Đồng Nai tìm cách đột phá từ du lịch rừng

Nha Mẫn Thứ tư, ngày 23/09/2020 15:35 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Đồng Nai liên tục tăng cao do tỉnh có nhiều điểm du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên. Du khách đến các khu du lịch để tận hưởng không khí trong lành của rừng, hồ, thác, sông, vườn cây...
Bình luận 0

Nhiều điểm đến hấp dẫn

Đồng Nai có nhiều dự án và hoạt động, tour tuyến du lịch sinh thái như: Tour tham quan rừng Nam Cát Tiên, đảo Ó Đồng Trường, Thác Mai - Bàu nước nóng, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Chiến khu Đ… kết hợp với thưởng thức đặc sản trái cây.

Hai điểm du lịch rừng được biết đến nhiều nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) và rừng Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú). Trong đó, Nam Cát Tiên đang là địa điểm được nhiều bạn trẻ thích du lịch mạo hiểm, khám phá tìm đến. Với rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú đa dạng, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên còn được cả giới nhiếp ảnh, nhà khoa học và rất nhiều học sinh sinh viên tìm đến để tham quan, nghiên cứu.

Đồng Nai tìm cách đột phá từ du lịch rừng - Ảnh 1.

Du khách tham quan tại Bàu Sấu trong Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Ảnh: N.M

"Du lịch đã tạo việc làm cho trên 3.000 lao động trực tiếp làm việc tại các khu du lịch, khách sạn, nhà nghỉ và các công ty lữ hành, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn".

Ông Cao Tiến Dũng -

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cũng đang là điểm đến của nhiều người muốn khám phá thiên nhiên. Ngoài hệ sinh thái rừng phong phú, nơi đây còn có một không gian lãng mạn khác là hồ Trị An với Đảo Ó Đồng Trường và đập thủy điện Trị An. Những điểm đến này thời gian qua thu hút nhiều tour trải nghiệm khám phá rừng, chèo thuyền, đẹp xe xuyên rừng, cắm trại trên đảo giữa lòng hồ Trị An...

Kéo theo các dịch vụ du lịch rừng, tại một số địa phương ở huyệnTân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu… còn phát triển dịch vụ ăn uống, khách sạn, homestay, nghỉ dưỡng. Các điểm lưu trú còn kết nối, tổ chức tour khám phá rừng, xem thú đêm cho khách khá hiệu quả.

Ngoài ra, tuyến du lịch dọc sông Đồng Nai cũng đang được đầu tư, khai thác. Du khách theo tour được chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp con sông Đồng Nai và xen giữa những cánh rừng thưa là cảnh quan êm đềm của vườn cây ăn trái, đền chùa, làng nghề ở hai bên bờ sông.

Cần phát triển đồng bộ

Đồng Nai có gần 120.000ha rừng tự nhiên, nằm trải dài ở nhiều địa phương như: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc và TP.Biên Hòa. Theo Sở VHTTDL Đồng Nai, những năm gần đây loại hình du lịch sinh thái của tỉnh khá phát triển. Lượng khách mỗi năm tăng 11-12% và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng cao khi mời gọi được các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình này.

Còn theo ông Trương Công Vững - Giám đốc Công ty TNHH Tre Xanh Nam Cát Tiên, du khách ngày càng tăng đã kéo theo các dịch vụ lưu trú, ăn uống và sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư trong vùng phát triển theo. "Kinh doanh dịch vụ du lịch đã giúp bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập tốt, các kỹ năng khác như giao tiếp, ứng xử, ý thức giữ gìn môi trường thay đổi rất lớn đã góp phần nâng cao diện mạo nông thôn ở nhữngđịa phương này" - ông Vững nói.

Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành cho biết, điểm yếu của du lịch sinh thái của Đồng nai hiện nay là kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đường giao thông chật hẹp, trong khi các dự án phục vụ phát triển du lịch chưa được triển khai. Ngoài ra, các tour tuyến cũng cần liên kết với nhau để tạo ra những dịch vụ mang tính chuyên nghiệp, kép kín.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, với những thế mạnh về thiên nhiên, khá nhiều nhà đầu tư đã và đang muốn đầu tư quy mô, bài bản, chuyên nghiệp để tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Đồng Nai như: Dự án Khu du lịch sinh thái - nuôi dưỡng động vật bán hoang dã Safari, Công viên Thể thao hàng không Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu), Khu du lịch sinh thái Thác Mai - Bàu nước nóng (Định Quán), Khu du lịch núi Chứa Chan (Xuân Lộc)... Nhưng hiện một số dự án chưa thể thực hiện do vướng những thủ tục pháp lý liên quan đến đất rừng hoặc đất quốc phòng.

"Đối với những dự án này, ngoài việc lập thủ tục bình thường, các đơn vị quản lý rừng phải có phương án bảo tồn đa dạng sinh học, lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng. Đây cũng là vấn đề đang được UBND tỉnh quan tâm, đôn đốc các đơn vị liên quan hoàn thành sớm các thủ tục, tạo điều kiện cho nhà đầu tư xúc tiến xây dựng" - ông Dũng nói thêm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem