Thứ sáu, 19/04/2024

Dòng tiền tìm cơ hội tích lũy giá rẻ

06/11/2022 6:00 PM (GMT+7)

Mặc dù thị trường vẫn trong vùng rủi ro, nhưng việc nhiều cổ phiếu đã rơi xuống thấp nhất 10 năm, khiến dòng tiền có thể sẽ dần mua gom tích lũy giá rẻ nhưng vẫn cần thêm thời gian để quay lại trạng thái sôi động.

Phiên giao dịch cuối tuần một lần nữa cho thấy tâm lý rất mong manh của thị trường khi chỉ số VN-Index đã xuyên thủng sâu mốc 1.000 điểm. Có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. Đâu là góc nhìn của ông/bà về diễn biến giao dịch trong tuần tới?

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Theo góc nhìn cá nhân tôi, có thể nhận thấy tâm lý nhà đầu tư khá mong manh và lo sợ. Khi thị trường có tín hiệu xấu đi một chút là nhà đầu tư có tâm lý bán, cứ bán đã, có thể tính mua lại giá thấp sau. Xu thế này đã hình thành và bây giờ tin tốt thị trường phản ứng khá thấp nhưng tin xấu lại phản ứng khá mạnh. Nỗi sợ hãi này hình thành từ nhiều vấn đề, không hẳn là liên quan đến trong nước, mà còn liên quan đến việc Mỹ tăng lãi suất, và cuộc họp gấp của NHNN tháo gỡ khó khăn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cú hồi phục chỉ số cuối phiên và khối lượng giao dịch tăng mạnh và TTCK toàn cầu tăng cuối tuần tôi kỳ vọng tuần tới chỉ số VN-Index sẽ chinh phục lại mốc 1.000 điểm.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Điều này chỉ cho thấy thị trường vẫn đang ở trạng thái rất mong manh và nhạy cảm với sự tiêu cực. Khi mà các nhịp hồi phục của cả thị trường cũng như từng cổ phiếu thời gian qua diễn ra ngày càng ngắn.

Quan điểm của tôi chưa thay đổi, thị trường vẫn chưa tìm được điểm cân bằng, tuần tới dù có thể xuất hiện đan xen các phiên tăng giảm nhưng xu thế ngắn hạn vẫn ở trạng thái tiêu cực.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường hiện tại vẫn khá nhạy cảm với các thông tin liên quan đến thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và lo ngại cơn khủng hoảng này lan đến hoạt động chung của các công ty bất động sản trên sàn.

Nhà đầu tư rất dễ phản ứng tiêu cực bằng cách xả hàng rất mạnh khi có thông tin xấu và thêm hoạt động giải chấp từ các công ty chứng khoán càng làm thị trường rơi mạnh hơn.

Khi thị trường co thắt mạnh thường báo tín hiệu dòng tiền lớn tham gia và trạng thái hồi phục ngắn sẽ diễn ra sau đó. Thị trường trong tuần sau dự báo sẽ co giật vào đầu tuần nhưng khả năng sẽ hồi phục lại dần và có thể kỳ vọng có một nhịp hồi ngắn trở lại.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Thị trường đang có những cơ hội hồi phục ngay tại khu vực đáy cũ ngắn hạn 960 - 980 điểm khi tạo mẫu hình tích lũy 3 đáy nhỏ. Thị trường vẫn có thể tăng điểm trở lại để giao động từ vùng 1.000 – 1.040 điểm trong tuần giao dịch tới.

Cho dù kịch bản điều chỉnh thêm vẫn cần phải tính đến, nhưng giai đoạn này sẽ không còn nhiều quan trọng khi các nhà đầu tư vẫn nhận thức được quá trình điều chỉnh khó khăn của thị trường ngay kể cả các hoạt động giao dịch ngắn hạn. Thời điểm này nhà đầu tư đang đợi chờ và mua gom tích lũy cổ phiếu chắc cũng sẽ cân nhắc để giải ngân bởi nhiều cơ hội cổ phiếu giá thấp đang càng nhiều hơn.

Dòng tiền tìm cơ hội tích lũy giá rẻ - Ảnh 1.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

Tuần vừa rồi diễn ra cơ cấu ETF khi mà khá nhiều cổ phiếu sàn cứng vào phiên ATC, không cân nổi lượng cổ phiếu của ETF, đặc biệt là nhóm bất động sản. Tâm lý này chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng vào tuần sau, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, thậm chí là cổ phiếu trong cùng 1 ngành. VN-Index theo quan điểm của tôi khả năng sẽ hồi phục và neo trên mốc 1.000 điểm.

Tiêu điểm của tuần này là cuộc họp FOMC của FED và mức tăng lãi suất thêm 0,75% như dự báo; đáng chú ý hơn những phát biểu của Jerome Powell với những cảnh báo rất rõ ràng như một thời điểm nào đó FED sẽ làm chậm quá trình tăng lãi suất, hay chưa phải lúc FED nghĩ tới việc tạm ngừng tăng lãi suất…Với nhận định lãi suất dài hạn quay đầu trở lại 5,1%, cho thấy thị trường nhận định lãi suất vẫn còn hơn 1% để chạm đỉnh vào năm 2023. Điều này có tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam, và các nhóm cổ phiếu ngành cụ thể trong ngắn và dài hạn, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Tác động thì đã tác động rồi, từ 0% lên 4% với thời gian ngắn là cả vấn đề rất lớn đã khiến tỷ giá phải nới, lãi suất phải tăng. Thông thường, trước khi FED tăng và khi đã chạm đến mốc cao này thì dòng vốn đã luân chuẩn mạnh từ trước. Có lẽ đó là lý do mà khối ngoại bán ròng cực kỳ lớn trong năm 2021 và giai đoạn đầu năm 2022.

Khi biên độ còn 1%, tôi nghĩ người chịu thiệt hại lớn là người đi vay, nên chắc chắn khiến cho nhu cầu giảm sút và mọi thứ đều giảm. Nền kinh tế Mỹ cũng vậy và điều này hiển nhiên FED sẽ phải cân đối rất nhiều trước khi tăng thêm.

Tại Việt Nam, câu chuyện TTCK lại hoàn toàn khác biệt với thế giới nếu chúng ta làm thống kê. FED tăng lãi suất đương nhiên tác động toàn thế giới nhưng TTCK các nước lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái, Malaysia, Indonesia… không giảm mạnh như VN-Index.

Câu chuyện mà nhà đầu tư lo sợ chính là Trái phiếu doanh nghiệp và nỗi lo này đã đẩy nhà đầu tư bán tháo. Có lẽ đây mới là điểm nhấn hơn là việc FED tăng lãi suất. Tuy nhiên thống kê của tôi cho thấy, FED tăng mạnh lãi suất lên như vậy nhưng bảng cân đối của FED mới chỉ thu hẹp được lượng tiền rất nhỏ so với lượng cung đã ra. Thế giới vẫn ngập tiền, và tiền sẽ sớm đi tìm kênh đầu tư khi mọi thứ trở nên yên tĩnh hơn.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Khó có thể tránh khỏi những động thái tiếp theo của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, bởi không chỉ Việt Nam, mà hầu hết các nước trên thế giới đều phải tăng lãi suất để ổn định tỷ giá. Việc này luôn là “liều thuốc độc” đối với thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền ngắn hạn trên TTCK Việt Nam đã và đang ngày càng suy yếu.

Dòng tiền tìm cơ hội tích lũy giá rẻ - Ảnh 2.

Ông Dương Hoàng Linh

Theo tôi, thị trường trong nước có tính đồng điệu rất lớn, nên khi xu hướng chung đã xấu thì các ngành hay các doanh nghiệp mặc dù tốt nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi xu thế chung.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Những chính sách tăng lãi suất của FED có lộ trình và mức độ ảnh hưởng sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu và dĩ nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không ngoại trừ do tác động vĩ mô trong nước. Tuy nhiên, cần thấy là thị trường chứng khoán trong nước đã suy giảm hơn 1/3 kể từ đầu năm, vì vậy mức độ rơi sẽ chậm lại và thời gian tới sẽ đi dần vào giai đoạn hồi phục.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

FED vẫn có những dư địa tăng tiếp lãi suất trong các kỳ họp tiếp theo, đặc biệt là giữa tháng 12 cũng như giai đoạn bản lề quý I/2023 với lộ trình giảm tốc quá trình tăng lãi suất với biên độ thấp hơn, với dự báo tăng 0,5% trong tháng 12 và còn một số các đợt tăng nhỏ giai đoạn nửa đầu năm 2023.

TTCK Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để giao dịch ổn định và cân bằng, ít nhất có thể đến quý I/2023. Diễn biến tạo đáy, tích lũy và đợi thêm các sự kiện, kinh tế vĩ mô hỗ trợ trước khi niềm tin nhà đầu tư quay trở lại. Nhóm cổ phiếu đầu ngành lĩnh vực tài chính, năng lượng, tiện ích, tiêu dùng, bán lẻ là nhóm cổ phiếu đáng chú ý... nhìn góc độ ngắn hạn và dài hạn ít nhất trong khung thời gian 2023 - 2025.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

Nhìn chung, lãi suất là kẻ thù của thị trường chứng khoán. Việc Fed tăng lãi suất dù như dự báo và chưa có kế hoạch dừng lại chắc chắn không phải là tin tốt với thị trường.

Đối với thị trường Việt Nam, Fed tăng lãi suất cũng sẽ là áp lực Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất neo theo mặc dù lạm phát chúng ta kiểm soát tốt hơn. Đối với nhóm xuất khẩu: May mặc, Gỗ nội thất, Thủy sản, Phân bón…, chúng ta xuất siêu nên sẽ hưởng lợi từ tỷ giá nhưng điểm tiêu cực là nhu cầu (sản lượng) có thể giảm.

Nhóm bất động sản và liên quan (xây dựng, thép, xi măng, …) chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, do đòn bẩy nhóm này rất cao, nhu cầu nhà đầu tư đang yếu. Nhóm ngành cảng biển, bán lẻ từ trước đến nay là nhóm tăng trưởng rất cao và đều đặn hàng năm, được hưởng lợi từ tăng trưởng toàn nền kinh tế chung nên rất an toàn nhưng tốc độ tăng trưởng cũng chậm lại rất nhiều.

Tâm lý lo sợ trước những tin đồn  những diễn biến xung quanh thị trường trái phiếu đang khiến nhà đầu tư hoang mang, càng trầm trọng hơn khi nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục nằm sàn, hiện tượng giải chấp của nhiều cổ đông lớn (chủ doanh nghiệp) diễn ra ở một số mã. Dù vậy, thông tin bơm ròng thanh khoản từ NHNN đã tạo động lực cho dòng tiền đẩy mạnh tại nhóm ngành Ngân hàng trong phiên chiều cuối tuần, giúp thu hẹp đà giảm điểm. Ông/bà có nhìn nhận như thế nào về chuyển động dòng tiền trong những phiên tới?

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Dòng tiền tìm cơ hội tích lũy giá rẻ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Bình

Như tôi nói ở trên, tâm lý nhà đầu tư bây giờ như chim sợ cành cong, cứ cái gì xấu là bán. Thông tin tốt thì cũng không duy trì được bao lâu, thậm chí doanh nghiệp làm ăn lợi nhuận đột biến thì tin ra là bán. Thế nên ở giai đoạn này thật khó để nhận định dòng tiền sẽ hướng về đâu.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Thực ra, ngoài những nhóm cổ phiếu vẫn đang trên đà suy yếu (bất động sản, thép..), nhóm cổ phiếu ngân hàng đã ít nhiều tạo được sự cân bằng trong thời gian gần đây. Sự phân hóa của thị trường cũng đã diễn ra rõ nét hơn ở nhiều thời điểm.

Tôi cho rằng, đã bắt đầu có sự tham gia của dòng tiền dài hạn trong việc lựa chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt mà định giá hấp dẫn cho mục tiêu “tích sản”, cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong 1 tuần trở lại đây. Việc này chắc chắn sẽ tiếp diễn khi giá cổ phiếu giảm về từng tầng giá mục tiêu.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền trong thời gian tới sẽ có nhiều phân hóa mạnh mẽ khi một số ngành khó khăn có thể sẽ bị chuyển dịch dòng tiền sang các nhóm kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn. Các nhóm ngành tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm dự báo vẫn hút dòng tiền mạnh hơn các nhóm ngành còn lại và vẫn sẽ có những nhóm cổ phiếu riêng lẻ vẫn tạo lực giao dịch tốt.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng dù đang trong giai đoạn khó khăn về nợ xấu nhưng về mặt định giá nhiều cổ phiếu đang trong vùng thấp nhất trong 10 năm gần đây, vì vậy cổ phiếu nhóm ngành này vẫn được kỳ vọng hồi phục sớm nhất so với các cổ phiếu ngành khác.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Thanh khoản, dòng tiền sẽ khó có thể tăng mạnh, gia tăng trong các phiên tới mà sẽ duy trì ở mức độ như hiện nay - Không loại trừ vẫn có thể có những phiên "Wash out" đi kèm hiện tượng "gom hàng" cũng có thể khiến thanh khoản một số phiên giao dịch tăng vọt.

Nhìn chung, dòng tiền mua gom tích lũy giá rẻ, chọn giá thấp sẽ vẫn là tâm lý hành vi chủ đạo hiện nay. Dòng tiền lớn, dòng tiền mua chủ động có lẽ sẽ cần thêm thời gian để quay lại.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

Khi mà thị trường giảm chung, giảm mạnh thì dòng tiền sẽ tập trung vào những nhóm vốn hóa lớn hay bluechip có sức chống chọi tốt, còn những cổ phiếu đầu cơ/ vốn ảo chắc chắn sẽ còn giảm tiếp. Dòng tiền trên thị trường đã điều chỉnh mạnh từ thanh khoản tỷ đô vào cuối 2021 giờ còn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng/phiên, nhưng phần lớn do thị giá cổ phiếu giảm.

Dòng tiền tìm cơ hội tích lũy giá rẻ - Ảnh 4.

Ông Vũ Duy Khánh

Quan điểm của tôi, khi mà thị trường giảm chung, giảm mạnh thì dòng tiền sẽ tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, large cap. Nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm VN50 thay vì nhìn vào cổ phiếu giảm mạnh, nhóm penny đầu cơ, vốn ảo, game tăng vốn….

Ở thời điểm hiện tại, thay vì nhìn vào biến động của thị trường hay chỉ số, chúng ta nên khoanh vùng các nhóm cổ phiếu theo nhóm có rủi ro thực sự và những cổ phiếu đang có sức chống chịu tốt hơn để hành động. Vậy đâu là chiến lược phù hợp ở giai đoạn hiện tại, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng đầu tư, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Cá nhân tôi vẫn duy trì quan điểm từ đầu năm là mảng bất động sản sẽ là ngành khó khăn và mức khó khăn này càng ngày càng tăng lên. Cơ quan quản lý đang thực sự nghiêm túc trong việc kiểm soát dòng vốn chảy vào đây bởi đã có lượng vốn vô cùng lớn nằm đọng mảng này. Thế nên mảng này còn nhiều rủi ro, những doanh nghiệp bất động sản sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền. Ngành Ngân hàng theo đó chắc khó thoát khỏi bị ảnh hưởng.

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh thị trường đang phản ánh nỗi sợ hãi khiến cho hầu hết cổ phiếu đều giảm giá. Điều này tạo ra nhiều cổ phiếu có mức giá tương đối hấp dẫn, nhưng là trong trung và dài hạn.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Không nên cố gắng phân biệt nhóm nào rủi ro thực sự, nhóm nào có sức chống chịu tốt hơn, việc đấy là vô nghĩa với một thị trường trong kênh xuống. Bởi mua cổ phiếu “chống chịu tốt hơn” có khả năng sinh lời trong 1 downtrend chung của thị trường không?

Tôi vẫn bảo lưu quan điểm như trong những nhận định trước: Đứng ngoài thị trường đối với nhà đầu tư ngắn hạn để đảm bảo quản trị rủi ro khi rủi ro với việc lướt sóng là rất lớn, trong khi việc tìm kiếm lợi nhuận là rất khó khăn.

Với nhà đầu tư dài hạn, có thể cân nhắc giải ngân từng phần ở từng tầng giá với các doanh nghiệp cơ bản, giữ được đà tăng trưởng ổn định khi giá cổ phiếu về mục tiêu hấp dẫn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Dòng tiền tìm cơ hội tích lũy giá rẻ - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Về xu hướng, thị trường vẫn trong giai đoạn downtrend và chưa hình thành rõ ràng xu hướng mới, vì vậy chiến lược giao dịch chung vẫn là thận trọng, duy trì mức độ giải ngân 30 - 50% và hạn chế tối đa margin để dự phòng an toàn.

Các nhóm cổ phiếu đang dò đáy hay trong vùng tin tức xấu cần loại bỏ và hạn chế giải ngân. Ưu tiên nhất là các nhóm cổ phiếu đang tạo nền tốt và phục hồi sớm hơn thị trường chung sẽ an toàn hơn và có thể kiếm lợi nhuận qua các nhịp ngắn hạn.

Thật ra, trong các nhịp co giật vừa qua của thị trường lại tạo điều kiện khá tốt để nhà đầu tư lướt sóng tốt và kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Những nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu, đầu tư công, xây lắp đang chịu áp lực điều chỉnh khá lớn trong khi một vài cổ phiếu lớn nhóm VN30 như VNM, GAS, SAB... lại giữ giá hơn.

Nhóm tiện ích, dầu khí, bảo hiểm hoặc ngân hàng cũng đang ít chịu tác động của các đợt bán ra. Giai đoạn tích sản cổ phiếu đang phù hợp với các nhà đầu tư hơn có lẽ nhìn dưới quan điểm áp dụng tư duy tiếp cận hợp lý trong khi việc giao dịch ngắn hạn đang chưa thực sự thuận lợi.

Nhà đầu tư có thể lựa chọn việc không hành động gì hoặc vẫn tiếp tục theo đuổi việc sàng lọc cổ phiếu để mua vào - dù sao đi nữa - phương pháp tiếp cận vẫn nên nhìn trong khoảng thời gian dài hơn, hơn là chỉ tập trung vào khu vực vùng đáy với tâm lý bị dao động.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest

Nên tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, large cap, có mức lợi nhuận ổn định và bảng cân đối lành mạnh, tốt nhất là ở trong VN50. Khi mà nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại, suy thoái toàn cầu, ngành nào cũng sẽ ảnh hưởng hết về mặt nội tại, nên bảo có cổ phiếu đi ngược, tăng trưởng là hoàn toàn rất khó. Những cổ phiếu đầu ngành sẽ bị ảnh hưởng ít hơn và ngược lại sẽ tăng trưởng tốt hơn mặt bằng ngành chung khi nền kinh tế quay trở lại.

Theo Đầu tư Chứng khoán

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Xóa ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Xe điện khuấy động thị trường taxi

Tiềm năng của thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam còn rất lớn, các doanh nghiệp dẫn đầu đang vẽ lại bức tranh thị trường

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Quyết liệt kiểm soát thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung vàng miếng để xử lý tình trạng giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

NHNN đề xuất giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng liên tục "nhảy số", bất thường nằm ở đâu?

Giá vàng không còn đứng ở mức đỉnh "chót vót" ghi nhận trong ngày hôm qua đối với vàng nhẫn 9999, song giá vàng miếng SJC vẫn đang "đu đỉnh" gần 85 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia chỉ điểm "bình thường" và "bất thường" khi vàng "nhảy múa".

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Đất nền tan băng nhưng khó sốt

Trong khi phân khúc chung cư tăng giá vùn vụt suốt cả năm 2023 kéo dài tới hiện tại vẫn ở biểu đồ đi lên thì đất nền, nhất là đất ven đô lại "ngủ" khá lâu.