Đồng Nai: Chủ doanh nghiệp "3 tại chỗ" sẽ bị xử lý nếu để công nhân tự rời khỏi vị trí

Nha Mẫn Chủ nhật, ngày 22/08/2021 10:34 AM (GMT+7)
Đồng Nai đã yêu cầu các doanh nghiệp "3 tại chỗ" phải đảm bảo ăn ở, giãn cách nghiêm cho công nhân, tránh để công nhân tự ý rời vị trí.
Bình luận 0

Ngày 22/8, UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản "hỏa tốc", liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp "3 tại chỗ" trên địa bàn tỉnh.

Đồng Nai: Chủ doanh nghiệp 3 tại chỗ sẽ bị xử lý nếu để công nhân tự rời khỏi vị trí - Ảnh 1.

Công nhân phấn khởi vì nhận được hỗ trợ trong mùa dịch - Ảnh: Nha Mẫn

Theo đó, qua báo cáo của Sở LĐ-TBXH và Ban Quản lý các khu công nghiệp, thì hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang có nhiều doanh nghiệp xin không thực hiện phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến". Đồng thời có nhiều công nhân xin rời vị trí về lại nơi ở tại các địa phương.

Trước tình thế này, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, đối với những doanh nghiệp đề nghị chấm dứt việc thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm"; phải báo cáo với Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai và UBND các huyện, thành phố -  nơi doanh nghiệp hoạt động để nắm thông tin, xử lý theo quy định.

Sau khi có ý kiến chấp thuận của Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người lao động tại doanh nghiệp. Người lao động chỉ được rời khỏi doanh nghiệp khi giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 3 ngày và được sự đồng ý tiếp nhận của UBND các địa phương.

Đồng Nai: Chủ doanh nghiệp 3 tại chỗ sẽ bị xử lý nếu để công nhân tự rời khỏi vị trí - Ảnh 2.

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu doanh nghiệp "3 tại chỗ" không được để công nhân tự ý rời vị trí về địa phương . PV đã chụp tại KCN Amata ngày 22/8. Ảnh: Nha Mẫn

Doanh nghiệp chỉ thực hiện chấm dứt phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm", đối với những doanh nghiệp xét nghiệm không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp qua xét nghiệm, có ca dương tính thì yêu cầu doanh nghiệp tuyệt đối không để người lao động tự ý rời doanh nghiệp và thực hiện nghiêm quy định phòng dịch của UBND tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp giấy giới thiệu, kết quả xét nghiệm Covid-19, văn bản tiếp nhận của UBND cấp huyện cho từng người lao động và hướng dẫn người lao động trước khi rời doanh nghiệp chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để di chuyển trên đường và qua các chốt. 

Người đứng đầu doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cho người lao động về nhà không tuân thủ đầy đủ các quy định hoặc để người lao động tự ý rời doanh nghiệp/nơi tạm trú về địa phương làm lây lan dịch bệnh tại nơi cư trú.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các chốt kiểm soát tiếp nhận người lao động, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trở về địa phương an toàn, tổ chức quản lý chặt chẽ.

Theo dõi sức khỏe tại nhà, không để người lao động ra khỏi nhà trong thời hạn 7 ngày sau khi về địa phương và phải tuân thủ 5K theo quy định. Nếu có các triệu chứng của bệnh đường hô hấp phải báo ngay cho trạm y tế để xử lý.

Được biết đến nay, có hơn 400 doanh nghiệp trên tổng số 1.100 doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ xin dừng áp dụng phương án trên. Tuy nhiên ngành chức năng vẫn tiếp tục xem xét, kiểm tra để đưa ra phương án tốt nhất.

Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, tính đến nay Sở LĐ-TBXH đã thực hiện rà soát, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho 59.000 người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền là gần 89 tỷ đồng.

Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt cho gần 50.000 người với số tiền trên 74,6 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã thực hiện chi trả cho trên 40.000 người với số tiền trên 60,4 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem