Đóng chợ đầu mối, TP.HCM lập tức thiếu 1.500 tấn rau, 400.000 quả trứng/ngày, miền Tây lại thừa chả biết bán cho ai

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 19/07/2021 16:49 PM (GMT+7)
Nguồn lương thực, thực phẩm ở các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tương đối dồi dào, trong khi việc cung ứng cho TP.Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn do các chợ đầu mối nông sản lớn trên địa bàn đóng cửa.
Bình luận 0

Nguồn lương thực, thực phẩm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn dồi dào

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến với Sở NNPTNT các tỉnh phía Nam bàn giải pháp sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, nguồn lương thực thực phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Nam và TP.Hồ Chí Minh vẫn tương đối dồi dào.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thời gian qua vẫn ổn định, giá lúa có dao động giảm từ 200 - 400 đồng/kg tùy từng chủng loại so với vụ đông xuân, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Đối với sản xuất rau, các tỉnh phía Nam có diện tích rau khoảng 537.000 ha, năng suất 199,7 tạ/ha, sản lượng 10,7 triệu tấn.

Bình quân mỗi tháng vùng Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp cho thị trường 433.000 tấn rau, chủ yếu cho tiêu thụ nội địa với khoảng 18 triệu người vùng ĐBSCL và 10 triệu người TP.HCM.

Diện tích cây ăn quả phía Nam năm 2020 ước đạt 693.000 ha, bằng 61% so cả nước. Trong đó, diện tích xoài khoảng 83.500 ha, năng suất 114 tạ/ha, sản lượng 790.000 tấn. 

Đối với thịt lợn, ông Hòa cho biết, tổng sản lượng thịt lợn của 19 tỉnh phía Nam năm 2020 đạt 1.060.338 tấn (kế hoạch sản xuất năm 2021 tăng 6,2% so với năm trước). Trong đó, sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 93.840 tấn/tháng. 

Đối với thịt gà, sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 30.492 tấn/tháng; thịt vịt, sản lượng bình quân năm 2021 là 10.860 tấn/tháng.

Tổng sản lượng trứng các loại của 19 tỉnh phía Nam năm 2020 đạt 5,18 tỷ quả. Sản lượng bình quân mỗi tháng năm 2021 là 455 triệu quả/tháng. 

Đối với thủy sản, sản lượng tôm sú đạt 113.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258.000 tấn, tình hình sản xuất tôm vẫn diễn ra tương đối ổn định, việc vận chuyển tiêu thụ gặp khó khăn nên giá tôm đang có chiều hướng giảm nhẹ.

Đóng chợ đầu mối, TP.HCM lập tức thiếu 1.500 tấn rau, 400.000 quả trứng/ngày, miền Tây lại thừa chả biết bán cho ai - Ảnh 1.

Lãnh đạo các đơn vị của Bộ NNPTNT tham gia Hội nghị trực tuyến với Sở NNPTNT các tỉnh phía Nam bàn giải pháp sản xuất, cung ứng nông sản trong điều kiện các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: T.Hiếu.

Đóng chợ đầu mối nông sản, 2/3 lượng nông sản thực phẩm cung ứng cho TP.HCM thiếu hụt

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh, 80- 90% nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân thành phố phải nhận cung ứng từ các tỉnh, do vậy, sau khi các chợ đầu mối lớn trên địa bàn đóng cửa do có các ca nhiễm Covid-19, nguồn nông sản, thực phẩm cho thành phố bị thiếu hụt nghiêm trọng.

"Các chuỗi siêu thị trên địa bàn thành phố chỉ cung ứng được khoảng 1/3 nhu cầu nông sản, thực phẩm của người dân, 2/3 lượng nông sản, thực phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân qua chuỗi các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Khi các chợ này tạm đóng cửa đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung ứng. Hiện, một số chợ đã được mở lại để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân" - ông Hiệp nói. 

Đóng chợ đầu mối, TP.HCM lập tức thiếu 1.500 tấn rau, 400.000 quả trứng/ngày, miền Tây lại thừa chả biết bán cho ai - Ảnh 2.

2/3 lượng nông sản, thực phẩm cung ứng cho người dân TP.Hồ Chí Minh được cung cấp qua các chợ đầu mối. 3 chợ đầu mối đóng cửa, TP.HCM thiếu hụt hẳn 1.500 tấn rau củ ngày. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Cũng theo ông Hiệp, hiện nhu cầu của thành phố đang thiếu 1.500 tấn rau củ, 300.000 - 400.000 quả trứng/ngày. 

Do nguồn cung ứng bị gián đoạn nên giá lương thực, thực phẩm trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7/2021 trên địa bàn TP.HCM đều tăng so với các tháng trước đó. 

Cụ thể giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước, trong đó rau củ quả tăng mạnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm.

Về việc cung ứng hàng hóa cho TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, sản lượng lương thực, rau quả, thịt rất dồi dào, thoải mái đáp ứng nhu cầu của thành phố, tuy nhiên, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.

"Trước mỗi địa phương quy định một kiểu khi qua chốt, hiện, Bộ Y tế đã có quy định mới, hy vọng việc vận chuyển sẽ bớt khó khăn, tuy nhiên thành phố nên thống nhất các điểm giao nhận"  - ông Truyền nói.

Đây cũng là quan điểm của đại diện Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, bởi có một thực tế, dù lượng nông sản, thực phẩm của địa phương khá dồi dào nhưng các tài xế lại ngại vận chuyển vì không biết quy định phòng dịch của các địa phương như thế nào. 

Từ thực tế này, các địa phương kiến nghị các quận, huyện TP.HCM rà soát, tổ chức địa điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời; triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch tại địa điểm nêu trên. 

Đối với vấn đề các địa phương lân cận áp dụng chủ trương cách ly người đến từ TP.HCM làm ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, tổ chức khử khuẩn phương tiện, thay đổi tài xế… bàn giao phương tiện để tiếp tục vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Đại diện Sở NNPTNT TP.Cần Thơ kiến nghị, các địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng không nên đóng cửa các chợ đầu mối, chợ truyền thống để đảm bảo bà con tiêu thụ nông sản, cung ứng hàng hóa cho thị trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem