau đó cũng chưa thật chính xác. Nhiều khi người ta cũng chỉ tung "đòn gió" với nhau để mưu cầu một mục tiêu mà không phải lúc nào cũng dễ nắm bắt.

Tốt nhất, theo tôi nghĩ, chúng ta nên chủ động làm thật tốt những gì có thể để tạo nên môi trường hấp dẫn hơn, thông thoáng hơn cho họ .

Việc "lót tổ  đón đại bàng" hay "rải thóc nhử chim chào mào, chim sẻ" đều là những việc nên chủ động và sớm tính đến cho thời cơ vàng này.

Nhưng đây cũng là điều khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không khỏi lo lắng, trăn trở. Thủ tướng đã nói thẳng thắn, nếu lãnh đạo các tỉnh, thành, ngành mà không cảm thấy sốt ruột, lo lắng thì không thể thực hiện được đặng giúp tăng trưởng kinh tế như mục tiêu phấn đấu .

Với mỗi địa phương trong cả nước, không phải nơi đâu cũng đều hấp dẫn với các nhà đầu tư. Vậy với những địa phương có vị trí địa lý không thuận lợi, các nhà lãnh đạo nơi đó nên làm gì để khắc phục nó? Và nếu không biết biến sự thất thế trở thành ưu thế cho mình thì thật khó thành công.

"Dọn tổ đón đại bàng": Tùy lãnh đạo địa phương rốt ráo hay ì ạch - Ảnh 2.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt để thu hút các nhà đầu tư là điều mà nhiều địa phương đang hướng đến.

Nam Định quê tôi

Hôm mới đây, tôi có dịp về quê nhà ở Nam Định. Phải nói thực lòng, quê tôi trong vài chục năm gần đây, tốc độ  tăng trưởng kinh tế và sự khởi sắc không nhiều; việc xây dựng thành công phong trào "Nông thôn mới" có lẽ là niềm tự hào lớn nhất. Nam Định là 1 trong 2 tỉnh của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới toàn tỉnh.

Do là tỉnh thuần nông thì đời sống của người dân Nam Định cũng thật khó giàu lên thực sự như mấy tỉnh đồng bằng Bắc bộ mà tôi từng đến thăm, tìm hiểu.

Đó cũng là những cảm giác của một người con quê hương Nam Định đau đáu một tình yêu vô bờ. Tôi có cảm giác buồn, day dứt, trăn trở khi phải nhìn nhận nghiêm túc một sự thật này.

Năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt 5.543 tỷ đồng. Một con số rất khiêm tốn so với nhiều tỉnh thành trong khu vực. Trong khi đó,tổng chi từ ngân sách Nhà nước năm 2019 cho hoạt động của tỉnh những 15.900 tỷ đồng thì đúng là nguồn thu chỉ đủ chi khoảng trên 1/3 nhu cầu.

Phải chăng vì thế, ngay từ năm 2017, khi về Nam Định dự lễ kỷ niệm 100 năm sinh cố Tổng bí thư Trường Chính, chính TBT Nguyễn Phú Trọng cũng tỏ ra ngạc nhiên bởi những con số chưa thể hài lòng và nhận xét: "So với một số nơi trong khu vực, rõ ràng sự phát triển của Nam Định còn có hạn chế. Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 42 triệu, trong khi mức bình quân chung của cả nước là hơn 50 triệu/năm( 2017). Thu ngân sách mới đáp ứng được 30%, như vậy là làm chưa đủ ăn, mà Nam Định để xảy ra tình trạng này là điều rất đáng suy nghĩ" (theo số liệu mới thì năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên khoảng 50 triệu, vẫn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước).

Trong chuyến về quê mới đây, tôi vào thăm khu công nghiệp Bảo Minh đóng tại huyện Vụ Bản. Chứng kiến tận mắt cơ ngơi này mà tôi không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt vì sự mới mẻ và văn minh của nó .

Khu công nghiệp rất hiện đại có quy mô 165 ha đã được lấp đầy và vừa được phép mở rộng thêm 50 ha nữa với hy vọng tiếp tục "lót tổ cho đại bàng" đến tiếp trong thời gian sau đại dịch .

Tiếc là cả tỉnh Nam Định mới chỉ có một khu công nghiệp hiện đại như vậy và nó cũng chỉ có khả năng thu nạp 14.000 lao động.

Lúc đầu tôi tự hỏi, vì sao khu công nghiệp Bảo Minh này, được nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư đánh giá thuộc dạng kiểu mẫu, mà Nam Định vẫn chưa thu hút được các "chú đại bàng" đến làm tổ?

Thật ra, môi trường đầu tư của Nam Định chưa thật hấp dẫn một phần do cơ chế chính sách của nhà nước, nhưng một phần khác  là do lãnh đạo địa phương không linh hoạt vận dụng những chính sách hợp lý để khuyến khích các nhà đầu tư dù hạ tầng như khu CN Bảo Mình được đánh giá là rất tốt.

Lẽ ra, Nam Định nên tìm cách khắc phục những hạn chế của địa phương mình như xa cảng biển, hạ tầng giao thông chưa tốt... bằng những cách riêng. Tỉnh cần những chính sách linh hoạt, thông thoáng khác nữa thì hy vọng mới đón được các nhà đầu tư về với mình.

Ví dụ, thiếu một cây cầu ở bến phà Sa Cao (khúc cắt của sông Hồng, giáp ranh giữa huyện Xuân Trường, Nam Định với huyện Vũ Thư, Thái Bình), thành ra trong vài chục năm qua Nam Định mất đi lợi thế khiến nhiều nhà đầu tư không vào mấy huyện xung quanh, vì từ đó ra Cảng Hải Phòng sẽ gặp khó khăn cách trở rất nhiều .

Được biết, quyền xây cầu Sa Cao thay phà hiện tại được Bộ Giao thông Vận tải cho tỉnh Thái Bình quyết định, tức là nó đã không thuộc quyền của Nam Định nữa. Như vậy sẽ khó cho Nam Định vì cây cầu Sa Cao nếu có, sẽ làm tăng tính cạnh tranh của Nam Định với chính Thái Bình trong thu hút đầu tư nên Thái Bình cần gì phải vội vã!

Vì thế, xem ra Nam Định chưa phải là mảnh đất quá hấp dẫn để "lót tổ đón đại bàng", thậm chí ngay cả "đón chim sẻ "cũng không hề dễ.

Hải Phòng và Quảng Ninh tăng tốc

Xin nhắc lại một chuyện khá thú vị về cây cầu Bạch Đằng giáp ranh Quảng Ninh và Hải Phòng. Nó được thì công cùng với đoạn đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long hồi năm 2015-2018.

Một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng kể cho tôi nghe, lãnh đạo Quảng Ninh nhận thức rõ ràng rằng, giao thông  và hạ tầng thuận lợi mới hấp dẫn các nhà đầu tư đến với tỉnh mình. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngay từ những năm 2012 -2015 đã tiến hành một cuộc "cách mạng" về hạ tầng giao thông, chưa có tiền lệ trong giải phóng mặt bằng.

Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Quảng Ninh ước đạt 7,4%; được so sánh là mức tăng khá với bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,2%), giá trị tăng thêm của cả 3 khu vực kinh tế đều tăng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 29.473 tỉ đồng.

Năm 2019, Quảng Ninh thu ngân sách nhà nước đạt trên 45.900 tỉ đồng, tăng 11% so với dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, thu nội địa đạt trên 34.300 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2018. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 10 năm qua với tỷ lệ 12,01%.Thu nhập bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/năm ( gấp đôi mức trung bình cả nước).

Năm 2020, dù dịch bệnh,Quảng Ninh vẫn phấn đấu giữ vững tăng trưởng kinh tế trên 12%, thu ngân sách không thấp hơn 48.000 tỉ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt tối thiểu 37.000 tỉ đồng, thu xuất nhập khẩu trên 11.000 tỉ đồng.

Họ đề xuất với Chính phủ cho phép Quảng Ninh bỏ khoảng 160 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để đền bù giải phóng mặt bằng trên đất của huyện Hải An, Hải Phòng. Mục đích là đẩy nhanh tiến độ thi công toàn bộ cây cầu cho dù mố cầu bên kia, họ không phải chi tiền và phải làm .

Bên cạnh đó, Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khởi công từ tháng 9/2014, với chiều dài 24,6km, gồm 2 dự án thành phần: Cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng (dài 19,3km, có giá trị đầu tư 6.416 tỉ đồng bằng ngân sách địa phương) và Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến (dài 5,3km, đầu tư theo hình thức BOT, giá trị đầu tư 7.277 tỉ đồng) được hoàn thành nhanh kỷ lục.

Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên được Chính phủ giao cho địa phương tự đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và hình thức đối tác công tư (PPP). Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng rút ngắn quãng đường từ TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km, thời gian đi ô tô từ 3,5 giờ nay giảm chỉ  còn hơn 1,5 giờ; quãng đường từ TP.Hạ Long đi Hải Phòng trước dài 75km ,nay giảm chỉ còn 25km. Thật là quá thuận lợi!

Câu chuyện trên đã cho thấy một điều, chính lãnh đạo địa phương rất cần lao tâm, khổ tứ xắn tay vào mà làm thì mới có sức bật lên để kết quả cuối cùng là Quảng Ninh đã có một bộ mặt phát triển đến ngoạn mục như hôm nay.

Và, việc "dọn tổ đón đại bàng" nhiều khi cần bắt đầu từ những cây cầu là như vậy.

Nếu không có hạ tầng tốt thì làm sao Quảng Ninh có nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư rất lớn đến với họ, rồi kinh tế tăng trưởng cao như vậy.

Câu chuyện "dọn tổ cho đại bàng" hay "rải thóc cho chim chào mào, chim sẻ" mà gần đây nhiều người hay nhắc đến khi bàn đến môi trường đầu tư nói chung đã được lãnh đạo Quảng Ninh nói chí ít từ 7-8 năm trước.

Còn so sánh rộng hơn nữa ở vùng Bắc bộ và Đông Bắc bộ thì hiện nay Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình... họ đều khởi sắc đến độ ngạc nhiên. Nguyên nhân để có được những bứt phá đặc biệt này là bởi ở đây, bộ máy lãnh đạo đã có những đổi thay về tư duy và tầm nhìn khá thoáng so với trước.

Điều này cho thấy, ngoài các quy định, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn cần có sự chung tay, chung sức, chung lòng của từng cán bộ lãnh đạo địa phương. Các nhà đầu tư đến địa phương đầu tư kinh doanh là phải được coi như người đến để giúp địa phương mình mở mang phát triển sản xuất, dịch vụ và làm giàu.

Đại dịch toàn cầu Covid-19 đã và đang khiến thế giới chao đảo, ngả nghiêng vì kinh tế lâm vào khủng hoảng và suy thoái trầm trọng như hiện nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá, nền kinh tế thế giới trong năm sẽ âm 4,9%, các nước trong khối ASEAN âm 2%. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng còn 2,7% - mức thấp nhất trong 10 năm qua của Việt Nam (nhưng đó là con số được đánh giá trước đợt dịch tái bùng phát tháng 7 vừa qua).

Nếu chúng ta muốn đạt được con số đó, thì các tỉnh, thành, ngành trong cả nước phải gồng mình tăng tốc, tìm mọi biện pháp để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.

Vì lẽ đó, không có lý do gì lãnh đạo các địa phương có thể xem nhẹ câu chuyện "dọn tổ đón đại bàng" cũng như "rải thóc cho chim chào mào, chim sẻ đậu trên đất lành" của mình.Trong nhiều thứ việc phải làm nhằm tạo môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư, theo tôi, các địa phương nên bắt đầu từ khâu xây dựng hạ tầng cơ sở sao cho tốt nhất có thể, tiếp đó mới bàn đến cơ chế chính sách tạo ra cho nhà đầu tư theo lối khó đâu gỡ đấy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem