Dự án 42.000 tỷ thời Trịnh Xuân Thanh: Cần 2.500 tỷ giải quyết khó khăn?

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 22/07/2019 13:19 PM (GMT+7)
Nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng vốn đầu tư gần 42.000 tỷ đồng, do PVN làm chủ đầu tư và được PVC triển khai thời Trịnh Xuân Thanh, hiện đang chậm tiến độ, một phần nguyên nhân do thiếu hụt nguồn vốn.
Bình luận 0

img

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nhìn từ trên cao. (Ảnh minh hoạ)

Nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ vì sai phạm của PVC thời Trịnh Xuân Thanh?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW, trong đó, có những dự án điện trọng điểm như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu.

Một báo cáo mới đây về tình hình thực hiện các dự án điện của PVN cho biết, Nhiệt điện Thái Bình 2, tên đầy đủ là Dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2, công suất 1.200 MW, bao gồm 02 Tổ máy, mỗi tổ 600 MW (2 x 600 MW). Dự án do PVN làm chủ đầu tư, tổng thầu EPC là Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC). Dự án này được PVC triển khai dưới thời Trịnh Xuân Thanh, song tới nay vẫn chưa thể hoàn thành do khó khăn về tài chính. Thậm chí, liên quan tới những sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh đã phải nhận án tù.

Theo chủ trương đầu tư ban đầu, dự án sẽ hoàn thành từng tổ máy trong khoảng thời gian từ 39 - 45 tháng. Dự kiến tổ máy thứ nhất sẽ phát điện vào tháng 6/2020 và tổ máy 2 là tháng 10/2020. Tổng mức đầu tư (điều chỉnh lần 2) dự án là 41.799 tỷ đồng. Song tới nay, Nhiệt điện Thái Bình 2 tổng thể mới đạt 84,14% tiến độ. Trong đó: thiết kế đạt 99,57%; ký các Hợp đồng mua sắm đạt khoảng 95%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 81,98%, chạy thử đạt 3,51%. Hầu hết các hạng mục xây dựng chính của dự án đều đã hoàn thành cơ bản và đang vào giai đoạn hoàn thiện.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến dự án có nguy cơ tiếp tục bị chậm tiến độ bao gồm tổng thầu EPC là PVC, trong quá trình triển khai dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã có một số sai phạm đã và đang được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Việc sử dụng số tiền khoảng 1.115 tỷ đồng sai mục đích đã dẫn đến nhiều hệ lụy cả về chi phí, tiến độ, pháp lý, ảnh hưởng đến nguồn lực trong triển khai dự án.

Cũng liên quan tới PVC, chi phí quản lý dự án của Tổng thầu PVC tăng cao do dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 bị chậm tiến độ.

Ngoài ra, hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án còn một số vấn đề không đảm bảo nên có rất nhiều việc hoàn thành nhưng không thể thanh/quyết toán. Trong đó có cả yếu tố tâm lý của những cán bộ được cử đến “giải cứu” dự án này.

Sau những vướng mắc, sai phạm nêu trên dẫn tới tiến độ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 bị kéo dài, đã tiếp tục tạo ra có nhiều khó khăn và rủi ro phát sinh như máy móc thiết bị hết thời hạn bảo hành; không vay thêm được vốn…

Theo PVN, để dự án có thể hoàn thành, có các vấn đề rất lớn phải giải quyết như cần có cơ chế/cách thức nghiệm thu từng phần - giải ngân cho dự án.

Đối với câu chuyện thiếu hụt nguồn vốn vay do không được Bộ Tài chính cho giải ngân hơn 327/937 triệu USD vốn vay nước ngoài đã được Chính phủ bảo lãnh và các Ngân hàng thương mại trong và ngoài nước chưa cho vay, trước mắt, cần phải sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân mới đáp ứng mục tiêu phát điện.

Nhận diện được các khó khăn của dự án, ngày từ tháng 11/2017, PVN đã có các báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ, tiến độ dự kiến cấp PAC các tổ máy lần lượt là 9/6/2020 và 3/10/2020.

Tuy nhiên, với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền đã được PVN báo cáo tại các công văn số: 7490/DKVN-HĐTV ngày 24/11/2017; số 796/DKVN-BĐ-TCKT ngày 13/2/2019 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn/chấp thuận, nguy cơ Dự án tiếp tục bị chậm là ngày càng hiện hữu.

PVN từng xin ứng 2.500 tỷ đồng “giải cứu” Nhiệt điện Thái Bình 2

Đầu năm 2019, nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thời Trịnh Xuân Thanh, PVN từng kiến nghị lên Bộ Công Thương cho phép sử dụng khoảng 2.500 tỷ đồng từ nguồn chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 và lợi nhuận từ nguồn sản xuất kinh doanh của Tập đoàn để tập trung nguồn lực hoàn thành dự án. Chi phí này sẽ được kiểm toán, quyết toán riêng.

Trước kiến nghị này, Đoàn công tác liên ngành do Bộ Công Thương thành lập nhằm xem xét, xử lý kiến nghị của PVN đã có phản hồi. Theo đó, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại tập đoàn cần được Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét. Ngoài ra, PVN cần báo cáo rõ nguồn vốn sử dụng, mục đích sử dụng cụ thể và có đánh giá tổng thể liên quan đến dự án cũng như các nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên theo hợp đồng EPC.

img

Nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ một phần vì sai phạm của PVC trong quá trình triển khai dự án. (Ảnh minh hoạ)

Đối với kiến nghị của  PVN về việc cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6.2020 (tổ máy số 1) và tháng 10.2020 (tổ máy số 2). Đồng thời, cho phép miễn phạt hợp đồng do chậm tiến độ, cho phép vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, giải tỏa tiền đang bị phong tỏa tại Ocean Bank...

Đoàn công tác liên ngành cho biết, do dự án chậm tiến độ nên PVN cần rà soát, cập nhật lại tiến độ để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư và tổng thầu. Việc xác định lại tiến độ hoàn thành dự án không miễn trừ các nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư, của PVC theo hợp đồng EPC đã ký và theo quy định pháp luật.

Việc điều chỉnh tiến độ dự án là nội dung quan trọng, thuộc trách nhiệm xem xét của người quyết định đầu tư là HĐTV PVN. Vậy nên, PVN cần báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước là đại diện chủ sở hữu PVN xem xét.

Tới tháng 2/2019, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải cứu Dự án này, nhưng để làm được điều đó thì cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem