Đồng Nai cần 130.000 lao động nhưng mỗi đợt chỉ tuyển được vài trăm người, doanh nghiệp như "ngồi trên lửa"

Nha Mẫn Thứ sáu, ngày 11/03/2022 11:41 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp gỗ, giày da, may mặc,... bị thiếu hụt cả ngàn lao động nhưng mỗi đợt tuyển dụng chỉ đưa về được vài ba lao động hoặc vài chục lao động khiến cho một số dây chuyền sản xuất chưa thể ổn định.
Bình luận 0

Từ đầu năm 2022 đến nay, Đồng Nai đã tổ chức 2 sàn giao dịch việc làm để tìm kiếm nguồn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đợt 1 nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là khoảng 10.000 lao động thì chỉ tuyển dụng được khoảng 400 lao động. Còn trong đợt 2 nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là khoảng 6.000 lao động nhưng cuối cùng cũng chỉ tuyển dụng được 200 lao động.

Như vậy mỗi doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động chỉ đưa về được từ vài lao động đến vài chục lao động, điều đó không đáp ứng được nhu cầu "khát" lao động của doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, do nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp hiện rất cao nên thời gian qua Trung tâm đã kết nối với các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Long An,... để tìm kiếm lao động cho doanh nghiệp tại Đồng Nai. Bởi theo kế hoạch và dự đoán thì năm 2022 Đồng Nai còn cần khoảng 130.000 lao động vì rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất,...

Đồng Nai: Doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán lao động - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng nhưng vẫn không tìm được lao động. Ảnh: Nha Mẫn

Sắp tới để hỗ trợ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động Sàn giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp phỏng vấn trực tuyến. Ngoài ra để hút lao động, doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều ưu ái đặc biệt đối với lao động. Ví dụ như tăng lương, tăng thưởng, hỗ trợ tiền học cho con em công nhân, hỗ trợ tiền xăng xe, thuê nhà trọ,...

Bà Nguyễn Anh Trúc, Giám đốc Công ty may Trúc Minh Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp của bà cần tuyển 1.000 lao động nhưng sau 1 ngày tuyển dụng chỉ có 15 người lao động ứng tuyển. Điều đó cho thấy mức độ khan hiếm lao động phổ thông đang xảy ra và là bài toán khó khăn của doanh nghiệp.

Tương tự ông Hoàng Minh Uẩn, giám đốc một công ty gỗ tại Đồng Nai cũng khổ sở vì việc tuyển dụng lao động. Ông Uẩn cho biết năm 2021 do dịch Covid-19 nên công nhân của ông đã bỏ việc để về quê một số lượng lớn và hứa hẹn sẽ quay lại nhưng đến nay vẫn không thấy. Vì vậy ông đã phải lên sàn để tuyển dụng thêm nhưng vẫn chưa tìm đủ số lượng công nhân thiếu hụt.

"Tôi thấy sau tết nhiều lao động ở quê làm việc, không về Đồng Nai nữa. Qua tìm hiểu tôi thấy hiện nay ở các vùng quê, doanh nghiệp may mặc,... cũng về xây nhà máy, lương thưởng, phụ cấp cũng ổn nên nhiều người chọn ở lại, không đi làm xa. Điều đó khiến cho Đồng Nai bị hụt mất một lượng lao động lớn. Công ty tôi giờ cũng khó khăn nhiều khâu do không có người làm nên 1 người phải kiêm nhiều công việc, hàng hoá cũng vì thế trì trệ hơn, khó kịp tiến độ", ông Uẩn nói.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong tháng 2/2022, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tăng hơn 1% so với tháng trước, nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đồng Nai: Doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán lao động - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương hấp dẫn để tìm lao động. Ảnh: Nha Mẫn

Trong đó, doanh nghiệp nhà nước giảm hơn 20%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng hơn 20%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm hơn 5%. 

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi nhiều lao động không trở lại Đồng Nai làm việc sau nghỉ Tết. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lao động tại Đồng Nai bị khan hiếm.

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai đang cố gắng tuyển dụng lao động theo nhiều kênh. Tuy nhiên, đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ lao động. Doanh nghiệp phải tìm cách về vùng sâu, các tỉnh miền núi để tuyển dụng lao động nhưng vẫn thiếu.

Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, ông Đỗ Minh Tuấn cho hay, doanh nghiệp chỉ tuyển thêm được khoảng gần 400 lao động mới từ khu vực miền núi phía Bắc. Ông Tuấn hi vọng sắp tới doanh nghiệp sẽ có thêm lao động để sớm ổn định sản xuất.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành giày da, may mặc, gỗ cũng đang khó khăn trong khâu tìm lao động. Các doanh nghiệp này đã liên tục liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai để tìm kiếm lao động nhưng người đến ứng tuyển quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu. 

"Chúng tôi nâng lương cao hơn, tăng thưởng theo quý và bổ sung phụ cấp tăng ca nhưng lao động vẫn không mấy mặn mà. Sau tết công ty tôi vẫn thiếu cả ngàn lao động chưa thể bổ sung được", ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty gỗ Nam Phát (Đồng Nai) nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem