Dự án nông nghiệp triệu đô của 2 gã “tay ngang” bỏ tuổi xuân lên rừng lập nghiệp

Lê Kiến Thứ năm, ngày 13/08/2020 09:22 AM (GMT+7)
Xác định nông nghiệp sạch là hướng đi bền vững, 2 chàng trai 9X "bỏ tuổi thanh xuân" lên non cao đầu tư tiền tỷ làm trang trại cây ăn quả theo chuẩn quốc tế và quyết đưa trái cây xuất ngoại.
Bình luận 0

Dự án triệu đô

Giữa chốn đại ngàn quanh năm mây phủ tại xã vùng sâu Đăk Psi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), có một dự án nông nghiệp siêu to khổng lồ trị giá hơn 21 triệu đô (hơn 500 tỷ đồng) đã thành hình vững chãi. Chủ trang trại là 2 chàng trai trẻ 9X - dân "tay ngang" trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng có niềm đam mê, chí lớn. Diện tích đất quản lý khoảng 400ha, đã trồng 220ha cây ăn quả, gồm: "sầu riêng vua" Musang King từ Malaysia, mít Thái… và 50ha trồng cây gỗ dổi lấy hạt. Trong đó, cây mít Thái đã cho về những thành quả ngọt ngào.

Dự án nông nghiệp triệu đô của 2 gã “tay ngang” - Ảnh 1.

Chàng trai 9X Phạm Anh Tuấn giới thiệu cây mít Thái - thành quả đầu tiên của trang trại. Ảnh: Lê Kiến

"Đây là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lớn bậc nhất ở địa phương. Đặc biệt, trang trại này hình thành trên địa bàn 135 xã thuộc diện khó khăn nên việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển quy mô sẽ góp phần thay đổi tư duy nông nghiệp, lan tỏa trong nhân dân".

Ông Ngô Hồng Hưng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Đăk Hà

Hai chàng trai bạo chi này là Phạm Anh Huy (28 tuổi) - Giám đốc và Phạm Anh Tuấn - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát (thôn 9, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà). Huy và Tuấn là anh em họ. Cả 2 đều chưa có bằng cấp, hay chuyên ngành về nông nghiệp. Huy học đại học ngành Luật, Tuấn thì chưa từng bước chân vào giảng đường. Thế nhưng, quy mô đầu tư và cách làm thì ít ai theo kịp…

Cứ ngỡ 2 chàng trai này "cõng núi tiền vượt sông" nhưng qua trò chuyện, nói nhiều các vấn đề về nông nghiệp mới thấy cái tâm, cái tầm của 2 gã "tay ngang" này. Anh Tuấn chia sẻ: "Ở trong nước, các mô hình trồng cây ăn quả người ta đã làm rất nhiều rồi, mình đi sau thì phải có cái gì riêng mới tồn tại được. Do vậy, ngay từ đầu anh em mình quyết định đầu tư theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Hai chàng trai bạo chi này là Phạm Anh Huy (28 tuổi) - Giám đốc và Phạm Anh Tuấn - Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông lâm sản Nghĩa Phát (thôn 9, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà). Huy và Tuấn là anh em họ. Cả 2 đều chưa có bằng cấp, hay chuyên ngành về nông nghiệp. Huy học đại học ngành Luật, Tuấn thì chưa từng bước chân vào giảng đường. Thế nhưng, quy mô đầu tư và cách làm thì ít ai theo kịp…

Cứ ngỡ 2 chàng trai này "cõng núi tiền vượt sông" nhưng qua trò chuyện, nói nhiều các vấn đề về nông nghiệp mới thấy cái tâm, cái tầm của 2 gã "tay ngang" này. Anh Tuấn chia sẻ: "Ở trong nước, các mô hình trồng cây ăn quả người ta đã làm rất nhiều rồi, mình đi sau thì phải có cái gì riêng mới tồn tại được. Do vậy, ngay từ đầu anh em mình quyết định đầu tư theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Đưa chúng tôi đi tham quan bằng ôtô bán tải, Tuấn nói: "Nếu đi bộ thì cả ngày mới đi hết 1 ngọn đồi". Từ trên cao nhìn xuống, cả trang trại bạt ngàn hiện ra trong tầm mắt, trên cao là núi mây phủ, lưng chừng đồi là tít tắp những hàng cây sầu riêng, mít Thái...

"Trang trại của em ở đây có cái lợi thế đặc biệt là tách rời hoàn toàn với khu dân cư nên thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nếu ở gần khu dân cư thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Ví như trong khuôn viên của mình, chỉ cần 1 cái vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm thì tiêu chuẩn GlobalGAP bị đánh rớt ngay" - Tuấn nói.

Dự án nông nghiệp triệu đô của 2 gã “tay ngang” - Ảnh 3.

Góc trang trại triệu đô tuyệt đẹp nhìn từ trên cao. Ảnh: L.K

Anh Tuấn cho biết, mặc dù chưa học qua trường lớp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp nhưng mảng trồng cây này anh rất sành. Từ nhiều năm nay, anh đã dành rất nhiều thời gian đi tham quan các mô hình nông nghiệp lớn trên cả nước và học hỏi được nhiều từ các kỹ sư giỏi. Đặc biệt, Tuấn đã tuyển 4 kỹ sư lão luyện chuyên về nông nghiệp về làm cho mình, người kinh nghiệm ít cũng trên 10 năm và thâm niên đã hơn 40 năm.

"Thời Tam Quốc "Lưu Bị 3 lần đến lều tranh mời Khổng Minh". Trường hợp một số kỹ sư ở chỗ em cũng vậy, có người phải đi mời hơn 10 lần thì họ mới gật đầu đồng ý. Hiện, lao động thường xuyên khoảng 70-80 người, cao điểm tới 300 người" - Tuấn chia sẻ. Hiện tại, trang trại đã trồng 22.000 gốc "sầu riêng vua" Musang King, 81.000 gốc mít Thái, 50ha dổi lấy hạt. Dự kiến, quý IV/2020 sẽ thu 100 tấn mít siêu sạch tung ra thị trường tiêu thụ.

"Phương châm của bọn em là lấy ngắn nuôi dài, giai đoạn kiến thiết thì trồng xen canh giữa cây sầu riêng và mít, khoảng 10 năm sau khi sầu riêng giao tán sẽ chặt bỏ cây mít dần. Ban đầu, sản phẩm làm ra sẽ phục vụ thị trường nội địa, khi hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc tế thì xuất đi các thị trường lớn. Dự tính, cây sầu riêng, mít vào chính vụ sẽ đạt doanh thu 2 tỷ đồng/ha" - Tuấn cho hay.

Bước đệm đưa trái cây xuất ngoại

Tuấn cho biết, trước khi đến với trang trại trái cây, 2 anh em Tuấn cũng sấp mặt không ít lần. Đầu tiên là dự án 400ha cao su, vì giá rớt thê thảm nên quyết định chặt bỏ tất cả sau 5 năm trồng và thế là hơn 70 tỷ đồng thả xuống đất đã bốc hơi. Nhưng từ khi đầu tư theo hướng trái cây sạch thì mới thấy được con đường xán lạn.

Nói về cách làm theo hướng hữu cơ, Tuấn chia sẻ: "Lâu nay nghe tiêu chuẩn GlobalGAP nhiều rồi nhưng thực hiện theo các tiêu chuẩn này mới thấy nó khắt khe cỡ nào. Ngay từ đầu, bọn em xác định lấy GlobalGAP làm tiêu chuẩn nên mọi hoạt động từ nguồn giống, trồng, chăm sóc, nguồn nước… cho đến thu hoạch đều phải kiểm soát rất chặt. Muốn bón phân gì, phun thuốc nào, ra sao đều phải nhờ chuyên gia của GlobalGAP tư vấn. Họ nói được thì được, nói không thì bỏ ngay".

Tuấn kể, cách đây 2 năm từng chi ra 500 triệu mua phân bò về ủ để bón cho trang trại nhưng cuối cùng đành vứt bỏ. Bởi lúc nhờ chuyên gia GlobalGAP tư vấn, họ phán 1 câu lạnh tanh "bỏ hết". Theo chuyên gia, mặc dù phân bò là sản phẩm hữu cơ nhưng không rõ nguồn gốc, bò đó ăn thức ăn gì, có bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hay không… Nếu tự tiện bón cho cây trồng thì nguy cơ cả vườn cây bị ảnh hưởng. Để dễ kiểm soát nguồn nước, ngay trên đỉnh núi thuộc nhóm cao nhất của trang trại, Tuấn cho xây dựng 1 bể nước khổng lồ với độ sâu hơn 10m. Nước được bơm từ sông Đăk Psi lên bể chứa, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây…

"Hiện tại, trang trại đang từng bước hoàn thiện các hồ sơ đảm bảo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về sông sản sạch, truy xuất nguồn gốc. Sau giai đoạn này, chúng em sẽ tiến hành xây dựng kho bãi, khu sơ chế bảo quản đông lạnh nhằm đảm bảo chất lượng trái cây tốt nhất trước khi đưa ra thị trường" - Tuấn tự tin nói.

Tuấn cho biết thêm, vừa qua có nhiều đơn vị ở nước ngoài liên hệ, đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm nhưng từ chối vì muốn tập trung xây dựng từng bước cho vững chắc. Chỉ có sản xuất nông nghiệp sạch mới là hướng đi bền vững, không lo mất thị trường, mất giá.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem