Đồng Nai “đi sau, về trước” trong nâng chất nông thôn mới

Trần Thế Thứ ba, ngày 14/03/2017 06:50 AM (GMT+7)
Năm 2016, tỉnh Đồng Nai đề ra chỉ tiêu là 5 xã hoàn thành nâng chất nông thôn mới (NTM), nhưng đến cuối năm, tỉnh mới chỉ đạt 1 xã. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 7 xã về đích nâng chất.
Bình luận 0

Mới đây, UBND huyện Thống Nhất đã tổ chức lễ công bố 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Bàu Hàm 2 và Hưng Lộc.

Thành công nhờ đồng thuận

img

Phát triển kinh tế tập thể là một trong những yêu cầu đầu tiên để nâng chất NTM của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Ông Nguyễn Thế Giang - xã viên HTX xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) thu hoạch xoài trái vụ. Ảnh: T.Đ

Theo Ban chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai, tiêu chí về tổ chức sản xuất là một trong những yêu cầu đầu tiên để nâng chất NTM của tỉnh. Theo đó, phát triển kinh tế tập thể không chỉ là một trong những yêu cầu trong xây dựng NTM mà có ý nghĩa quyết định trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, tăng sức cạnh tranh cho nông sản nội địa.

Yếu tố “đồng thuận” được nhắc đến đầu tiên với các xã hoàn thành chương trình nâng chất NTM. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc Nguyễn Hữu Phước, trên nền tảng của xã NTM và kinh nghiệm có được trong quá trình xây dựng Chương trình NTM, khi bắt tay vào thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, xã tập trung tuyên truyền sâu rộng tới từng cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã để thực hiện tiêu chí và xem đây là giải pháp then chốt để thực hiện.

Tuyến đường liên ấp Hưng Nghĩa - Hưng Thạnh sau khi hoàn thành trong Chương trình xây dựng NTM, khi đi vào nâng chất, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân tạo cảnh quan sạch đẹp, đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Anh Nguyễn Phạm Xuân Trường – người dân trong xã cho biết: “Việc cải tạo cảnh quan bằng cách trồng hoa, chăm sóc hoa hai bên đường cũng cho thấy ý thức của bà con đã được nâng lên”.

Tại xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) – xã đạt nâng chất NTM, để nâng cao tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, xã đã nhanh chóng bắt tay vào việc vận động để người dân tiếp cận, tham gia. Xã đã lên kế hoạch tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân với nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, băng rôn tại các cơ quan, đơn vị; lồng ghép vào các cuộc họp dân, họp tổ; thành lập các đoàn thường xuyên xuống các ấp, đến nhà người dân để vận động. Theo ông Lê Phúc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Suối Cát, để xã Suối Cát thành công nâng chất NTM, đầu tiên phải kể đến là sự đồng thuận tham gia của chính quyền và nhân dân trong xã.

Đi vào chiều sâu   

Theo Ban chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai, trong năm 2017, tỉnh phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 17 xã, 3 huyện (Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu)  và TP.Biên Hòa đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến cuối năm 2018, Đồng Nai sẽ đạt chuẩn tỉnh NTM.

Ông Lê Văn Gọi - Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình NTM tỉnh Đồng Nai cho biết, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng Chương trình NTM như mục tiêu đề ra, tỉnh đang tập trung nâng chất NTM tại các xã đã hoàn thành Chương trình NTM. Trong đó, tập trung các giải pháp căn cơ giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện tốt việc huy động sức dân trong xây dựng NTM nâng cao để đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng nâng cao hơn nữa.

Bộ tiêu chí NTM nâng cao tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 – 2020 đề ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 44 triệu đồng/người vào năm 2017 và tăng lên 59 triệu đồng vào năm 2020. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, phong trào xây dựng NTM của tỉnh đang đi vào chiều sâu. Bộ tiêu chí NTM tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 sẽ bám sát theo bộ tiêu chí của Trung ương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem