Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Dự án quy hoạch sau 3 năm "án binh bất động" cần đề xuất thu hồi

Minh Ngọc - Thu Hà Thứ ba, ngày 07/03/2023 19:00 PM (GMT+7)
Đó là một trong những ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức chiều nay, 7/3 tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Bình luận 0

Dự hội nghị còn có Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn.

Thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Dự thảo Luật Đất đai cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án "treo".

Nông dân đối mặt với các dự án thu hồi đất xong "treo để đó"

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ngày 7/3, bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết, qua các hội nghị và thức tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thành phố, đa số các đại biểu cho rằng trong thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện.

Không ít dự án chậm triển khai lên đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất, cụ thể như: Không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, làm phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh...

Do đó, bà Hoa đề nghị dự thảo Luật Đất đai cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án "treo" để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.

Để tạo điều kiện cho người dân tích tụ đất đai, phát triển sản xuất lớn, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội đề nghị không quyết định hạn mức bằng 15 lần giao đất mà theo nhu cầu, dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Đề xuất quy định chế tài xử lý, thực hiện nghiêm đối với các dự án “treo” vào dự thảo Luật Đất đai - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa đề xuất quy định chế tài xử lý, thực hiện nghiêm đối với các dự án “treo” vào dự thảo Luật Đất đai. Ảnh: Viết Niệm

Nêu ý kiến tại Điều 78 Luật Đất đai (dự thảo) về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, bà Hoa cho rằng, cần quy định rõ thành 3 nhóm thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, lợi ích quốc gia công cộng, cụ thể, nhóm 1: Thu hồi đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; Nhóm 2: Thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án có tính thương mại; Nhóm 3: Thu hồi đất để xây dựng các công trình vừa phục vụ mục đích phúc lợi xã hội chung vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.

"Việc nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với hộ nông dân không mang tính các công trình trọng điểm, mà nhà nước thu hồi mang tính thương mại, dịch vụ giao cho các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thì giá đất này phải có thỏa thuận với người bị thu hồi đất", Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội nêu quan điểm. 

Theo bà Hoa, hiện nay xảy ra tình trạng nhà nước thu hồi để các nhà đầu tư doanh nghiệp làm dự án mang tính thương mại dịch vụ dẫn đến việc thu hồi giá thấp (theo giá quy định của nhà nước giao cho tư nhân) khi xây dựng hạ tầng cho thuê lại thì giá rất cao, gấp từ 5 – 7 lần với giá thu hồi, "vậy là đã làm lợi rất lớn cho các nhà đầu tư gây bức súc trong nhân dân và xã hội". 

Bên cạnh đó, các diện tích khác trong khu vực thu hồi thường có dư diện tích từ 5 – 10% tổng diện tích là quỹ đất khác song các doanh nghiệp, nhà đầu tư đương nhiên được sử dụng không phải trả tiền thuê đất cho tập thể và cá nhân có đất bị thu hồi, từ đó nhà đầu tư lợi đơn lợi kép, người bị thu hồi đất thiệt đơn, thiệt kép. Bà Hoa đề nghị sửa đổi điều 203 của Luật Đất đai sao cho rõ ràng, chi tiết tránh sự đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.

Đề xuất quy định chế tài xử lý, thực hiện nghiêm đối với các dự án “treo” vào dự thảo Luật Đất đai - Ảnh 2.

Ảnh chụp hồi tháng 4/2022 tại dự án khu đô thị Thung lũng hoa hồng ở Mê Linh (Hà Nội) bỏ hoang từ nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Bình.

Còn theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Xuân, tại Điều 74 Luật Đất đai (dự thảo)  đa số hội viên nông dân đồng tình và cho rằng, quy định hàng năm UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện mà sau 3 năm không thực hiện. 

Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định.

Sau 3 năm dự án không thực hiện, dân được phép sử đụng đất lại

Theo bà Xuân, quy định tại Điều 74 Luật Đất đai (dự thảo) là phù hợp nhằm phát huy giá trị của đất, giảm bớt tình trạng quy hoạch các dự án nhưng không thực hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. "Hội viên nông dân đề nghị đối với các dự án quy hoạch sau 3 năm không thực hiện thì người dân được phép thực hiện quyền sử dụng đất của mình", bà Xuân nói.

Dự án được quy hoạch sau 3 năm không thực hiện, đề xuất thu hồi để người dân được phép sử dụng đất - Ảnh 3.

Ngày 7/3, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Viết Niệm

Đồng thời, hội viên nông dân TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đáp ứng nhu cầu chính đáng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; tránh tình trạng để đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt theo quy hoạch.

Đồng tình với quan điểm của Hội Nông dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho rằng, Điều 74 Luật Đất đai (dự thảo) đề nghị cân nhắc thời hạn 3 năm, và nếu cần thiết nên rút ngắn thời gian để đảm bảo được cuộc sống của người dân ở nơi có quyết định thu hồi đất được ổn định và không làm xáo trộn cuộc sống.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem