Đồng vốn bắc cầu đến bến bờ khá giả

Chúc Ly Thứ tư, ngày 09/09/2015 13:10 PM (GMT+7)
Nhiều năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Sóc Trăng đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp hàng ngàn hộ khó khăn, nhất là hộ đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Đồng vốn tạo động lực vượt khó

Anh Trần Văn Bửu,  ngụ ấp Tân Mỹ, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú từng thuộc diện hộ cận nghèo. Trong câu chuyện về vay vốn ưu đãi, anh Bửu phấn chấn nói: “Cha mẹ hai bên đều khó khăn nên vợ chồng tôi ra riêng không có đất sản xuất. Vợ chồng tôi có niềm tin, động lực vượt khó cũng nhờ chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi. Năm 2013, được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng, tôi mượn anh em thêm 20 triệu đồng đầu tư mua 1 máy xới đất…”.

Từ đó đến nay, anh Bửu đưa máy đi xới thuê, có việc làm và thu nhập ổn định nên gia đình không những vượt qua diện cận nghèo mà còn vươn lên khấm khá.

img

Gia đình anh Trần Văn Bửu (xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú) mua được máy cày để làm ăn nhờ vốn vay ưu đãi.  Ảnh: Chúc Ly

Cũng như gia đình anh Bửu, ông Liêu Phước (ngụ ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo. Ông Phước bộc bạch: “Gia đình tôi ít đất sản xuất, những năm trước thuộc diện hộ nghèo, sau đó thoát được nghèo nhưng vì tình hình sản xuất khó khăn lại rơi vào diện cận nghèo. Cứ ngỡ mình phải tự tìm nguồn vốn đắt đỏ bên ngoài để phát triển sản xuất, nhưng may mắn lại được xét cho vay vốn diện hộ cận nghèo. Nhờ vào đồng vốn này mà tôi có tiền mua thêm  bò sữa”. Từ 2 con bò sữa ban đầu, đến nay ông Phước đã có 5 con, trong đó có 3 con đang cho sữa, mỗi tháng lãi trên 10 triệu đồng.

Theo ông Lâm Ẩn – Phó Chủ tịch Hội ND xã Phú Mỹ, trong xã đa số là các hộ dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao. Ngày trước, chỉ những hộ nghèo mới được vay vốn, một số đối tượng còn khó khăn nhưng lại thuộc diện cận nghèo thì nằm ngoài sự hỗ trợ, khiến cho những hộ này dễ rơi vào diện nghèo, cuộc sống càng khó khăn. “Từ năm 2013 đến nay, chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ cận nghèo đã tạo sự phấn khởi trong bà con. Mỗi năm tỷ lệ thoát diện cận nghèo của xã đạt hơn 30% trong tổng số hộ được vay vốn từ chương trình cho vay hộ cận nghèo” – ông Ẩn phấn khởi cho biết.

Chính sách hợp lòng dân

Trao đổi với chúng tôi, không chỉ các hộ được thụ hưởng chính sách mà kể cả các hộ khá giả cũng rất đồng tình với chính sách cho hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Tú cho biết: “Nhờ việc bình xét đối tượng cho vay được thực hiện chặt chẽ, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các hội đoàn thể và ngân hàng nên nguồn vốn được hộ vay sử dụng đúng mục đích. Các hộ vay đa số đều phải có đủ điều kiện vay là hộ cận nghèo, chí thú làm ăn và có phương án sản xuất rõ ràng. Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 32,6 tỷ đồng được phát vay cho hơn 2.100 hộ diện cận nghèo”.

Theo ông Dương Đình Lạng - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng, chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo là một chủ trương rất ý nghĩa nhằm tạo điều kiện cho hộ cận nghèo tiếp tục được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập. Không chỉ góp phần thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững hơn mà chương trình này còn giúp hạn chế cảnh bà con diện cận nghèo phải vay mượn vốn bên ngoài với lãi suất cao. 

Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 7.2015, tổng dư nợ cho vay của chương trình hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh đạt 367 tỷ đồng, với gần 20.400 hộ được thụ hưởng.    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem