Dự báo bão: Nhầm còn hơn... bỏ sót

Thứ ba, ngày 30/10/2012 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Trách nhiệm của chúng tôi là thấy nguy hiểm cho người dân phải cảnh báo”. Ông Tăng cũng cho rằng, việc cảnh báo vùng nguy hiểm của bão là “báo nhầm còn hơn bỏ sót”.
Bình luận 0

Chiều 29.10, nói về công tác dự báo cơn bão số 8, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: Ngày 24.10, khi áp thấp nhiệt đới thành bão, trung tâm đã có bản tin về bão gần Biển Đông.

img
 

Sau khi bão vào Biển Đông, thông tin cơn bão được cập nhật liên tục. Tuy nhiên, thực tế từ các bản tin dự báo cho thấy, công tác dự báo chưa thực sự lường trước được đường đi của bão trong tương lai gần.

Ngày 25.10, thông tin của đại diện trung tâm tại cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho rằng, bão sẽ đổ bộ vào vùng biển Quảng Bình - Hà Tĩnh. Ngày 26.10, các dự báo nêu khả năng bão đổ bộ vào Thanh Hóa - Thừa Thiên - Huế. Đến sáng 28.10, tâm bão đổ bộ được dự báo ở khu vực Thanh Hóa - Nam Định. Tuy nhiên, tối 28.10, bão lại được dự báo “trượt” lên phía Bắc, vào khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh.

Về việc sau khi vào Biển Đông, bão lại hình thành đường đi vòng cung, chếch lên hướng bắc, ông Tăng cho biết, có nguyên nhân là xuất hiện rãnh tây gió trên cao ở khu vực phía bắc “đẩy” cơn bão... Ông Bùi Văn Đức - Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết thêm: Do rãnh gió trên cao chỉ xuất hiện trước khi bão số 8 vào Biển Đông 2-3 ngày và hoạt động của rãnh này không ổn định, phụ thuộc rất nhiều yếu tố nên không thể dự báo chính xác đường đi của bão.

Trả lời phóng viên NTNN về việc cảnh báo vùng ảnh hưởng của bão quá rộng, làm nhiều tỉnh miền Trung phải tiến hành các biện pháp ứng phó, di dân, ông Đức thừa nhận việc các tỉnh phải ứng phó như vậy là hết sức tốn kém. Tuy nhiên, đây là điều buộc phải chấp nhận để tránh những rủi ro.

“Trách nhiệm của chúng tôi là thấy nguy hiểm cho người dân phải cảnh báo. Còn quyết định di dời dân là do Ban Chỉ huy PCLB của các địa phương”. Ông Tăng cũng cho rằng, việc cảnh báo vùng nguy hiểm của bão là “báo nhầm còn hơn bỏ sót”.

Liên quan đến công tác dự báo, anh Phan Văn Vụ (xóm 1, Nam Thịnh, Tiền Hải, Thái Bình) cho hay: “Chúng tôi nghe đài dự báo là tỉnh Thái Bình chỉ bị ảnh hưởng, chứ không phải bị trực tiếp đổ bộ vào. Mọi năm, ngư dân chúng tôi đậu thuyền tại đây là an toàn. Thế nhưng năm nay, bất ngờ quá, dân trở tay không kịp nên thuyền bị chìm, va đập hỏng hết. Xót xa quá”.

Ông Nguyễn Văn Phúc (xã Nam Thịnh, Tiền Hải) ngao ngán: “Lúc đầu, xem trên tivi, dự báo là bão chỉ ảnh hưởng đến Thái Bình, tâm bão về Thanh Hóa, Ninh Bình, tôi đoán tỉnh mình chỉ bị gió cấp 7, 8. Nhưng đến chiều 28.10, đài mới dự báo là về Thái Bình thì lúc đó người dân trở tay chằng chống sao kịp?”.

Một lãnh đạo của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định cũng bày tỏ bức xúc rằng, chuyện dự báo hướng đi của bão ảnh hưởng rất lớn đến sinh mạng con người, không thể đổ lỗi cho thiếu thốn nhân sự, máy móc lạc hậu để đổ cho việc dự báo không chính xác. Vị lãnh đạo này đề nghị Chính phủ phải có giải pháp khắc phục tình trạng này”…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem