Đồng Tháp, Sóc Trăng lo tiêu thụ 80.000 tấn nhãn, nông dân muốn đưa lên sàn, vào siêu thị

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 30/07/2021 09:02 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc lưu thông, tiêu thụ nông sản, trong đó có nhãn gặp khó khăn. Trước tình thế này, tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng đang tính phương án đưa nhãn lên… sàn.
Bình luận 0

Đồng Tháp, Sóc Trăng: Nhãn vào vụ, 80.000 tấn chờ tiêu thụ

Những ngày này, ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX nông sản an toàn An Hòa (huyện Châu Thành, Đồng Tháp) đang đứng ngồi không yên lo tiêu thụ một khối lượng lớn nhãn của HTX đang vào vụ.

"Mỗi ngày, HTX chúng tôi cần tiêu thụ 10 - 15 tấn nhãn. Mấy ngày trước, việc vận chuyển nhãn đi tiêu thụ qua các chốt kiểm soát rất khó khăn. Nhờ tổ công tác của Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương, vướng mắc trong khâu lưu thông, vận chuyển đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, giá nhãn đang rất thấp khiến bà con lo lắng. Sản phẩm nhãn của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên chúng tôi muốn kết nối, đưa vào các chuỗi cung ứng nông sản lớn để đảm bảo giá bán" - ông Hùng nói.

Đồng Tháp, Sóc Trăng lo tiêu thụ 80.000 tấn nhãn, nông dân muốn đưa lên sàn, vào siêu thị - Ảnh 1.

Nông dân huyện Châu Thành (Đồng Tháp) thu hoạch nhãn. Ảnh: Báo Đồng Tháp.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng khẳng định, các doanh nghiệp trong hệ thống bán lẻ sẵn sàng hỗ trợ, liên kết với các HTX, doanh nghiệp đưa nông sản của Đồng Tháp, Sóc Trăng vào hệ thống siêu thị nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và số lượng.

Theo thông tin từ Sở NNPTNT Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh có hơn 5.340ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. 

Thời gian gần đây, trái nhãn Đồng Tháp đã từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, được thị trường cả trong và ngoài nước chấp nhận.

Riêng tại huyện Châu Thành - địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh, đã có hơn 3.660ha. Nhãn là cây có giá trị kinh tế cao, đặc thù, được trồng nhiều nhất ở vùng cồn xã An Nhơn và các xã An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh Đồng Tháp có 1.230ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Riêng huyện Châu Thành, từ nay đến cuối năm sẽ có hơn 340ha nhãn thu hoạch, sản lượng dự kiến khoảng 4.000 tấn.

Ngoài nhãn, Đồng Tháp còn có lượng lớn khoai lang cần xúc tiến tiêu thụ. Theo thống kê diện tích khoai lang toàn tỉnh Đồng Tháp mỗi năm là hơn 3.450ha, sản lượng vào khoảng 87.400 tấn. 

Riêng tại huyện Châu Thành, tổng diện tích gieo trồng khoai lang hơn 3.300ha, chiếm khoảng 98% diện tích khoai lang toàn tỉnh. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Đồng Tháp có hơn 1.400ha khoai sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 35.100 tấn.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn là địa phương sản xuất cá tra trọng điểm với diện tích 2.000ha mặt nước, sản lượng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với trên 530.000 tấn/năm. Toàn tỉnh cũng có khoảng 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích vùng nuôi gần 933ha.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp có khả năng cung ứng thêm nhiều loại nông sản khác như: Lúa hơn 123.250ha, sản lượng ước đạt gần 550.000 tấn; xoài diện tích hơn 3.770ha, sản lượng ước đạt gần 30.650 tấn; chanh diện tích hơn 1.760ha, sản lượng ước đạt gần 21.500 tấn...

Về mạng lưới kết nối, tiêu thụ, toàn tỉnh Đồng Tháp đang có 934 tổ hợp tác, HTX cùng khoảng 110 Hội quán nông dân đang phủ đều khắp các vùng sản xuất trong tỉnh.

Đồng Tháp, Sóc Trăng lo tiêu thụ 80.000 tấn nhãn, nông dân muốn đưa lên sàn, vào siêu thị - Ảnh 3.

Tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng có gần 80.000 tấn nhãn cần tiêu thụ. Ảnh: Báo Đồng Tháp.

Trong khi đó, theo ông Trần Trọng Khiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, nhãn cũng là một trong những loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Sóc Trăng, được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú và Vĩnh Châu. Diện tích trồng nhãn toàn tỉnh đạt 3.130ha, đang cho trái là 2.536ha. 

Thời gian thu hoạch từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021 với sản lượng khoảng 24.400 tấn. Hiện giá bán nhãn xuồng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, nhãn da bò 10.000 đồng/kg tùy thuộc theo giống và địa phương.

Đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), nhiều loại trái cây, nông sản của các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội đã vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng cung ứng ra thị trường lớn, do vậy tạo áp lực tiêu thụ, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, việc lưu thông, vận chuyển khó khăn.

"Để kết nối tiêu thụ ra các thị trường, vào các chuỗi phân phối lớn hiệu quả, các địa phương cần thống kê cụ thể sản lượng, kế hoạch tiêu thụ, phân luồng đưa hàng vào siêu thị và các chuỗi cung ứng" -ông Toản nhấn mạnh.

Đã hỗ trợ nông dân Bắc Giang, Lạng Sơn đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều, na trên các sàn thương mại điện tử, ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cho biết, sẵn sàng hỗ trợ nông dân Đồng Tháp, Sóc Trăng giới thiệu các loại trái cây, sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.

Theo đại diện Bưu điện tỉnh Sóc Trăng, đơn vị này đã và đang hướng dẫn nhiều nông dân, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm nông sản lên giới thiệu trên sàn thương mại điện tử Postmart. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem