Dòng họ Trần Danh ở Bắc Ninh phát về khoa bảng, có 4 người đỗ tiến sỹ thời phong kiến, dòng dõi Hoàng tộc

Thứ sáu, ngày 10/02/2023 05:00 AM (GMT+7)
Cụm di tích nhà thờ Tiến sĩ Trần Phụ Dực, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án ở thôn Phương Triện (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là di tích lịch sử quan trọng, biểu trưng cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ Trần Danh và người dân trong khu vực.
Bình luận 0

 Khu di tích lịch sử này vừa được các cấp, các ngành và dòng họ tôn tạo trùng tu khang trang, tố hảo.

Phương Triện (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là miền quê trù phú, giầu truyền thống lịch sử, văn hoá và khoa bảng. Trải qua các thời kỳ lịch sử, lớp lớp người dân thôn Phương Triện luôn trân trọng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cha ông, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới. 

Phương Triện hôm nay còn giữ được hệ thống các di tích lịch sử văn hoá, các di tích tâm linh tín ngưỡng của dân làng như đình làng Phương Triện, chùa làng “Thanh Lương tự” một trong những danh lam cổ tự được xây dựng từ thế kỷ XVII. 

Xưa, làng Phương Triện có 10 dòng họ, các dòng họ trong thôn đều có nhà thờ họ như: Họ Đoàn Xuân, họ Phạm Văn, họ Trần Danh, họ Lê Hữu, họ Nguyễn Huy…

Hàng năm vào ngày giỗ tổ con cháu toàn gia tộc lại tề tựu đông đủ cùng nhau ôn lại truyền thống tự hào của gia tộc. Trong số đó, không thể không nhắc tới truyền thống hiếu học và khoa bảng của dòng họ Trần Danh.

Nhà thờ được xây dựng vào thời Lê thế kỷ 18, là nơi tôn thờ 4 vị Tiến sĩ Trần Phụ Dực, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án và các bậc tổ tiên của dòng họ. Theo các tài liệu ghi lại, xưa nhà thờ có quy mô đẹp gồm nhiều công trình tạo thành một cụm di tích và quần thể khu mộ có hệ thống bia đá khắc ghi thân thế sự nghiệp của các vị Tiến sĩ trong gia tộc rất đẹp, độc đáo… 

Trải qua thời gian, thăng trầm lịch sử, nhiều di tích bị tiêu hủy, hư hỏng chỉ còn khu mộ các tiến sĩ và khu nhà thờ.

Dòng họ Trần Danh ở Bắc Ninh phát về khoa bảng, có 4 người đỗ tiến sỹ thời phong kiến, dòng dõi Hoàng tộc - Ảnh 2.

Đại diện Hội đồng dòng tộc Trần Danh (thôn Phương Triện (xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh)  giới thiệu ý nghĩa các bia đá cho thế hệ trẻ dòng họ.

Căn cứ vào gia phả và bia “Truy viễn đàn bi ký” được lập vào tháng 7 năm Tự Đức 12 (1861) cho biết, họ Trần vốn thuộc dòng dõi Hoàng tộc, quê ở thôn Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định, nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. 

Đầu thế kỷ XV vì lý do thời cuộc cụ Thuần Đạo đã di cư về đất Bảo Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc, nay là thôn Phương Triện, xã Đại Lai (Gia Bình). Việc học hành khoa cử của dòng họ phát triển từ rất sớm. Trong các triều đại phong kiến, dòng họ Trần Danh có 4 tiến sĩ và gần 70 cử nhân, tú tài. 

4 tiến sĩ được thờ trong Nhà thờ họ Trần Danh là Trần Phụ Dực, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án. Tiến sỹ Trần Phụ Dực (1655-1713), từ năm 16 tuổi theo học ở phủ, 19 tuổi cùng anh nhận hương giải. Năm Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa năm thứ 4 (1683), triều đình tổ chức thi Đình, Trần Phụ Dực đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ). 

Sau khi đỗ, ông được bổ nhiệm nhiều chức quan trọng trong triều cũng như ngoài trấn, như Giám sát ngự sử, Tư huấn ở Chiêu Văn quán, Cấp sự trung Lễ khoa (có phẩm hàm chánh Bát phẩm), Giám sát ngự sử Hải Dương và Sơn Tây (chánh Thất phẩm), Hiến sát sứ Hưng Hóa (chánh Lục phẩm), Đốc đồng Sơn Nam, Tham chính Lạng Sơn (tòng Tứ phẩm). 

Ông nổi tiếng văn chương, giỏi việc chính trị. Ông có 10 người con trai, người thứ tám là Trần Danh Ninh, thứ chín là Trần Danh Lâm đều đỗ tiến sĩ, nổi tiếng văn chương. Trần Phụ Dực được người đương thời đánh giá là người “…khuôn mẫu trong đời văn chương, đạo đức, làm quan thanh liêm, không mua bán tài sản, chuyên tu nhân tích đức nên đã gợi mở nền móng cho sự phát triển đời sau…”. 

Tên tuổi của ông được sử sách lưu danh, được khắc trong Văn bia đề danh tiến sỹ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683) đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và Văn bia đề danh tiến sĩ từ khoa Bính Tuất (1645) đến khoa Giáp Tuất (1694) đặt tại Văn miếu Bắc Ninh.

Người thứ hai được thờ trong nhà thờ là Tiến sĩ Trần Danh Ninh (1703-1767) là con trai thứ tám của Tiến sĩ Trần Phụ Dực. Nội dung tấm bia “Đề danh tiến sĩ khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 3 (1731)” cho biết: “Khoa thi này có 12 người đỗ, người anh Trần Danh Ninh đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và người em đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ). 

Đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với dòng tộc Trần Danh và mảnh đất Gia Bình, Bắc Ninh nói riêng, với lịch sử giáo dục và khoa cử Nho học thời phong kiến của nước nhà nói chung”. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm quan. 

Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, là một vị quan văn võ toàn tài. Hơn 35 năm làm quan ông ngày đêm lo việc nước, tính tình ngay thẳng cương trực, lấy điều cần kiệm xây dựng nếp nhà, lấy điều nhân nghĩa để phúc đức cho con cháu, được mọi người yêu mến tiếng tốt lưu truyền. 

Đánh giá công trạng của Hoàng giáp Trần Danh Ninh với lịch sử dân tộc, sử gia Phan Huy Chú nhận định: “Ông là người cương quyết, nghiêm nghị, tự giữ cái phong thể của mình, việc giáp binh việc tế lễ việc nào cũng làm được cả. 

Đến như ở chốn triều đình bàn việc chính trị thị ông rất khảng khái, công bằng, ngay thẳng, lẫm liệt, không ai dám phạm, có khuôn mẫu khí độ bậc danh thần; bấy giờ ai cũng kính phục. Triều đình tặng Thiếu Bảo, tên thuỵ là Mẫn Đạt”.

Người thứ ba được thờ là Tiến sĩ Trần Danh Lâm (1705-1777), ông là con của Tiến sĩ Trần Phụ Dực, là em Tiến sĩ Trần Danh Ninh. Năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 5) khoa thi năm Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731). 

Tiến sĩ Trần Danh Lâm từng đảm trách các chức quan như: Hàn lâm viện Hiệu lý, Tả hữu thị lang bộ Công, Thị lang bộ Binh, Phó đô Ngự sử, Ngự sử đài, Đô ngự sử, Bồi tụng, Thượng thư bộ Công…Công trạng của ông còn thể hiện rõ trong quãng thời gian cai quản hai vùng đất biên viễn của quốc gia Đại Việt thế kỷ XVIII. 

Sử gia Phan Huy Chú nhận xét trong 39 năm làm quan “coi giữ hai trấn miền Bắc, miền Nam; tất cả là 6 lần xét công, làm bồi tụng được 6 năm, ở triều ở quận danh vọng rực rỡ… Ông tính thanh liêm, khoan hoà, dễ dãi, không tranh giành với ai, đến đâu dân cũng nhớ ơn…”

Người thứ tư được thờ là Tiến sĩ Trần Danh Án (1754-1794) là con trai của Tiến sĩ Trần Danh Lâm, cháu nội Tiến sĩ Trần Phụ Dực. Ông là người thông minh học giỏi, thi Hương đỗ giải nguyên. Năm 34 tuổi đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp, tên đứng thứ 3) khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống 1 (1787), khoa thi cuối cùng triều Lê. 

Sau ông giữ các chức Viên ngoại lang hành Chiếu khám, Nội hàn viện. Ông để lại cho đời sau rất nhiều các phẩm có giá trị như: Liễu Am thi tập, Tản ông thi tập, Nam Phong giải trào, Bảo Triện trần tiến sĩ thi tập. Ngoài ra ông có bài thơ “Than bần” (Than nghèo) rất nổi tiếng.

Cùng với di tích nhà thờ Tiến sĩ Trần Phụ Dực, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án, liên quan đến di tích này còn có khu mộ của 4 tiến sĩ. Tại di tích này hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý giá, đặc biệt là hệ thống bia đá giúp cho việc nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của các vị đại khoa trong gia tộc, gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong tiến trình lịch sử. Về sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan, xưa kia vào các tiết Đông Chí, Đoan Ngọ, Chính đán, Thường Tiên con cháu thường tổ chức lễ tiết. 

Ngày giỗ họ hàng năm được tổ chức vào ngày Đông chí, là dịp để con cháu trong toàn thể gia tộc được tề tựu dâng hương bái yết và báo cáo thành tích đã đạt được trong năm qua trước bàn thờ tiên tổ. Ngày hôm trước, buổi chiều con cháu trong toàn gia tộc sẽ cùng nhau đi tảo mộ. 

Buổi tối, làm lễ cáo yết tổ tiên và tổ chức chạp họ. Sáng ngày hôm sau, đại lễ, ban tế của dòng họ tế 3 tuần, sau đó đến các bậc cao niên và các gia đình trong họ. Ngoài ngày giỗ họ còn có các nhiều ngày lễ tiết liên quan đến khu di tích lịch sử này... Với những giá trị to lớn, mộ và nhà thờ Tiến sĩ Trần Phụ Dực, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2009, di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2015.

Hiện nay, dòng họ Trần Danh là dòng họ lớn của thôn Phương Triện. Noi gương sáng của tổ tiên, con cháu trong dòng họ đời nào cũng có người đỗ đạt, thành danh, tích cực học tập, công tác, đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Để khuyến khích con cháu nối tiếp vươn lên, năm 1994 dòng họ đã phát động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Hiện nay, bình quân mỗi năm, dòng họ có khoảng 20 đến 30 cháu đỗ Đại học. Hiện dòng họ có 3 Tiến sĩ, nhiều Thạc sĩ, Cử nhân… 

Trải bao thăng trầm lịch sử, khu mộ và nhà thờ tiến sĩ Trần Phụ Dực, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án xuống cấp và nhiều lần được đầu tư tôn tạo. Năm 2020, được sự nhất trí của các cấp, các ngành, cụm di tích lịch sử này được tôn tạo, trùng tu với tổng kinh phí của Nhà nước và dòng họ đóng góp lên đến gần 8,5 tỷ đồng. 

Hiện nay, việc tôn tạo trùng tu đã hoàn thành, nhà thờ được xây mới có qui mô 5 gian, bố cục kiểu chữ nhất theo kiến trúc truyền thống, tường hồi bít đốc, cột trụ cánh phong, hai mái tay ngai, lợp ngói mũi hài, cửa mở 5 gian kiểu thượng song hạ bản. 

Bộ khung được kết cấu liên kết bởi 6 hàng cột dọc, 4 hàng cột ngang… kết cấu bờ nóc kiểu chồng gường giá chiêng, vì nách kẻ ngồi, trên các con chồng, câu đầu, kè hiên chạm khắc hoa văn, nền lát gạch gốm… Cùng với nhà thờ là bức bình phong, nhà bia và các hạng mục phụ trợ cũng được xây dựng tạo sự khang trang, tố hảo.

Ông Trần Danh Thuận, Chủ tịch Hội đồng dòng họ Trần Danh thôn Phương Triện, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước, các cấp, các ngành, việc tôn tạo, trùng tu di tích lịch sử nhà thờ đã hoàn thiện. 

Đây là việc làm ý nghĩa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích đồng thời động viên, khích lệ con cháu dòng họ phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, đoàn kết, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ngọc Đăng-Hoàng An (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem