Đòn trừng phạt khiến Đài Loan mất 900 triệu USD có giúp Trung Quốc đạt ý đồ?

Nguyễn Thái - SCMP Thứ ba, ngày 06/08/2019 06:25 AM (GMT+7)
Với việc ngày càng nhiều người Trung Quốc du lịch khắp nơi trên thế giới, giá trị du lịch của họ trở thành một phương tiện để Bắc Kinh gây áp lực tới các khu vực và quốc gia khác. Mới đây nhất là trường hợp của đảo Đài Loan.
Bình luận 0

img

Trung Quốc đưa ra lệnh cấm du lịch cá nhân tới Đài Loan với công dân tại 47 thành phố đại lục

Theo SCMP, Trung Quốc hôm 31/7 tuyên bố cấm công dân ở 47 thành phố đại lục tới Đài Loan với tư cách du lịch cá nhân. Lệnh cấm có hiệu lực kể từ ngày 1/8 và không có thời hạn kết thúc.

Tuy được đánh giá là sẽ gây ra tác động kinh tế lớn với Đài Loan, lệnh cấm của Trung Quốc lại không phải là cách hiệu quả giúp Bắc Kinh đạt được mục đích, theo đánh giá của các nhà quan sát.

Lin Ying-yu, trợ lý giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại đại học quốc gia Chung Cheng, cho biết, việc hạn chế du khách đại lục là một trong những bước mà Bắc Kinh thực hiện nhằm "dằn mặt" Đài Loan trong vài tháng gần đây. Trước đó hồi tháng 3, Trung Quốc bị cáo buộc điều 2 chiến đấu cơ J-11 tới eo biển Đài Loan khiêu khích và gần đây là các cuộc tập trận của quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc gần hòn đảo.

"Đây là tất cả nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây sức ép với Đài Loan, mới nhất là việc cấm thị thực du lịch cá nhân. Qua những động thái này, có thể thấy, Bắc Kinh đang thực hiện các chính sách ngày một mạnh tay hơn với Đài Loan", Ying-yu chia sẻ.

img

Trung Quốc và Hàn Quốc từng căng thẳng vì việc Seoul cho phép Washington triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao THAAD

Trước đây, Bắc Kinh từng sử dụng "chiêu" tương tự khi căng thẳng gia tăng với Seoul. Năm 2017, Hàn Quốc chấp thuận cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao THAAD, động thái khiến Trung Quốc lo lắng sẽ đe dọa an ninh của nước này.

Bắc Kinh lập tức ra lệnh cấm các chuyến du lịch nhóm tới Hàn Quốc. Theo dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc, lệnh cấm này giảm một nửa số du khách Trung Quốc tới xứ sở kim chi, khiến Seoul thiệt hại khoảng 6,24 tỷ USD.

Khi căng thẳng dịu xuống, số lượng du khách Trung Quốc tới Hàn Quốc vẫn không thể trở lại như con số trước đây. Tuy nhiên, "chiêu" này của Trung Quốc không những không khiến Seoul đổi ý trong việc cho Mỹ triển khai THAAD mà thậm chí còn khiến Bắc Kinh không được lòng các quốc gia láng giềng.

Năm 2017, cuộc thăm dò ý kiến của người Hàn Quốc do Viện nghiên cứu chính sách Asan thực hiện cho thấy xếp hạng của Trung Quốc giảm từ 4,31 (tháng 1) xuống 3,21 (tháng 3). Xếp hạng được tính theo thang điểm 0-10, với 10 là xếp hạng tốt nhất.

Trong khi đó, Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc đại học Lĩnh Nam, Hong Kong, lưu ý về thiệt hại kinh tế bởi làn sóng tẩy chay du lịch Trung Quốc.

"Du khách Trung Quốc có tác động lớn tới ngành công nghiệp du lịch của nhiều nơi như Hàn Quốc hay Đài Loan và du lịch có thể là một cách hiệu quả để gây áp lực về kinh tế.

Tuy nhiên trong trường hợp của Hàn Quốc năm 2017, việc triển khai THAAD liên quan tới an ninh quốc gia của xứ sở kim chi và Seoul sẽ không từ bỏ nó chỉ vì thiệt hại kinh tế và thực tế đúng như vậy", ông Baohui, cho hay.

Palau, đảo quốc nằm ở Tây Thái Bình Dương và là một trong số ít quốc gia giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan, cũng từng là nạn nhân của Trung Quốc với "chiêu" đánh vào du lịch.

Tháng 11/2017, Bắc Kinh ra lệnh cấm các chuyến du lịch tập thể tới Palau nhằm gây sức ép để đảo quốc này thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc thay vì Đài Loan.

Kết quả của lệnh cấm hiện ra rõ rệt theo thống kê của Tổ chức Du lịch Nam Thái Bình Dương. Lượng du khách Trung Quốc tới Palau giảm 22,7% trong quý 3 và quý 4 năm 2017. Vài năm trước lệnh cấm, số du khách Trung Quốc tới đảo quốc ở Tây Thái Bình Dương tăng nhanh, từ 1.000 (năm 2010) lên tới 90.000 (năm 2016).

Dẫu thiệt hại như vậy, Palau vẫn giữ quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan.

img

Trong thương chiến Mỹ - Trung, Bắc Kinh được cho là cũng sử dụng "chiêu" nhằm vào du lịch

Ngay cả trong thương chiến Mỹ - Trung, Bắc Kinh dường như cũng "bổn cũ soạn lại". Hồi đầu tháng 6, giới chức Trung Quốc đưa ra một khuyến cáo tới người dân nước này khi du lịch ở Mỹ, cho rằng việc cơ quan thực thi pháp luật Mỹ kiểm tra nhập cư sẽ gây "phiền toái" cho du khách Trung Quốc.

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cũng đưa ra lời khuyên về vấn đề an ninh ở Mỹ, đề cập tới các vụ xả súng, trộm cướp thường xuyên xảy ra.

Chưa dừng ở đó, Bắc Kinh còn cảnh báo học sinh nước này du học tại Mỹ và học giả đang chuẩn bị qua Mỹ rằng "rủi ro của họ đang tăng cao". Thậm chí, giới chức Trung Quốc còn làm chậm quá trình xét duyệt, cấp thị thực cũng như từ chối các đơn xin du học tại Mỹ.

Trở lại trường hợp của Đài Loan, số lượng du khách Trung Quốc đại lục tới hòn đảo này đã sụt giảm kể từ khi bà Thái Anh Văn, người có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Trung Quốc, lên nắm quyền.

Dữ liệu của Đài Loan cho thấy lượng khách du lịch Trung Quốc tới đảo Đài Loan trong năm 2015 là 4,2 triệu người. Nhưng chỉ 3 năm sau, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 2,7 triệu người.

Giới chức Đài Loan cho biết lệnh cấm mới đây của Bắc Kinh sẽ khiến hòn đảo mất đi khoảng 700.000 lượt khách trong 6 tháng tới, với thiệt hại lên tới gần 900 triệu USD.

”Dính đòn” Trung Quốc gây thiệt hại 900 triệu USD, Đài Loan lên tiếng

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói việc Trung Quốc cấm khách du lịch đại lục đến hòn đảo là “sai lầm chiến lược”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem