Đồng Nai: Giá tiêu tăng gấp đôi, nông dân dốc sức chăm vườn mong cây tiêu "đẻ" sung mãn như xưa

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 29/04/2021 15:50 PM (GMT+7)
Sau thời gian chặt phá hay bỏ bê vườn tiêu do giá thấp, gần đây nông dân trồng hồ tiêu ở Đồng Nai lại dốc sức chăm sóc lại vườn khi giá tiêu tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, giá hồ tiêu liên tục tăng, có thời điểm nông dân bán ra hơn 80.000 đồng/kg, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm giá thấp của niên vụ thu hoạch trước. Với giá bán này, nông dân trồng tiêu đã có lợi nhuận tốt.

Khi giá tiêu quay đầu

Xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) từng được mệnh danh là "thủ phủ hồ tiêu" của Đồng Nai, thời hoàng kim có diện tích tiêu hơn 800ha. Thế nhưng, chỉ sau vài năm giá tiêu lao dốc, nông dân trồng hồ tiêu nơi đây đã chặt bỏ hơn 200ha vườn tiêu.

Sau Tết Nguyên đán 2021, giá hồ tiêu tăng mạnh, có thời điểm đạt 80.000 đồng/kg. Giá tiêu tăng trở thành động lực để bà con nông dân nơi đây phục hồi lại vườn tiêu sau nhiều năm bị bỏ bê. 

Hiện, bà con trồng hồ tiêu đang cắt tỉa những nhánh dây già cỗi, khơi thông mương, rãnh và xử lý nấm bệnh cho vườn tiêu. Cùng với đó, bà con tích cực ủ bón các loại phân chuồng để cải tạo lại bộ rễ, mong muốn năng suất vườn tiêu trở lại thời kỳ sung mãn như trước kia.

Giá tiêu tăng, dốc sức chăm vườn  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Tân đang chăm sóc tiêu trong vườn nhà. Ảnh: T.Đ

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, mặc dù giá hồ tiêu đang có tín hiệu khởi sắc, nhưng không vì điều này mà bà con nông dân ồ ạt tăng diện tích, vô hình chung dẫn đến tình trạng mất cân đối cung-cầu, hệ lụy lại là điệp khúc "trồng - chặt, chặt - trồng".

Bà con nông dân cần đầu tư, chăm sóc những diện tích hồ tiêu hiện hữu để tăng năng suất, tăng thu nhập.

Bà Trần Thị Loan - một nông dân trồng hồ tiêu cho biết, nhận thấy giá tiêu hồi phục, nhiều bà con nông dân đã trồng lại tiêu mới. Một số nông dân còn vườn tiêu cũ như bà thì đang tích cực chăm sóc vườn để có nguồn thu nhập từ cây tiêu. 

"Thời điểm này tôi đang thoát nước cho vườn tiêu. Điều tiết nước để cho tiêu ra bông thật nhiều. Nếu thiếu nước, tiêu sẽ lá rụng, dây suy kiệt" - bà Loan chia sẻ.

Cũng theo bà Loan, dù diện tích vườn tiêu của bà khá lớn, nhưng bà sẽ quy hoạch lại để đủ sức chăm sóc nhằm cho tiêu có năng suất cao.

Nhiều bà con trồng tiêu tại xã Xuân Thọ cho biết, suốt 4 năm qua, do giá tiêu rớt xuống quá thấp nên nông dân không còn mặn mà chăm sóc, khiến nên năng suất đạt thấp, trung bình từ 1,8 - 2 tấn/ha. Đối với những hộ có điều kiện đầu tư thì năng suất đạt cao hơn khoảng 1 tấn/ha. 

Bà con cũng cho hay, do giá hồ tiêu đang tăng nên một số hộ vẫn giữ lại chưa bán. Sau vụ tiêu này, bà con nông dân sẽ tích cực đầu tư chăm sóc với kỳ vọng sẽ đón ngày hoàng kim trở lại của cây "vàng đen".

Ông Trần Hữu Thắng - Giám đốc HTX Hồ tiêu Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg, nông dân trồng tiêu đã có lợi nhuận tốt. Theo đó, tại địa phương này, nông dân trồng tiêu rất quan tâm chăm chút cho vườn trồng, tập trung thu hoạch cây trồng này.

Hiện, tại huyện Xuân Lộc còn hơn 3.540ha hồ tiêu, tập trung nhiều tại các xã: Xuân Thọ, Suối Cao, Xuân Hiệp, Xuân Bắc, Xuân Tâm…

Không trồng mới hồ tiêu 

Ông Nguyễn Thành Tân (nông dân trồng tiêu ở Xuân Thọ) nhận định, với tình hình này, giá tiêu sẽ còn tăng, nhất là do nhiều vườn tiêu đã bị phá bỏ.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, hiện diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh còn khoảng 12.400ha. Năng suất tiêu hiện đạt trung bình khoảng 2,4 tấn/ha.

Việc diện tích hồ tiêu các năm gần đây liên tục giảm nguyên nhân là do giá bán tiêu ở mức thấp. Nhiều hộ dân trồng hồ tiêu ở các huyện Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ không có lãi, làm ảnh hưởng đến việc đầu tư phân bón và chăm sóc vườn tiêu sau đó.

Dự báo trong thời gian tới tình hình sản xuất hồ tiêu tiếp tục giảm về diện tích do khả năng cạnh tranh về thu nhập của cây tiêu đối với các loại cây trồng khác không cao, người dân chuyển sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như: Bưởi, sầu riêng, bơ, mít...

Mặt khác, do thời gian giá tiêu xuống thấp kéo dài, một số vườn không được nông dân đầu tư chăm sóc và quản lý dịch hại theo các quy trình khuyến cáo nên cây tiêu yếu, dễ nhiễm sinh vật gây hại và chết cây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem