Tiết lộ "sức khỏe" của ngân hàng được HDBank nhận chuyển giao bắt buộc

Huyền Anh Thứ ba, ngày 30/08/2022 06:42 AM (GMT+7)
Theo nguồn tin của Dân Việt, DongA Bank là cái tên dự kiến sẽ được chuyển giao bắt buộc cho HDBank. Cùng với những thuận lợi và kinh nghiệm trong quá khứ, liệu HDBank có vực dậy được một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt như DongA Bank?
Bình luận 0

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.HCM (HDBank - mã ck: HDB) đã cho ý kiến bằng văn bản, thông qua toàn bộ các tờ trình của Hội đồng quản trị với tỷ lệ tán thành cao.

HDBank nhận chuyển giao bắt buộc DongA Bank

Trong đó, cổ đông ngân hàng này đã thông qua chủ trương tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt với tỷ lệ tán thành 81,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo tờ trình, việc tham gia chương trình tái cơ cấu một tổ chức tín dụng nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế; bên cạnh đó, tạo cơ hội mang lại lợi ích, giá trị gia tăng cho ngân hàng.

Tiết lộ "sức khỏe" của ngân hàng được HDBank nhận chuyển giao bắt buộc   - Ảnh 1.

81,52% cổ đông HDBank tán thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. (Ảnh: HDB)

HĐQT HDBank cho biết, sau khi Ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, NHTM được chuyển giao bắt buộc hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do HDBank là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.

Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính.

HDBank được loại trừ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất.

HDBank tham gia hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc về quản trị, điều hành, hỗ trợ hạ tầng công nghệ, quản trị rủi ro và các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp với Phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Trong thời gian thực hiện phương án, HDBank được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Vậy ngân hàng nào sẽ "về tay"" HDBank trong thời gian tới?

Được biết, hiện có 3 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bị kiểm soát đặc biệt được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân Hàng Đaị Dương (OceanBank).

Cùng với đó, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bắt buộc tái cơ cấu.

Tuy nhiên, CBBank và Ocean Bank theo dự kiến đã "có chủ" là VietcomBank và MBBank.

2 ngân hàng còn lại là GPBank và DongA Bank, theo nguồn tin của Dân Việt, cũng đã "có chủ" là 2 ngân hàng tư nhân lớn nhòm ngó. Hai cái tên khá rõ ràng đó là HDBank và VPBank. Dự kiến, DongA Bank sẽ "về tay" HDBank. 

Vì sao HDBank lại lựa chọn DongA Bank?

Theo các chuyên gia, nhãn tiền có thể thấy nếu HDBank nhận chuyển giao bắt buộc DongA Bank đó chính là lợi thế địa lý và mạng lưới mà DongA Bank đã gây dựng được trong 30 năm qua.

Tính đến nay, DongA Bank đã mở rộng cơ cấu tổ chức với 9 Khối, 1 văn phòng thuộc Hội sở chính, 212 chi nhánh, phòng giao dịch trải dài 44 tỉnh thành; và 2 công ty thành viên, đội ngũ cán bộ - nhân viên gần 4.000 người.

Bộ phận nghiên cứu tại SSI đánh giá, việc tham gia tái cơ cấu sẽ giúp HDBank mở rộng mạng lưới kênh phân phối, tăng độ bao phủ...

Cũng theo các chuyên gia SSI, HDBank còn được khá nhiều lợi ích khi nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, chẳng hạn sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hằng năm và các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, từ đó giúp ngân hàng có cơ hội bứt phá để tăng trưởng quy mô cao hơn.

Hội đồng quản trị HDBank cũng cho hay: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền cũng sẽ giúp HDBank nâng cao năng lực tài chính, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng, tác động có thể xảy ra trong quá trình nhận chuyển giao bắt buộc.

Tiết lộ "sức khỏe" của ngân hàng được HDBank nhận chuyển giao bắt buộc   - Ảnh 3.

Lỗ lũy kế đến 31/12/2021 của Dong A Bank lên tới 12.000 tỷ đồng. (Ảnh: Dong A Bank)

Bên cạnh những lợi ích, thách thức mà HDBank phải vượt qua cũng rất lớn khi DongA Bank vẫn đang gánh lỗ lũy kế.

Thực tế, "bão tố" đến với DongA Bank từ năm 2015 khi hàng loạt sai phạm của lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt nhất là ông Trần Phương Bình, bị đưa ra ánh sáng. Ông Trần Phương Bình và "ê kíp" của mình đã khiến ngân hàng lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng, tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Đến 31/12/2021, dù bức tranh tài chính đã "sáng hơn", nhưng DongA Bank vẫn đang gánh lỗ lũy kế lên tới 12.465 tỷ đồng, kéo theo đó vốn chủ âm 6.855 tỷ đồng. Với con số này, việc HDBank dự định dùng không quá 9.000 tỷ đồng thực hiện góp vốn điều lệ vào NHTM được chuyển giao bắt buộc tại ngày chuyển giao bắt buộc cũng phần nào được lý giải. 

HDBank còn cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện việc góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.

Đáng chú ý, khoản góp vốn vào ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank.

Về kết quả kinh doanh năm gần nhất (năm 2021), DongA Bank lỗ trước thuế 1.611 tỷ đồng. Tổng tài sản tại ngày 31/12/2021 của ngân hàng đạt 62.262 tỷ đồng.

Về nợ xấu, theo số liệu từng được công bố trước đó, DongA Bank đã thu hồi 17.036 tỷ đồng nợ xấu tính từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến ngày 31/8/2019, số còn lại khoảng 24.000 tỷ đồng.

Trong ngành ngân hàng, HDBank được biết đến là ngân hàng thực hiện thành công hai dự án M&A, bao gồm sáp nhập một ngân hàng thương mại và mua lại một công ty tài chính.

Theo đó, năm 2013 HDBank đã sáp nhập Đại Á Bank và hoàn tất quá trình kết nối, hợp nhất hệ thống công nghệ thông tin trong thời gian kỷ lục chỉ 4 tháng, đồng thời đảm bảo giao dịch an toàn, thông suốt cho mọi khách hàng, mang lại đời sống và môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động.

Năm đầu sau sáp nhập, lợi nhuận trước thuế của HDBank đạt 477 tỷ đồng (năm 2014), đến năm 2021 đã vượt trên 6.453 tỷ đồng, tức là tăng trưởng gấp 13,5 lần.

Tất nhiên, việc nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức yếu kém lần này khác so với việc sáp nhập Đại Á Bank, bởi ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính; đồng thời được loại trừ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất. Song, với kinh nghiệm và thành công của HDBank trong quá khứ, cộng với các chính sách, cơ chế dành cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, liệu HDBank có vực được Dong A Bank?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem