Dự báo mới nhất về giá bất động sản, mối quan tâm đặc biệt đất nền

Trần Kháng Chủ nhật, ngày 28/11/2021 12:49 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tại Hà Nội và TP.HCM giá bất động sản hiện nay tăng gấp 2 lần và không có dấu hiệu giảm.
Bình luận 0

Mất cân đối cung – cầu

Chia sẻ tổng quan về thị trường bất động 2021, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường bất động sản năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhất là quý III/2021. Nguồn cung đã sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để.

Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn. Đồng thời, thị trường cũng xuất hiện lực cầu F0. Trạng thái của thị trường thay đổi nhiều và mạnh, có giai đoạn sốt cao, có giai đoạn trầm lắng.

Giá bất động sản hiện đang tăng và không có dấu hiệu giảm - Ảnh 1.

Nhà đầu tư "săn" đất phân lô ở Thạch Thất (Hà Nội) những tháng cuối năm. Ảnh: Trần Kháng

Đáng chú ý, tình trạng, mất cân đối cung - cầu rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Cụ thể: Về lực cung, tổng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường cả nước đạt 165,742 sản phẩm. Trong đó: Chung cư: 106,804 sản phẩm chiếm 64% tổng sản phẩm; thấp tầng (bao gồm cả đất nền): 58,938 sản phẩm chiếm 36% tổng sản phẩm.

Lực cầu, tổng lượng giao dịch cả nước: 61,766 sản phẩm. Trong đó: Chung cư: 30,190 sản phẩm; thấp tầng (bao gồm cả đất nền): 31,576 sản phẩm. Phản ánh thực trạng về dự án chung cư ở Hà Nội và TP.HCM hiện nay đang dần ít đi.

Giá bất động sản hiện đang tăng và không có dấu hiệu giảm - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. Ảnh: VARS

Lý giải về việc mất cân đối cung – cầu trên thị trường, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến kinh tế bị đình trệ, đứt gãy dẫn đến suy yếu; nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể, liên tục phải dừng mọi hoạt động đầu tư xây dựng bán dự án.

Thị trường cũng chứng kiến tình trạng đứt gãy cung ứng nguyên vật liệu – thiết bị; khó khăn thực hiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian phê duyệt – cấp phép xây dựng; vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến không thể phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án.

"Thực trạng trên dẫn đến, thị trường bất động sản khó cải thiện nguồn cung. Chủ đầu tư dự án bất động sản khó khăn thu hồi vốn đầu tư, nhưng vẫn phải duy trì cho dự án", ông Đính nói.

Giá bất động sản leo thang

Liên quan tới bất động sản tăng giá, tại một hội thảo tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong năm 2021, giá giao dịch bất động sản tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc bất động sản.

Cụ thể, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí "sốt giá" tại một số phân khúc bất động sản. Trong đó, giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM đều tăng khoảng 5-7%; Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8-10%, tại nhiều địa phương Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương… có mức tăng khoảng 15 – 20% so với mức quý IV/2020.

Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và ngoài ra nhiều nơi như Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, theo ông Sinh, sau đó hiện tượng tăng giá đất nền "nóng" cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn.

Giá bất động sản hiện đang tăng và không có dấu hiệu giảm - Ảnh 4.

Giá chung cư tại khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tăng nhanh trong 2 năm gần đây. Ảnh: Trần Kháng

Cũng theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, giá bất động sản nói chung đã leo thang và leo ở mức cao. Đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Và ở TP.HCM giá bất động sản hiện nay tăng gấp 2 lần và không có dấu hiệu giảm.

Dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhìn nhận, khả năng phục hồi nền kinh tế thị trường bất động sản Việt Nam, trong trạng thái bình thường mới đồng thời có sự nỗ lực hệ thống quản lý dịch bệnh, là tươi sáng.

Nguồn cung trên thị trường chưa có nhiều cải thiện. Do thủ tục đầu tư vẫn chưa thể tháo gỡ triệt để vướng mắc, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao.

"Do nguồn cung yếu và áp lực mạnh. Lực cầu vẫn được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn. Đầu tư nên hút vào thị trường này. Đất nền và bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng tiếp tục được các nhà đầu tư quan tâm nhiều; Bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng tốt; Bất động sản bán lẻ sẽ ổn định và xu hướng sẽ tăng trưởng", ông Đính dự báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem