dd/mm/yyyy

Đột phá đời mình bằng meo nấm rơm

Không chịu cảnh “bỏ công làm lời”, ông Nguyễn Văn Nồm (SN 1970, ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên) đã dốc tâm nghiên cứu sản xuất meo nấm rơm. Hiện trang trại nấm có khả năng cung cấp ra thị trường trên 4.000 bịch meo/ngày.

Khu vực đóng gói meo giống nấm rơm tại nhà ông Nồm.

Không chịu cảnh nghèo

Theo ông Nồm, vùng quê Phú Hòa trước đây, trăm nhà đều làm ruộng, hầu hết cuộc sống chật vật qua ngày. Nhà đông anh em nên mới học đến lớp 9, ông đành nghỉ ngang để làm ruộng cùng cha mẹ lo cơm áo cho cả nhà. Khi lập gia đình, ông phải nai lưng đi làm thuê đủ nghề để nuôi con, đắp đổi nhu cầu cuộc sống ngày một tăng cao.

“Làm quần quật mà kinh tế gia đình không cất đầu lên được. Năm 1997, thấy một số người trồng nấm rơm, tui lân la tìm hiểu và bắt tay làm. Rơm thì vùng đồng bằng Tuy Hòa này lúc nào cũng sẵn, chỉ việc mua meo về ủ cấy. Từ 1 - 2 lứa nấm/năm, vợ chồng tôi nâng lên 4 - 5 lứa/năm. Lãi vài triệu đồng/tháng, kinh tế gia đình dần tạm tạm”, ông Nồm kể.

Nghề đóng meo nấm đem lại việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động

Thế nhưng ông nhận thấy hết sức bất tiện, hiệu quả không cao khi quá phụ thuộc vào nguồn giống meo nấm từ các tỉnh phía Nam. Việc vận chuyển đường xa lại đội giá thành lên cao, meo nấm nhiều khi không đạt chất lượng, ảnh hưởng năng suất, giảm thu nhập. Trong lúc nghề trồng nấm quanh khu vực đang bung ra, nhu cầu meo giống ngày càng cao.

“Tui nằm đêm suy nghĩ: Tại sao mình không sản xuất meo giống? Biết là khó với một người trình độ hạn chế nhưng tui quyết làm. Người ta làm được thì mình chắc làm được. Chỉ có bắt tay làm meo giống mới có cơ hội “đột biến” kinh tế gia đình, nâng chất nghề nấm địa phương. Tui có máu ham học nên tự tin mình sẽ thành công”, ông Nồm chia sẻ.

Nghĩ là làm, ông tạm biệt vợ con, khăn gói vào TP.HCM vừa làm thuê, vừa tìm hiểu học nghề tạo meo nấm rơm. Làm công mướt mồ hôi nhưng ông luôn bỏ tiền để mua sách kỹ thuật nông nghiệp, đêm đêm đọc nghiền ngẫm. Rồi ông tranh thủ ghé các tiệm internet để tìm tài liệu hướng dẫn sản xuất meo nấm. Sau đó mày mò sắm sửa, làm quen với những dụng cụ phòng thí nghiệm, các khái niệm khoa học hóa - sinh,...

Cứ thế, vừa quan sát thực tế, vừa trực tiếp mua nguyên vật liệu về thực hành, đúc rút kinh nghiệm. Không ít lần thất bại nhưng ông Nồm không nản lòng. Và rồi, ông đã nắm bắt “trọn gói” công nghệ, sản xuất thuần thục nhiều lứa meo nấm rơm, với chất lượng ổn định. Đến năm 2013, ông trở lại quê nhà để gây dựng cơ sở sản xuất meo giống, cung ứng ra thị trường.

Chuyên gia “chân đất”

Ông Nồm cho hay: “Trong tay chẳng có mấy đồng tiền nên hết sức khó khăn khi triển khai xây dựng nhà trại, mua sắm máy móc,… Lúc ấy, ngân hàng cho vay chả đủ, tui phải năn nỉ mượn ở nhiều nơi. Rồi cũng túc tắc trang bị được máy cắt rơm, đóng bao, lò hấp, hồ ngâm rơm, phòng nuôi cấy meo,… với quy mô lớn dần”.

Đến nay, ông Nồm đã đầu tư trên 300 triệu đồng để mua sắm các thiết bị, máy móc chuyên dụng cho dây chuyền sản xuất meo nấm rơm. Cùng lúc, ông lại lao vào học hỏi kiến thức quản trị kinh doanh, quảng bá, tiếp cận khách hàng,… Thương hiệu Meo nấm rơm ông Nồm từng bước loang rộng. Từ chỉ cung cấp trong tỉnh, hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh thành, như: Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Huế,… Tiếp cận được cả các thị trường mà ông đã từng lăn lộn học nghề, như: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai,…

Ông Nồm bên tủ thiết bị ươm cấy meo nấm rơm.

Ông Lê Trung Tín (một khách hàng “ruột” của ông Nồm) cho hay: “Trước đây, tôi đã mua meo nấm nhiều nơi nhưng giá thành cao, chất lượng không đồng đều. Với chỗ ông Nồm, hãn hữu có lô meo không như ý đều được tư vấn, bù đắp kịp thời. Ông Nồm còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý để trồng nấm sạch, năng suất cao. Hiện gia đình tôi thu nhập ổn định trên 10 triệu đồng/tháng từ việc trồng nấm rơm”.

Theo ông Nồm, công suất cơ sở tại gia hiện đạt 4.000 bịch meo nấm rơm/ngày. Với giá bán 2.500 đồng/bịch, gia đình ông đạt doanh thu bình quân 10 triệu đồng/ngày. Cơ sở đang tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 nhân công địa phương, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.

“Sau khi trừ chi phí, gia đình tui có lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. Lo chi tiêu gia đình, con cái ăn học xong thì cũng dư dả chút ít. Hiện tui đang triển khai sản xuất mặt hàng bịch phôi nấm rơm hoàn chỉnh. Khách hàng chỉ việc mua về, tưới nước là có thành phẩm nấm rơm sạch. Dạng bịch meo gọn nhẹ này phù hợp với người không có đất đai rộng, người ở nhà phố”, ông Nồm cho hay.

Lúc cao điểm, ông Nồm trực tiếp vận chuyển meo nấm để giao khách hàng. 

Chị Ngô Thị Oanh (làm ở công đoạn đóng gói bịch meo) cho biết: “Công việc cũng nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi phải khéo léo một chút. Anh chị em ở đây làm theo dây chuyền, hưởng công tùy số lượng sản phẩm nên cảm thấy rất thoải mái. Làm bao nhiêu, nhận tiền bấy nhiêu. Ở vùng quê này mà có việc làm “ngồi mát”, thu nhập đều đặn trên 4 triệu đồng/tháng là rất ổn”.

Còn bà Trần Thị Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trị đánh giá: “Từ “chân lấm, tay bùn”, ông Nguyễn Văn Nồm đã kiên trì, nhanh nhạy trong việc nghiên cứu sản xuất meo nấm rơm. Trang trại meo nấm này hiện có quy mô, hiệu quả nhất ở Phú Yên. Chẳng những đột phá kinh tế gia đình, ông Nồm còn góp phần nâng ngành sản xuất nấm rơm của tỉnh lên một bước mới. Đây là một nông dân điển hình trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh”.

“Cơ sở meo nấm rơm của ông Nồm hiện rất uy tín ở Nam Trung bộ. Điều đáng nể ở ông là không chấp nhận sản xuất đơn thuần “lấy công làm lời”, phụ thuộc nguồn giống. Mới học lớp 9 nhưng ông Nồm có chí học hỏi, tiếp cận kiến thức chuyên ngành và đã thành công một cách ngoạn mục. Không đơn giản khi sản xuất meo giống nấm rơm quy mô lớn. Bởi ngoài yếu tố khoa học kỹ thuật, cần có sự đầu tư thiết bị, tổ chức nhân công bài bản. Ông Nồm thực thụ là một chuyên gia, doanh nhân “chân đất” hiếm có ở Phú Yên”.
Kỹ sư Nguyễn Anh Thư - Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ, Sở Khoa học và công nghệ Phú Yên.
Hùng Phiên