Đồng Nai: Doanh nghiệp "khát" đơn hàng, nhiều lao động bị dừng hợp đồng

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 04/04/2023 10:14 AM (GMT+7)
Mặc dù đã bước sang quý II nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, may mặc, giày da… tại Đồng Nai bị thiếu đơn hàng, dẫn đến phải giảm lao động.
Bình luận 0

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng

Ngày 4/4, chia sẻ với Báo Dân Việt, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết trong quý I, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng. Trong đó, một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ thứ 7…, cũng có nhiều doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ việc.

Đồng Nai: Doanh nghiệp "khát" đơn hàng, nhiều lao động bị dừng hợp đồng - Ảnh 1.

Hiện nay doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Hùng cho biết nguyên nhân chính vẫn là do doanh nghiệp thiếu hoặc không có đơn hàng, kéo theo việc người lao động bị ảnh hưởng. Thời gian qua, để hỗ trợ người lao động, lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên gặp gỡ, vận động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cố gắng giữ việc cho công nhân.

“Chúng tôi vận động doanh nghiệp giảm giờ làm, phân chia giờ làm, san sẻ đầu việc cho nhau để công nhân vẫn giữ được việc. Ngoài ra, mới đây, tỉnh Đồng Nai cũng ban hành quyết định hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn. Mức hỗ trợ mỗi người lao động là 1,5 triệu đồng/người và được trả 1 lần qua tài khoản ngân hàng của người lao động”, ông Hùng nói.

Liên quan đến tình hình lao động việc làm giai đoạn này, theo Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, trong quý I, số lượng lao động bị mất việc vẫn còn khá nhiều. Đặc biệt, trong tháng 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng hơn 2.000 lao động, nguyên nhân là do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng.

Đồng Nai: Doanh nghiệp "khát" đơn hàng, nhiều lao động bị dừng hợp đồng - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Các công ty có công nhân bị cắt giảm gồm Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) giảm 1.000 lao động; Công ty TNHH Pou Phong Việt Nam (huyện Trảng Bom) giảm 227 lao động và Công ty TNHH Taekwang MTC Vina (TP.Biên Hòa) giảm gần 800 lao động.

Các doanh nghiệp này khi cho lao động nghỉ việc có báo cáo làm việc với các đơn vị chức năng và giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách cho những lao động bị cắt giảm việc.

Đồng Nai: Doanh nghiệp "khát" đơn hàng, nhiều lao động bị dừng hợp đồng - Ảnh 3.

Công nhân gặp khó khăn vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Ảnh: Tuệ Mẫn

Doanh nghiệp cũng nói chuyện, đối thoại, đưa ra các hỗ trợ đầy đủ với người lao động theo quy định và có báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước.

Khi "chia tay", doanh nghiệp vẫn hỗ trợ, chia sẻ cùng công nhân

Trong đó, Công ty Taekwang MTC Vina đã thỏa thuận, thống nhất hỗ trợ toàn bộ người lao động nửa tháng lương tương ứng cho mỗi năm làm việc tại công ty (tùy theo thâm niên làm việc) nhưng tối đa không quá 11 tháng lương. 

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hỗ trợ thêm cho mỗi lao động 14 triệu đồng để có thể trang trải cuộc sống sau khi bị mất việc và sớm ổn định tìm công việc mới phù hợp. 

Trước khi cho lao động nghỉ việc, doanh nghiệp này cũng chủ động gặp gỡ, đối thoại với người lao động để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của lao động và nói lên những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. 

Đa số người lao động đều đồng tình, chia sẻ với doanh nghiệp về thực trạng này.

Chị Nguyễn Thị V., 48 tuổi, quê Nghệ An cho biết chị đã gắn bó với Công ty TNHH Taekwang MTC Vina hơn chục năm nên khi công ty gặp khó khăn, chị cũng muốn chia sẻ một phần khó khăn với doanh nghiệp. 

Đồng Nai: Doanh nghiệp "khát" đơn hàng, nhiều lao động bị dừng hợp đồng - Ảnh 5.

Chị V. bìa trái là một trong những công nhân vui vẻ khi được nghỉ việc. Ảnh: Tuệ Mẫn

Chị V. là người nằm trong diện bị cắt giảm lần này và cũng đã nhận được hàng chục triệu đồng tiền hỗ trợ nên phần nào an tâm ổn định cuộc sống. Sau khi nghỉ việc, chị V. không xin việc tại công ty khác mà chọn làm giúp việc cho một gia đình ở gần nơi chị thuê trọ với mức lương 7,5 triệu đồng. 

“Tôi thấy có phải tự nhiên họ cho mình nghỉ đâu, thiếu đơn hàng, không có việc đành phải cho công nhân nghỉ thôi. Mấy chị em khác cũng thế, đều vui vẻ như tôi cả. Giờ cũng lớn rồi, làm gì cũng được miễn sao vui vẻ thoải mái”, chị V. nói.

Đồng Nai cố gắng chia sẻ khó khăn với người lao động

Hiện nay, theo các cấp Công đoàn Đồng Nai, dự báo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới vẫn khó khăn, nhất là ngành gỗ, dệt may, giày da. Các cấp Công đoàn đang cố gắng thương lượng với người sử dụng lao động bảo đảm việc làm cho người lao động và trong đó, biện pháp cuối cùng là tạm hoãn hợp đồng lao động.

Một số doanh nghiệp cũng đã áp dụng hình thức giảm giờ làm của người lao động 1-2 ngày/tuần. Riêng các doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động cầm chừng, cố gắng duy trì việc làm cho người lao động. Ngoài ra, Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động phổ thông.

Trong đó, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho gần 1.300 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các ngành nghề đào tạo gồm may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may, cơ khí hàn, cắt gọt kim loại, tin học, điện công nghiệp, ô tô và điện gia dụng, kỹ thuật pha chế đồ uống… Sau khi đào tạo nghề, người lao động sẽ được cấp chứng chỉ nghề để tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Cũng sau các khoá học, trung tâm kết nối với doanh nghiệp, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp.

Ngoài ra, đều đặn mỗi tháng 2 lần, trung tâm sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm, công bố thông tin tuyển dụng rộng rãi lên mạng xã hội, để người lao động đến tìm việc. Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH Đồng Nai, dự kiến trong năm 2023, sở sẽ tập trung các giải pháp, giải quyết việc làm cho trên 80.000 lao động. Định kỳ ngày 10 và 25 hàng tháng sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm và điều tra thị trường lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem