Dự án hỗ trợ 80.000 nông hộ nhỏ ứng phó dịch Covid-19 và hạn mặn được triển khai tại ĐBSCL

P.V Thứ tư, ngày 21/10/2020 09:26 AM (GMT+7)
Vừa qua, 100 nông dân đầu tiên tại tỉnh Bến Tre đã tham gia buổi tập huấn, và nhận Gói hỗ trợ Canh tác thuận lợi từ Bayer Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Bình luận 0

Hoạt động này là một phần thuộc dự án "Better Farms, Better Lives" (tạm dịch: Canh tác thuận lợi hơn, Cuộc sống tốt đẹp hơn) do Bayer Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tăng trưởng Châu Á – Grow Asia, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TT KNQG) và mạng lưới của TT KNQG, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNT) thực hiệnnhằm hỗ trợ 80.000 nông hộ nhỏ 7 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ, duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, ứng phó hiệu quả với tình hình bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh Covid-19 một cách bền vững.

Dự án hỗ trợ 80.000 nông hộ nhỏ ứng phó dịch Covid-19 và hạn mặn được triển khai tại ĐBSCL - Ảnh 1.

Lão nông Phạm Thành Tri chia sẻ kinh nghiệm khắc phục hạn mặn của vườn bưởi với đại diện Bayer, TT KNQG, các nông dân Bến Tre…

Cùng với nông dân bàn giải pháp cụ thể để chống hạn, mặn

PGS. TS. Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TT KNQG), cho biết, sau hoạt động khởi động dự án "Better Farms, Better Lives" tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, TT KNQG đã tiến hành một loạt các hoạt động tiếp theo, gồm chuẩn bị đề cương, bài giảng, lực lượng… để tham gia triển khai thực tế dự án tại các địa bàn cụ thể. Theo đó, mỗi địa bàn thì sẽ có nhiều hoạt động, gồm  tập huấn TOT cho các cán bộ khuyến nông để các cán bộ khuyến nông này trở thành hạt nhân tiếp thu quy trình công nghệ, các giải pháp để từ đó mở các lớp tập huấn ToF tại thôn, tại ấp và đưa các giải pháp, các gói hỗ trợ kỹ thuật đến trực tiếp cho người sản xuất...

"Thông qua các lớp đào tạo cho lực lượng khuyến nông, TT KNQG sẽ rút kinh nghiệm và bàn các giải pháp rất cụ thể, từ quy trình công nghệ chung thì sẽ có các quy trình công nghệ riêng cho từng địa phương, cho từng vùng và sẽ cùng với nông dân bàn các giải pháp cụ thể khi đưa giải pháp bảo vệ thực vật cũng như hạt giống đến người trực tiếp sản xuất một cách yên tâm nhất", ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, đối với ĐB SCL thì khó khăn chủ yếu là hạn và mặn, còn đối với khu vực Đông Nam Bộ là hạn, vì thế TT KNQG sẽ đưa ra các giải pháp khác nhau, mỗi loại cây trồng cũng có một quy trình tương ứng và thông qua những gói hỗ trợ thuộc dự án "Better Farms, Better Lives" sẽ chuyển tải những quy trình công nghệ đã được c Trung tâm Khuyến nông nghiên cứu, tập hợp và tích lũy thành những quy trình.

"Trong tình hình hạn mặn vừa qua, với sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, chúng  tôi điều chỉnh cả cơ cấu mùa vụ, những giải  pháp điều tiết thời vụ đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực, to lớn đối với sản xuất lúa gạo của ĐB SCL", ông Thanh nói thêm.

Ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo Huấn luyện, TT KNQG cũng chia sẻ, trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của mạng lưới TT KNQG, dự án "Better Farms, Better Lives" sẽ hướng đến việc triển khai các lớp tập huấn cho nông dân các địa phương thuộc chương trình hỗ trợ của dự án. Khoá tập huấn sẽ trang bị cho nông dân những kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp, từ quá trình gieo hạt tới lúc thu hoạch thông qua những hướng dẫn về quản lý cây trồng, dịch hại…

"Chứng kiến niềm vui của nông dân khi được nhận những Gói hỗ trợ Canh tác Thuận lợi từ dự án "Better Farms, Better Lives", chúng tôi đánh giá cao đóng góp của Bayer vào sự phục hồi và phát triển bền vững tại tỉnh Bến Tre nói riêng, và các tỉnh thuộc ĐBSCL nói chung. Chúng tôi cam kết đồng hành cùng Bayer để thúc đẩy và chuyển giao những giá trị tích cực của dự án đến với cộng đồng nông dân địa phương", ông Khoa nói thêm.

Là một nông dân được nhận sự hỗ trợ từ dự án, ông Phạm Thành Tri (ấp 3, xã Sơn Đông, tỉnh Bến Tre) chia sẻ, chưa năm nào hạn mặn khốc liệt như thời gian vừa qua, rất nhiều nông dân ở ĐB SCL đã rơi vào cảnh "trắng tay" bởi hạn mặn và đang rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức, ban ngành để phục hồi sản xuất.

"Mặc dù vụ mùa năm nay bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 và hạn mặn nhưng tôi và những nông dân khác tại Bến Tre vẫn đang nỗ lực để sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất, nhất là để kịp phục vụ cho Tết Nguyên Đán sắp tới. Sự giúp đỡ và các chương trình tập huấn của Bayer và TT KNQG, giúp chúng tôi phục hồi và duy trì vườn cây, canh tác bền vững và thân thiện với môi trường hơn", ông Tri, khẳng định.

Dự án hỗ trợ 80.000 nông hộ nhỏ ứng phó dịch Covid-19 và hạn mặn được triển khai tại ĐBSCL - Ảnh 2.

Đại diện nông dân ĐBSCL tiếp nhận các Gói hỗ trợ Canh tác thuận lợi từ Bayer

Nỗ lực toàn cầu đưa nông nghiệp bền vững lên một tầm cao mới…  

Nằm trong mục tiêu lớn của dự án nhằm hỗ trợ 100 triệu nông hộ sản xuất nhỏ ở các quốc gia có thu nhập thấp - trung bình đến năm 2030, trước đó, trên quy mô toàn cầu, Bayer đã tổ chức Đối thoại trực tuyến về Tương lai của ngành Nông nghiệp (diễn ra từ ngày 25/9 đến 13/10), mang đến cho các chuyên gian, giới truyền thông trên khắp thế giới cơ hội cùng nhau thảo luận về những thời cơ và thách thức đối với nền nông nghiệp bền vững; cam kết của Bayer về cung cấp và đổi mới công nghệ nhằm hỗ trợ nông dân canh tác bền vững hơn cùng với những thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt sau đại dịch Covid-19 như vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và chuỗi cung ứng. 

Thông qua dự án "Better Farms, Better Lives", Bayer mong muốn mỗi nông dân tại các địa phương của Việt Nam sẽ là một phần trong cuộc đối thoại về phát triển nông nghiệp bền vững trên quy mô toàn cầu.

Ông Liam Condon, Chủ tịch nhánh Khoa học Cây trồng, tập đoàn Bayer chia sẻ: "Ngành nông nghiệp vốn đã đối mặt với nhiều thử thách – từ lũ lụt, hạn hán đến sự tấn công của sâu bệnh – và Covid-19 là một lời nhắc nhở rõ ràng khác về sự cần thiết phải tạo ra một hệ thống lương thực bền vững và linh hoạt hơn để đảm bảo an ninh lương thực. Sáng tạo, khoa học và hợp tác không chỉ là chìa khóa giúp ứng phó với đại dịch mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức trong hiện tại và tương lai."

Cũng theo ông Liam Condon, trong những thời điểm đầy thách thức, trách nhiệm của chúng tôi là giúp đảm bảo an ninh lương thực và giảm thiểu tác động đến môi trường. "Chúng tôi cũng cần giúp nông dân làm điều tương tự bằng cách cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ cần thiết để họ có thể sản xuất đủ lương thực trong khi sử dụng ít tài nguyên hơn và quan tâm đến môi trường hơn. Chìa khóa của điều này nằm ở sự sáng tạo và đây là những gì chúng tôi đang tiếp tục hướng tới", ông Condon nhận định về các cam kết bền vững của Bayer.

"Trước những thách thức toàn cầu về môi trường và xã hội, việc phát triển và hỗ trợ chuyển giao công nghệ vẫn là yếu tố cốt lõi trong cam kết của Bayer nhằm tạo ra một tương lai không còn đói nghèo cho tất cả mọi người", ông Liam Condon chia sẻ về sứ mệnh của Bayer nhằm hỗ trợ các nông hộ nhỏ công cụ và kiến thức cần thiết, đáp ứng các mục tiêu về phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem