Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 trong bối cảnh lạm phát vẫn cao

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 09/06/2023 17:00 PM (GMT+7)
Theo SSI Research, các biến số vĩ mô đã ổn định hơn nhưng vẫn chưa xuất hiện tín hiệu phục hồi rõ ràng và chu kỳ kinh tế của Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn giảm tốc.
Bình luận 0

Báo cáo chiến lược thị trường của SSI Research vừa công bố, các chuyên gia đưa ra nhận định, với số liệu vĩ mô chưa có sự cải thiện đáng kể trong tháng 4 và tháng 5, có thể thấy nhu cầu yếu vẫn tiếp diễn và gây áp lực lên cả xuất khẩu, tiêu dùng trong nước. 

Sản xuất kém tích cực, tiêu dùng yếu trong bối cảnh lạm phát vẫn cao

Dữ liệu từ SSI Research cho thấy, hoạt động sản xuất và chế biến chế tạo không có sự bứt phá trong tháng 5, và số liệu sản xuất thực tế trong tháng 4 đã được điều chỉnh giảm so với ước tính trước đó. 

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động chế biến chế tạo vẫn suy giảm nhẹ (0,2%). Tương tự, chỉ số PMI cũng có sự đi lùi trong tháng 5, khi chỉ đạt 45,3 điểm, trong đó đơn đặt hàng mới giảm mạnh nhất trong vòng 20 tháng.

Tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo nghiêng về kịch bản kém lạc quan nhất, chỉ 4,5%-5% - Ảnh 1.

Sản xuất 5 tháng đầu năm cũng khá kém tích cực. Ảnh: Quốc Hải

Số liệu về hoạt động thương mại cũng cho thấy kết quả kém khả quan, đặc biệt từ phía nhập khẩu. 

Cụ thể, xuất khẩu tháng 5 ước tính giảm - 5,9% so với cùng kỳ, chủ yếu có thể đến từ mức nền xuất khẩu thấp vào tháng 5 năm ngoái. Tính chung cho 5 tháng đầu năm, xuất khẩu giảm -11,5%, trong đó thủy sản -28,5%, dệt may -17,8%, điện thoại -16% hay điện tử -10%. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản tiếp tục là điểm sáng, với mức tăng trưởng đáng kể từ mặt hàng gạo (+52%) hay hàng rau quả (+32%). 

Tín hiệu kém tích cực hơn đến từ việc nhập khẩu, khi giảm -18,3% so với cùng kỳ trong tháng 5 hay -17,7% trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, chiếm đa số là nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm tới -18,2%, và là yếu tố cho thấy triển vọng tăng trưởng cho xuất khẩu vào quý III – quý cao điểm về hoạt động xuất khẩu là không quá tích cực. 

Tiêu dùng trong nước hạn chế cũng khiến cho nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tiêu dùng, dữ liệu ước tính từ Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,5% so với cùng kỳ trong tháng 5, cho thấy tốc độ tăng trưởng đang giảm dần (tháng 4: 11,7%). Tính chung 5 tháng, doanh thu bán lẻ danh nghĩa và thực tế lần lượt tăng 12,6% và 8,3% so với cùng kì. 

Tuy nhiên, áp lực về lạm phát cũng đè nặng lên tiêu dùng trong nước khi số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng thông thường trước Covid-19. 

Tăng trưởng GDP năm 2023 được dự báo nghiêng về kịch bản kém lạc quan nhất, chỉ 4,5%-5% - Ảnh 2.

Lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam theo tháng (nghìn người)

Trong đó, doanh thu từ nhóm dịch vụ liên quan đến du lịch lữ hành chỉ tăng 2,3% so với tháng trước hay 40,3% so với cùng kỳ (tháng 4 tăng 87%) cho thấy trái với kỳ vọng, doanh thu du lịch từ kỳ nghỉ lễ dài vừa qua có kết quả không quá khả quan và phản ánh sự thắt chặt trong chi tiêu của người dân. 

Số lượng khách quốc tế tới Việt Nam cũng chưa có sự bứt phá trong tháng 5, khi chỉ tăng thêm 916 nghìn người (tháng 4: 986 nghìn người). Nhìn chung, sự hồi phục của khách quốc tế tới Việt Nam là tương đối chậm, một phần do chính sách thị thực vẫn còn khá khó khăn.

Chính phủ hiện đã đề xuất điều chỉnh chính sách thị thực điện tử theo hướng nới lỏng hơn nên kỳ vọng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành du lịch trong nửa cuối năm nay.

Lạm phát tổng thể trong tháng 5 tiếp tục hạ nhiệt, với mức tăng 2,4% so với cùng kỳ (tháng 4: 2.7%) và đã giúp NHNN chủ động giảm tiếp LSĐH lần thứ 3 trong 2 tháng qua. 

Nhân tố giúp hỗ trợ áp lực lạm phát trong tháng 5 đến từ nhóm xăng dầu (giảm 2,98% so với tháng trước). Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng mạnh tới 1,01% do ảnh hưởng từ thời tiết nắng nóng. 

"Tốc độ hạ nhiệt của lạm phát cơ bản chậm hơn nhiều so với lạm phát chung, khi ghi nhận tăng 4,5% so với cùng kỳ. Nhìn chung, mặt bằng lạm phát đã tạm thời ổn định trong thời gian qua và là yếu tố giúp NHNN chủ động hơn trong việc sử dụng các công cụ tiền tệ nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất", chuyên gia SSI Research, đánh giá.

NHNN tích cực "kéo giảm" lãi suất

Trái ngược với xu hướng của các NHTW lớn trên thế giới, NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm, với mức giảm 50 điểm cơ bản ở một số lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hay lãi suất trên kênh OMO. 

Như vậy, đa số lãi suất điều hành đều đã giảm về mức trước Covid (năm 2019) hay thậm chí thấp hơn mức đó, cho thấy động thái khá chủ động của NHNN trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cũng như là tín hiệu cho việc lãi suất thị trường cần phải điều chỉnh thêm từ mức hiện tại để có thể về vùng trước Covid. 

Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường tiếp tục hạ nhiệt ở các kỳ hạn, với mức giảm 50 điểm cơ bản ở cả nhóm NHTMCP Nhà nước và tư nhân cho kỳ hạn dưới 6 tháng và 20-50 điểm cơ bản cho kỳ hạn trên 6 tháng. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất vẫn khá phân hóa giữa các nhóm ngân hàng này cho kỳ hạn trên 6 tháng. 

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện niêm yết ở mức 6,8% cho nhóm NHTMCPNN, 7,2-7,5% cho nhóm NHTMCP lớn và 7,8 – 8,8% cho nhóm NHTMCP còn lại.

Đối với lãi suất cho vay, sức hấp thụ vốn yếu khiến tín dụng chậm lại là nguyên nhân chính khiến các NHTM giảm lãi suất cho vay mới tương đối nhanh đối với những nhóm ngành ít rủi ro. Các số liệu từ phía NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 5 chỉ đạt 3,17% so với cuối năm 2022, tương đương mức tăng gần 10% so với cùng kỳ (so với mức 17% vào cuối tháng 5/2022). 

Trong đó, tăng trưởng chỉ đạt khoảng 35% hạn mức đầu năm đối với các NHTMNN và 50% đối với NHTMCP, cho thấy dư địa cho các NHTM mở rộng tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 còn tương đối nhiều. 

Theo ước tính của chúng tôi, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm – giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.

"Áp lực sẽ tăng dần đối với tiền đồng trong thời gian tới nếu Fed vẫn duy trì quan điểm giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để hạ nhiệt lạm phát", chuyên gia SSI Research dự báo.

Yếu tố tác động tích cực đến nền kinh tế có thể đến từ các biện pháp hỗ trợ bổ sung từ Chính phủ hay doanh thu du lịch tốt hơn ước tính nhờ việc nới lỏng các quy định về thị thực, sẽ giúp tốc độ giảm tốc đối với tăng trưởng kinh tế sẽ phần nào hạn chế và phải đợi sang nửa cuối năm 2023 mới có thể đánh giá được khả năng phục hồi của nền kinh tế.

"Năm 2023, tăng trưởng GDP được dự báo sẽ nghiêng về kịch bản kém lạc quan nhất, chỉ 4,5%-5%", chuyên gia SSI Research, nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem