Dự báo lạm phát tăng vọt, nhà đầu tư nên “rót tiền” vào đâu?

Huyền Anh Thứ tư, ngày 17/11/2021 08:02 AM (GMT+7)
Lạm phát tăng “nóng” trên toàn cầu và các lo lắng về lạm phát tăng cao tại Việt Nam là có cơ sở. Theo dự báo của các chuyên gia, dòng tiền đầu tư của người dân, nhà đầu tư sẽ có sự dịch chuyển giữa các kênh đầu tư trong quý cuối cùng của năm 2021 và cả năm 2022.
Bình luận 0

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, bình quân 10 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung là 1,81%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của chỉ số CPI kể từ năm 2016 đến nay. Dự báo lạm phát của năm 2021 sẽ ở mức thấp.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia không thể chủ quan với lạm phát, bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy áp lực về lạm phát năm 2022 rất lớn.

Dự báo lạm phát tăng vọt, nhà đầu tư nên “rót tiền” vào đâu? - Ảnh 1.

Lạm phát dự báo tăng vọt vào năm 2022

Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lạm phát sẽ là một trong những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam.

"Theo dự báo của chúng tôi, giá xăng dầu, giá kim loại và giá lương thực thực phẩm trên thị trường thế giới chưa thể giảm nhanh được, thậm chí giá thế giới có thể tạo một mặt bằng giá mới cao hơn sau đại dịch Covid-19. Do đó, đối với Việt Nam lo ngại về nhập khẩu lạm phát là có thật", ông Thắng nói.

Trong đó, ông Thắng đặc biệt lưu ý ảnh hưởng của giá dầu thế giới tới lạm phát của Việt Nam, bởi mức độ lan tỏa của giá dầu tương đối lớn với tất cả các ngành.

Theo đó, giá dầu tăng sẽ tác động vào lạm phát của nửa đầu năm 2022 của Việt Nam, có thể tiếp tục kéo dài đến hết năm 2022 và trở về mức bình ổn hơn vào năm 2023. Vì vậy, năm 2022 sẽ là thời điểm quan trọng Việt Nam thực hiện kiểm soát lạm phát. Dự báo, giá dầu có thể ảnh hưởng 1 điểm % tới lạm phát của Việt Nam, theo TS Thắng.

Ngoài giá dầu, giá kim loại và giá lương thực thực phẩm có tác động nhưng không quá lớn đến lạm phát của Việt Nam, trong đó, biến động của giá kim loại sẽ ảnh hưởng khoảng 0,2 điểm % tới lạm phát, bởi đó là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp.

Dự báo, lạm phát năm 2021 sẽ dao động từ 2 – 2,5% và năm 2022 có thể tăng vọt lên tới 4%.

Dự báo lạm phát tăng vọt, nhà đầu tư nên “rót tiền” vào đâu? - Ảnh 3.

Ảnh hưởng của giá cả quốc tế. (Ngồn: TS Trần Toàn Thắng)

Tư lệnh ngành ngân hàng Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận trước đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 12/11, chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, áp lực lạm phát rất lớn.

Nguyên nhân, theo bà Hồng đó là do nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.

Hiện tượng lạm phát tăng vọt cũng đang là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới. Như tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái - cao nhất kể từ năm 1990. Tương tự, lạm phát ở Anh cao kỷ lục trong gần một thập kỷ.

"Trú ẩn" vào đâu khi lạm phát tăng?

Lạm phát tăng vọt trên toàn cầu và những dự báo chắc chắn của các nhà phân tích càng làm củng cố tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường về áp lực đối với chỉ tiêu lạm phát của Việt Nam trong năm 2022.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền đầu tư của người dân, nhà đầu tư dường như đang có sự dịch chuyển giữa các kênh đầu tư.

Chia sẻ với PV Dân Việt, giảng viên trường Học Viện Ngân hàng cho biết, lo lắng về lạm phát tăng vọt trong thời gian tới người dân, nhà đầu tư là có cơ sở, xu hướng dòng tiền đầu tư sẽ "ưu ái" hơn vào bất động sản và vàng.

"Bất động và vàng là 2 kênh đầu tư sẽ được người dân, nhà đầu tư ưu ái hơn khi áp lực lạm phát tăng cao, đặc biệt là vàng. Bởi tâm lý của người Việt Nam từ trước đến nay, vàng được xem là một trong những kênh bảo vệ tài sản của nhà đầu tư một cách tốt nhất. 

Biểu hiện gần đây cũng phần nào cho thấy điều đó, khi giá vàng trong nước lần lượt thiết lập các mức cao mới và hiện đang tiến sát mốc 62 triệu đồng/lượng", vị này cho hay.

Dự báo lạm phát tăng vọt, nhà đầu tư nên “rót tiền” vào đâu? - Ảnh 4.

Nhiều người dân "trú ẩn" vào vàng khi lạm phát tăng.

TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) thì lại cho rằng, giá vàng tăng một phần do áp lực lạm phát khiến cho người dân, nhà đầu tư "tạm thời" ưa thích đối với kim loại quý. 

Trong năm 2022, áp lực lạm phát của Việt Nam rất lớn nhưng vẫn sẽ nằm trong mục tiêu kiểm soát của Chính phủ - theo dự báo của ông Độ, vì vậy theo ông Độ người kênh gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

"Áp lực lãi suất lớn buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiết kiệm khi người dân gửi tiền tiết kiệm vừa có mức sinh lời cao, thanh khoản lớn và an toàn. Trong khi đó, các xu hướng đầu tư vào vàng hay bất động sản cũng sẽ không biến động mạnh. 

Với vàng, giá tăng theo tôi chỉ là hiện tượng tạm thời năm 2022 rất có thể lạm phát của các nước trên thế giới sẽ bắt đầu hạ nhiệt, lạm phát trong nước trong tầm kiểm soát, như vậy kênh đầu tư vào vàng cũng không nóng, đồng thời giá vàng có thể sẽ không duy trì được đà tăng. Trong khi đó đầu tư bất động sản chỉ dành cho nhà đầu tư nhiều tiền", ông Độ thông nói với PV Dân Việt.

Còn trong phân tích mới đây của mình, các chuyên gia đến từ công ty Chứng khoán Agriseco, lạm phát tăng chưa chắc làm giảm giá chứng khoán. Thống kê lịch sử cho thấy, tác động của lạm phát tới thị trường chứng khoán không đơn thuần là mối quan hệ nhân quả mà phụ thuộc vào mặt bằng lạm phát đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cũng như triển vọng duy trì mặt bằng lạm phát như thế nào.

Dự báo lạm phát tăng vọt, nhà đầu tư nên “rót tiền” vào đâu? - Ảnh 5.

Tiết kiệm vẫn hấp dẫn người gửi tiền khi lạm phát tăng.

Theo thống kê của Agriseco Research, mức lạm phát dưới 4%/năm là tốt nhất cho thị trường chứng khoán. Cụ thể, kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán tới nay, kinh tế Việt Nam đã trải qua 106 tháng có mức CPI so với cùng kỳ nhỏ hơn 4%, Vn-Index tăng trưởng trung bình tới 2,73%/tháng trong các tháng này, cao vượt trội so với mặt bằng chung.

Cũng theo các chuyên gia, trong trường hợp tăng vượt mục tiêu 4% của Chính Phủ thì tại vùng đệm 4%-8% vẫn là mức thuận lợi cho thị trường chứng khoán, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng.

Dù vậy, sẽ rất nguy hiểm nếu lạm phát vượt quá 10%. Khi lạm phát tăng tốc vọt lên trên vùng 2 chữ số, chứng khoán thường lao dốc rất mạnh và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem