Dự án nhà ở xã hội có tháo gỡ được vướng mắc trong năm 2023?

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 24/12/2022 06:00 AM (GMT+7)
Bộ Xây dựng đánh giá vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển nhà ở xã hội. Qua đó, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở xã hội trong năm 2023.
Bình luận 0

Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội. Đặc biệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" sau khi được Thủ tướng phê duyệt.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển nhà ở xã hội như: trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở xã hội chưa nhanh gọn; chưa quy định cụ thể việc xác định chi phí đầu tư hạ tầng và bồi thường để thanh toán khi chuyển giao quỹ đất 20%; bất cập về thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội khi điều chỉnh chủ trương dự án, về thời điểm và cơ sở thẩm định giá bán nhà ở xã hội...

Dự án nhà ở xã hội có tháo gỡ được vướng mắc trong năm 2023? - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật để phát triển nhà ở xã hội trong năm 2023. (Ảnh: TN)

Ngoài ra, nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thấp. Cụ thể, vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội). Nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng nhiều địa phương cũng chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Cùng với đó, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội; chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương…

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào việc phát triển các khu đô thị, nhà ở, khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật với trọng tâm là hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đảm bảo tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội; Nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước…

Đồng thời, Bộ Xây dựng tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, nhất là quản lý phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem