Dù kê - “Viên ngọc quý” của văn hóa Khmer

Thứ năm, ngày 01/05/2014 07:24 AM (GMT+7)
Nghệ thuật dù kê do cộng đồng người dân tộc Khmer Nam Bộ sáng tạo nên từ những năm đầu của thế kỷ XX và trở thành một “viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bình luận 0
Loại hình nghệ thuật độc đáo

Dù kê là loại hình ca kịch dân gian trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó như rô băm, dì kê... và ảnh hưởng lớn bởi sự giao thoa văn hóa giữa người Khmer Nam Bộ với người Việt, người Hoa. Các vở diễn dù kê có cốt truyện rõ ràng được kết cấu theo chương hồi, có nền nhạc, lời hát, đối thoại và các hình thái diễn xuất dân gian như múa, xiếc... Khi diễn, diễn viên vừa hát vừa biểu thị động tác tay chân nhịp nhàng, uyển chuyển mang tính mô phỏng dễ hiểu.

Đặc biệt, ở cảnh giao đấu, người diễn dùng võ thuật tạo cảnh tượng rất sinh động, kết hợp với xiếc đu, bay. Lời ca trong mỗi vở dù kê thường là các lời thơ mang tính xúc cảm cao, nội dung đều đề cao đạo lý làm người, hướng thiện, ca ngợi điều tốt đẹp, lên án cái xấu…

Một vở diễn dù kê của người Khmer ở Sóc Trăng.
Một vở diễn dù kê của người Khmer ở Sóc Trăng.

Ông Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho rằng, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về sự ra đời của dù kê. Một số học giả khẳng định sân khấu dù kê ra đời ở Trà Vinh do nghệ nhân dân gian tên là Sơn Kưu sáng lập vào năm 1921, một số khác quả quyết nghệ nhân Lý Kọn - người Khmer tỉnh Sóc Trăng và còn nhiều giả thuyết khác... Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tinh thần yêu cái đẹp của đồng bào Khmer, là sản phẩm của vùng đất Nam Bộ với những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật mang tính địa phương, vùng miền rõ rệt.

Với giá trị độc đáo trên, Bộ Văn hóa – Thông tin trước đây (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch-VHTTDL) đã công nhận nghệ thuật dù kê là một trong những loại hình sân khấu chuyên nghiệp ở Việt Nam. Mới đây, Bộ VHTTDL cũng đã đưa nghệ thuật dù kê vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận giai đoạn 2012 -2016.

Hiện nay, dù kê tồn tại dưới 2 hình thức là nhóm, câu lạc bộ ở các ấp, xã sinh hoạt lúc nhàn rỗi và hoạt động có tổ chức tại các đoàn nghệ thuật cấp tỉnh và ở một số địa phương, các đội dù kê không chuyên cũng được hình thành để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân.

Cần sự đầu tư…

Là một trong những nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu, nên dù kê luôn có mặt trong các hoạt động lễ hội và sinh hoạt của người Khmer, góp phần giáo dục người dân về lòng nhân ái vị tha, tình yêu quê hương đất nước đậm đà, sâu lắng; đồng thời hướng con người đến ý thức đấu tranh chống lại những bất công của xã hội, đem lại cuộc sống yên bình. Trong đó điển hình là các vở “Nghĩa tình trong giông tố”, “Chùa Bâng Ray”, “Giữ đền Vê hia”, “Mối tình Bô Pha –Rạng Xây”…

"Bên cạnh sự đầu tư của địa phương cùng với sự phát huy nội lực của chính đồng bào Khmer, nhất thiết cần có sự đầu tư với quy mô lớn từ phía Bộ VHTTDL và cần xem xét thành lập Trường Nghệ thuật dân tộc Khmer Nam Bộ nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ, diễn viên, nhạc công... đạt chất lượng cao”.
Ông Nguyễn Đại Đức

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay nghệ thuật dù kê đang gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Đại Đức - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh cho biết: “Hiện nay, ĐBSCL chưa có trường nghệ thuật Khmer nên công tác đào tạo diễn viên dù kê còn gặp nhiều khó khăn. Sự đầu tư của Nhà nước cũng còn hạn chế, chưa đủ sức thúc đẩy cho các đoàn nghệ thuật dù kê phát triển ngang tầm với sự phát triển chung của xã hội. Vì vậy, chất lượng và số lượng kịch bản, khả năng thể hiện của diễn viên dù kê chưa đáp ứng thị hiếu của khán giả hiện nay, doanh thu của các đoàn còn thấp, không đủ trang trải chi phí biểu diễn.

Ông Võ Thành Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng hệ thống chính trị (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) nhận định: “Những năm gần đây, một số đội, câu lạc bộ dù kê có quy mô nhỏ bị mai một, tan rã. Nguyên nhân là do họ thiếu kịch bản nói về cuộc sống đương đại, không có kinh phí và thiếu phương tiện âm thanh, nhạc cụ hoạt động. Còn đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp thì cả vùng Tây Nam Bộ chỉ còn có 3 đoàn ở 3 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang, nhưng hoạt động cũng khá vất vả do thiếu người, đặc biệt là người trẻ”.

Trước thực trạng trên, bản thân các đoàn nghệ thuật dù kê phải tập trung cải tiến về kịch bản và hình thức biểu diễn sao cho hấp dẫn. Về lâu dài, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục giới trẻ hiểu và trân trọng nghệ thuật dân tộc, trong đó có dù kê. Loại hình sân khấu này cần đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học và cần có sự đầu tư trong việc sưu tầm, nghiên cứu chuyên sâu…

Huỳnh Xây (Huỳnh Xây)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem