Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cầu cứu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương

Nguyên Vỹ - Quang Sung Thứ ba, ngày 14/03/2023 18:35 PM (GMT+7)
Khô đậu tương là mặt hàng có giá nhập khẩu cao và là nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc giữ nguyên mức thuế 2% gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bình luận 0

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống mức 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi Việt Nam.

Cấp bách giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 101/NĐ-CP, trong đó điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì lừ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống còn 2% từ ngày 31/12/2021.

Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên 2%. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% là giải pháp cấp bách nhất hiện nay để hỗ trợ ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, sau dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh Nga – Ukraine.

Giá lợi hơi ở Đồng Nai giảm xuống còn 47.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất lợn hơi tới 54.000-55.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giá lợi hơi ở Đồng Nai giảm xuống còn 47.000 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất lợn hơi tới 54.000-55.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, phí logislics tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục trong thời gian dài, làm tăng giá thành chăn nuôi. Trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm, giá bán ra thị trường giảm gây thua lỗ lớn cho toàn ngành chăn nuôi.

Hiện nay, giá lợn hơi tại Việt Nam đã giảm mạnh về mức 45.000 đồng/kg ở miền Bắc và 47.000 đồng/kg ở miền Nam. Trong khi đó, giá thành sản xuất lợn hơi tới 54.000-55.000 đồng/kg.

"Vậy nên, một con lợn xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng", ông Công nói.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn vật nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ giảm rất mạnh trong năm 2023, dễ dẫn đến tình trạng giá cả tăng mạnh do nguồn cung trong nước khan hiếm.

Giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương giúp tăng khả năng cạnh tranh

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nguyên liệu thường chiếm khoảng 85-90% giá thành. Bởi vậy, giá thức ăn chăn nuôi dễ bị tác động dây chuyền khi nguồn cung nguyên liệu có biến động tăng.

Các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2022 đều tăng so với năm 2021 từ 10-27%, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống mức 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, và chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: T.L

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống mức 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, và chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: T.L

Theo báo cáo của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam là thị trường thức ăn chăn nuôi hàng đầu Đông Nam Á và tiệm cận top 10 thế giới.

Tổng sản lượng đạt 21-22 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2018-2022. Trong đó, khô đậu tương là mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn thứ 2, khoảng 5 triệu tấn/năm.

Ông Dương Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTN chăn nuôi Bình Minh, thành viên Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, nhờ nguồn lực mạnh, doanh nghiệp chăn nuôi FDI thường duy trì cả 2 mảng là chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã nỗ lực tìm nhiều biện pháp hỗ trợ thành viên và bà con nông dân. Tuy nhiên, giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng khiến doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước khó cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp chăn nuôi trong nước khó ổn định mặt bằng giá thành sản xuất vì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Doanh nghiệp chăn nuôi trong nước khó ổn định mặt bằng giá thành sản xuất vì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Tuấn cũng cho biết, nhiều năm qua, các nước có ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi phát triển đều duy trì thuế suất 0% đối với khô đậu tương nhập khẩu.

Vì vậy, việc giảm thuế suất nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% sẽ các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam ổn định mặt bằng giá thành sản xuất.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng, việc đề xuất giảm thuế suất nhập khẩu khô đậu tương không ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước. Nguyên nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT có thể bù đắp tăng thêm khi hoạt động sản xuất và sản lượng ngành thức ăn chăn nuôi phục hồi.

Do nguồn nguyên liệu nội địa hạn chế về sản lượng, chất lượng, ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam trong những năm tới khó tránh khỏi việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Trong bối cảnh vô cùng khó khăn hiện nay, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp và người chăn nuôi rất cần sự đồng hành, định hướng về chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Một nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trước đó, ngày 20/2, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cũng đã gửi công văn đến Chính phủ và các bộ ngành kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi trong nước.

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, dù vẫn ở mức cao nhưng trong 1 năm qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới đã giảm dần. Hy vọng sang quý II, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm, bớt áp lực cho người chăn nuôi.

"Ở phía cơ quan quản lý, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều về mức 0%. Mặt hàng còn thuế cuối cùng là khô đậu tương cũng đã được đề xuất giảm từ 2% hiện nay về 0%", ông Thắng nói. 

Ông Đỗ Hữu Phương - Trưởng Văn phòng Cục Chăn nuôi phía Nam: Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Tổng giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu 2 tháng đầu năm đạt 827 triệu USD; tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhằm chủ động về nguồn thức ăn chăn nuôi, đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để đa dạng hóa nguồn cung.

Trước mắt, giải pháp này giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi truyền thống, và giảm phụ thuộc ở số thị trường nhất định.

Ngành nông nghiệp đã có những chỉ đạo, quy hoạch trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

Khuyến khích doanh nghiệp tổ chức trồng ngô, sắn theo hình thức hợp tác xã. Trong đó doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ thu mua lại của nông dân với giá ổn định.

Quang Sung ghi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem