Dự án tích nước, tái định cư lòng hồ Yên Mỹ: Đội vốn hàng trăm tỷ, gần nghìn hộ dân "đứng ngồi không yên"

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ hai, ngày 18/07/2022 13:37 PM (GMT+7)
Sau gần 5 năm thực hiện dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ (Thanh Hóa), hơn 900 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện tái định cư, ổn định cuộc sống.
Bình luận 0

Người dân sống khổ với dự án

Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 24/11/2017 nhằm mục đích ổn định đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng khi tích nước lòng hồ Yên Mỹ, bảo đảm các hộ dân sau tái định cư sẽ có cuộc sống ổn định bền vững, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 290 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và được triển khai thực hiện trên địa bàn 4 xã: Thanh Tân và Thanh Kỳ (huyện Như Thanh); Phú Sơn (thị xã Nghi Sơn); Yên Mỹ (huyện Nông Cống) với tổng số 922 hộ dân.

Thanh Hóa: Hơn 900 hộ dân lòng hồ Yên Mỹ khổ sở vì dự án chậm tiến độ - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Tình (71 tuổi, trú thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) hàng ngày phải chăm sóc chồng là ông Nguyễn Thế Dưỡng (78 tuổi) bị tai biến 7 năm nay trong ngôi nhà dột nát, đầy vết nứt. Ảnh: HT

Là một trong các hộ sinh sống đầu tiên ở khu vực lòng hồ Yên Mỹ từ những năm 80, bà Lê Thị Hưng (51 tuổi, trú thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) cùng gia đình không quên những ngày tháng vất vả chạy lũ, bám đất, bám hồ kiếm kế sinh nhai.

Từ khi biết dự án di dân được triển khai, gia đình bà Hưng từng mừng rỡ vì sắp được di dời đến nơi tái định cư khang trang, không lo ngập lụt. Thế nhưng đến nay đã gần 5 năm trôi qua, gia đình bà Hưng vẫn chưa thấy có thông báo nhận tiền đền bù, di dời chỗ ở như cam kết ban đầu.

"Dự án thì triển khai lâu lắm rồi nhưng người dân chúng tôi chờ mãi trong khi mỗi ngày càng thấp thỏm thêm. Giờ nhà cửa xập xệ, dột nát muốn sửa sang lại cũng không được phép vì đất đã vào dự án. Chúng tôi nhiều lần ý kiến lên lãnh đạo các cấp nhưng câu trả lời là cứ chờ", bà Hưng cho biết.

Thanh Hóa: Hơn 900 hộ dân lòng hồ Yên Mỹ khổ sở vì dự án chậm tiến độ - Ảnh 2.

Gia đình bà Lê Thị Hưng (51 tuổi, trú thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) cũng thuộc diện phải di dời của dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ. Ảnh: HT

Cách gia đình bà Hưng không xa là hộ gia đình bà bà Phạm Thị Tình (71 tuổi, trú thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân) cũng thuộc diện phải di dời. Bà Tình cho biết, khoảng hơn 4 năm trước, bà con trong thôn được mời họp về việc di dân. Sau đó có người về kiểm kê tài sản, hoa màu, áp giá đền bù, song từ đó tới nay cũng... bặt vô âm tín.

"Ngày trước dân cư ở đây cũng nhiều, nhưng rồi "dính" dự án nên họ bỏ đi hết. Giờ ở thôn này chỉ còn gia đình tôi và một vài hộ nữa cố bám trụ để kiếm kế sinh nhai. Khổ thì cũng khổ quá lâu nhưng chúng tôi vẫn mong muốn các cấp xem xét việc tiếp tục thực hiện dự án, còn nếu không làm nữa thì hãy có câu trả lời rõ ràng, cụ thể để người dân được tự định đoạt việc sử dụng phần đất của mình, để chúng tôi có thể trở lại cuộc sống", bà Tình nói.

Thanh Hóa: Hơn 900 hộ dân lòng hồ Yên Mỹ khổ sở vì dự án chậm tiến độ - Ảnh 3.

Cuộc sống của nhiều người dân nơi đây không thể ổn định . Ảnh: HT

Bà Nguyễn Thị Quyết, trưởng thôn Hợp Nhất (xã Thanh Tân) thông tin, dự án chậm triển khai khiến bà con phải chịu rất nhiều khó khăn. Việc đó kéo theo chậm tái định cư không những ảnh hưởng đến đời sống người dân, mà còn ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới, định hướng phát triển kinh tế lâu dài của địa phương.

"Chứng kiến những vất vả của bà con, chúng tôi thấy rất xót xa nhưng lực bất tòng tâm. Trong nhiều cuộc họp, thôn đã có ý kiến đề xuất lên cấp trên và các cơ quan, ban ngành đẩy nhanh tiến độ di dời người dân nằm trong vùng ngập, tạo điều kiện để bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế", bà Quyết cho biết.

Dự án tiếp tục đội vốn thêm 278 tỷ đồng

Liên quan đến vấn đề trên, phía UBND huyện Như Thanh cho biết, dự án đã kiểm kê, đo đếm nhưng sau 6 tháng mà không bồi thường giải phóng mặt bằng thì phải tiến hành kiểm kê lại, đây là công việc rất khó khăn, tốn kém cho Hội đồng giải phóng mặt bằng, đồng thời cũng gây tâm lý bức xúc cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng.

Thanh Hóa: Hơn 900 hộ dân lòng hồ Yên Mỹ khổ sở vì dự án chậm tiến độ - Ảnh 4.

Người dân thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân sống lay lắt, từng ngày mong ngóng được di dời đến nơi tái định cư khang trang hơn. Ảnh: HT

Tại quyết định phê duyệt, dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ sẽ triển khai trong vòng 4 năm (kết thúc tháng 11/2021). Nhưng bước sang năm thứ 5, dự án mới chỉ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 16 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài hơn 16km, giá trị 47 tỷ đồng. Còn công tác đền bù, di dân tái định cư vẫn bỏ ngỏ.

Sau 5 năm triển khai, đơn giá thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đã thay đổi, dự kiến tăng khoảng 2 đến 3 lần so với giá trị phê duyệt năm 2017.

Theo báo cáo tháng 12/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án hiện đã tăng thêm 278 tỷ đồng (từ 216 tỷ đồng lên 495 tỷ đồng). Trong đó, huyện Nông Cống tăng từ 16,8 tỷ đồng lên gần 42 tỷ đồng, huyện Như Thanh tăng từ 80 tỷ đồng lên hơn 302 tỷ đồng; thị xã Nghi Sơn từ 118 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.

Thanh Hóa: Hơn 900 hộ dân lòng hồ Yên Mỹ khổ sở vì dự án chậm tiến độ - Ảnh 5.

Nhiều căn nhà cũ kỹ, xuống cấp nhưng không thể sửa sang bởi đất dính dự án. Ảnh: HT

Trước việc dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của nhân dân, ngày 6/6, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo các phương án thực hiện Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình +18,5 lên +20,36 m.

Trong đó, phương án 1 căn cứ vào Quyết định số 4515 tháng 11/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình +18.50 m đến cao trình + 20.36 m. Phương án 2 và phương án 3 là thực hiện theo giải pháp công trình như: Nâng mức tích nước lòng hồ, nạo vét tăng dung tích chứa…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở NNPTNT tiếp tục hoàn thiện báo cáo để UBND tỉnh xin ý kiến HĐND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy xem xét. Trong đó, PCT Lê Đức Giang yêu cầu phương án 1 cần tính đúng, tính đủ chi phí về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư theo Quyết định phê duyệt. Với các phương án thực hiện bằng giải pháp công trình, cần lựa chọn biện pháp khoa học - kỹ thuật tối ưu theo quy chuẩn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giảm thiểu về số hộ dân bị ảnh hưởng, số diện tích đất đai bị thu hồi và tiết kiệm tối đa kinh phí khi thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem