Dù "bết bát", ngành bất động sản vẫn có mức thưởng Tết cao?

21/01/2020 07:50 GMT+7
Cùng với bất động sản, các ngành khác như điện tử, ngân hàng, dịch vụ tài chính, kế toán có mức thưởng tết cao trong năm 2020.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 1 tháng lương (6,5 triệu đồng/người), tăng khoảng 4% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019.

Trong đó, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước bình quân 6 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh bình quân 6,3 triệu đồng/người; doanh nghiệp FDI bình quân 6,9 triệu đồng/người.

Mức thưởng có sự khác biệt lớn giữa các ngành, nghề. Mức thưởng cao tập trung trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tốt trong năm 2019 như điện tử, ngân hàng, dịch vụ tài chính, kế toán, bất động sản … Các ngành nghề giá trị gia tăng thấp, gia công là chủ yếu, gặp khó khăn thì mức thưởng không cao, có một số doanh nghiệp mức thưởng chỉ khoảng 200.000 đồng/người.

Bên cạnh hình thức thưởng bằng tiền mặt, các doanh nghiệp tùy tình hình sản xuất kinh doanh còn thực hiện thưởng bằng các hình thức khác như: hiện vật, hàng hóa, phiếu mua hàng siêu thị, các chuyến tham quan, du lịch trong và ngoài nước, cổ phiếu hoặc sản phẩm của chính doanh nghiệp sản xuất.... Ngoài ra, vẫn còn có một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn không có thưởng tết cho người lao động.

Năm 2019, tiền lương bình quân chung ước đạt 7,85 triệu đồng/tháng, tăng 7,38% so với năm 2018, trong đó, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước bình quân 10,45 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh bình quân 7 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp FDI bình quân 7,4 triệu đồng/tháng.

Hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện việc chi trả lương cho người lao động theo mức tăng lương tối thiểu vùng theo Nghị định mới. Mức tăng từ 150.000 đồng – 240.000 đồng/tháng, (tương đương từ 5,1 – 5,7%) theo mức tăng của Nghị định số 90/2019/NĐ-CP.

Một số doanh nghiệp tuy điều chỉnh mức lương tối thiểu của doanh nghiệp theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP nhưng số lương thực tế trả cho người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nghị định.

Nhiều doanh nghiệp "rụng", ngành bất động sản lọt tốp có mức thưởng Tết cao - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, nhưng đây vẫn là ngành có mức thưởng Tết cao.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và UBND TP.HCM cho thấy một năm buồn của thị trường bất động sản. Cụ thể, cả năm 2019 tại TP.HCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 92% so với năm 2018. Toàn thành phố chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 85%; chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với năm 2018.

Theo HoREA, đây là năm thứ hai thị trường bất động sản và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn. Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh. Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối bất động sản gặp khó vì không có sản phẩm để bán.

Theo tìm hiểu, có công ty phải cho nhân viên nghỉ Tết cách đây cả tuần vì không có hàng bán, doanh thu sụt giảm và không có tiền để thưởng Tết nên đành cho nhân viên nghỉ Tết sớm.

Báo cáo của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy những con số đáng lưu ý của ngành bất động sản năm 2019.

Theo đó, kết thúc năm 2019, có 89.282 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 20,2% so với năm 2018).

Trong đó, có 14 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%.

Không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đăng ký tạm ngừng hoạt động, lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể cũng chiếm vị trí đầu bảng.

Cụ thể, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2019 là 16.840 doanh nghiệp, tăng 3,2% so với năm 2018. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản có tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất với 686 doanh nghiệp, tăng 39,4%.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam đồng thời cũng là chủ một công ty bất động sản cũng chia sẻ: "Năm nay chắc chắn khó có chuyện thưởng xe, thưởng nhà... Có nhiều doanh nghiệp đến quý 4 còn phải dừng hoạt động, nhất là đơn vị môi giới vì không có nguồn hàng. Đây là một năm không tốt với doanh nghiệp bất động sản, nhất là đơn vị môi giới".

Minh Khôi
Cùng chuyên mục