"Dụ" khách thuê, mua nhà giá rẻ rồi lừa cả trăm triệu đồng tiền cọc

Hồng Hương Thứ ba, ngày 15/09/2020 13:26 PM (GMT+7)
Đi thuê nhà, rồi làm giả các loại giấy tờ sau đó đăng thông tin cho thuê nhà, thậm chí là bán nhà. Sau khi nhận đặt cọc từ khách hàng, “chủ nhà” liền cắt đứt liên lạc.
Bình luận 0

Với thủ đoạn trên, nhiều kẻ gian đã lừa đảo và chiếm đoạt tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng của nhiều người trong cùng thời điểm.

img

Bằng thủ đoạn tinh vi, nhiều người mất hàng chục triệu tiền đặt cọc từ kẻ gian tự xưng là "chủ nhà" 

Mới đây, chị Ngô Thị L. (Hà Đông, Hà Nội), cho biết thông qua một trang mạng chuyên cung cấp thông tin cho thuê nhà, chị có trao đổi và hẹn một người tên Luyến đăng thông tin cho thuê căn hộ trên địa bàn quận Hà Đông (chính chủ). Sau khi xem nhà, giấy tờ cơ bản đều đầy đủ, chị L. đã thanh toán trước 4 tháng tiền nhà với số tiền 40 triệu đồng và được hẹn ngày bàn giao nhà. Tuy nhiên, ngày hôm sau khi chị L. đến nhận nhà thì cửa đóng then cài. Liên lạc với “chủ nhà”, người cho thuê bỗng nhiên cắt đứt liên lạc.

“Ngày hôm sau đến nhận nhà tôi đồng thời gặp mấy người khác cũng trong cảnh như tôi, trong đó có cả người nước ngoài. Tất cả trong số họ cho biết cũng đã đặt cọc nhà, sau đó không liên lạc được với chủ nhà. Tổng số tiền lừa đảo ước tính tới hơn 100 triệu đồng” – chị L. cho hay.

Trước đó, tháng 2/2020, chị Lê T.H.N (Đà Nẵng) đã đến Công an trình báo về việc bị một cô gái tự xưng tên Nguyễn Thị Huyền Trang (chưa rõ lai lịch) lừa chiếm đoạt tiền cọc thuê nhà.

Được biết, thông qua trang mạng xã hội, Trang đăng tải thông tin có dư căn nhà tại quận Cẩm Lệ cần cho thuê.

Chị N. có nhu cầu thuê nhà nên đã đặt cọc 2 lần, tổng cộng 29,5 triệu đồng theo yêu cầu của Trang. Nhưng khi N. dọn đồ vào thì Trang cắt đứt liên lạc. Sau đó chị N. phát hiện Trang cũng không phải chủ nhà.

Theo tìm hiểu, kẻ lừa đảo có thể là người thuê nhà, tới lúc gần hết hạn hợp đồng thì đăng thông tin cho thuê nhà với mức giá rẻ hơn giá thị trường, rồi tự xưng là chủ. Nếu "con mồi" thích ngôi nhà, chủ nhà dỏm sẽ yêu cầu đặt cọc giữ chỗ. Khi nhận được tiền, kẻ này cắt liên lạc và rời đi.

Nếu đóng tiền dài hạn người thuê nhà tiếp tục được giảm giá. Vì ham lợi, nhiều người thuê nhà đã xuống tiền cả năm. Tuy vậy, cùng một căn hộ, nhưng cho nhiều người cùng thuê và hẹn vào cùng một ngày nhận nhà. Không chỉ người thuê mà nhiều công ty dịch vụ chuyên cho thuê nhà cũng trở thành nạn nhân. 

Đại diện cho một công ty cho thuê nhà, chị Phương cho biết các đối tượng này đã tìm tới và gửi thông tin hộ cho thuê. Với giá cả thuê hợp lý và gần trung tâm, khách hàng khi ký hợp đồng cũng không yêu cầu xuất trình giấy tờ pháp lý của căn hộ, việc các đối tượng có chìa khoá vào căn hộ cũng dễ lấy được lòng tin của nhiều người. 

Không dừng lại ở việc giả danh chủ nhà rồi cho thuê lại, một số đối tượng còn thuê lại căn hộ và làm giả toàn bộ giấy tờ, sổ đỏ để bán cho nhiều người. Các đối tượng làm sổ đỏ giả để lừa người mua nhà. 

img

Đối tượng Lê Mai Hương làm giả giấy tờ để đăng thông tin bán nhà, lừa đảo hàng tỷ đồng

Theo thông tin Công an thành phố Hà Nội cung cấp ngày 29/8, Lê Mai Hương (SN 1992, trú tại đường Nguyễn Ngọc Vũ, tổ 7, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) chỉ là khách thuê căn hộ. Song với thủ đoạn tinh vi, đối tượng đã liên kết với một số đối tượng thực hiện hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để bán nhà, nhận chuyển đổi tiền đặt cọc mua nhà, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người bị hại.

Đại diện Phòng cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố Hà Nội lưu ý, một trong những điểm để nhận biết loại đối tượng này là đăng tải thông tin không rõ ràng, giấy tờ không đầy đủ, đặc biệt là căn hộ có giá cho thuê rẻ bất thường so với giá thị trường.

Cũng theo Phòng cảnh sát Kinh tế - Công an thành phố Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã phát hiện và bắt giữ gần chục vụ lừa đảo dạng trên. Cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra những đối tượng làm giả giấy tờ tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo.

Theo chị Đào Thị Phương – nhân viên văn phòng môi giới nhà đất (quận Cầu Giấy), thông thường chủ nhà yêu cầu khoản tiền cọc (1-2 tháng tiền nhà) để đảm bảo bù đắp các thiệt hại có thể xảy ra với tài sản. Nếu chủ nhà yêu cầu số tiền cọc quá cao, bạn nên thận trọng bởi kẻ lừa đảo có thể đang cố gắng kiếm càng nhiều tiền càng tốt trước khi chúng biến mất.

Ngược lại, nếu biết bạn có ngân sách eo hẹp, kẻ lừa đảo có thể chỉ yêu cầu một khoản tiền cọc thấp để làm mồi nhử. Nếu nhẹ dạ, bạn sẽ rơi vào bẫy và khó có thể đòi lại tiền.

Để tránh bẫy lừa đảo, theo chị Phương người thuê nhà chỉ nên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Chủ nhà nào chỉ khăng khăng nhận tiền mặt (vì cách thanh toán này sẽ không để lại dấu vết) nhiều khả năng là kẻ lừa đảo. Vì vậy bạn luôn nhớ không dùng cách thanh toán tiền mặt khi đặt cọc cũng như trả tiền thuê hàng tháng.

Trước khi chuyển tiền, người thuê nhà cần đi xem nơi định thuê, gặp chủ nhà và nếu yêu cầu này không được đối tác đáp ứng, bạn có thể bỏ qua căn nhà đó. Hơn nữa, khi đến tận nơi, bạn có thể đánh giá căn nhà có giống với hình ảnh quảng cáo trước đó hay không.

Người thuê nhà cần thực hiện giao dịch bằng văn bản để tránh tranh chấp sau này. Trước khi ký hợp đồng thuê nhà, bạn nên yêu cầu các tài liệu chứng minh rằng đang giao dịch với bên cho thuê hợp pháp. Trường hợp bên cho thuê là người được ủy quyền cũng cần có các tài liệu chứng minh.

Ngoài ra, một trong những cách để kiểm tra xem chủ nhà có phải là người đáng tin cậy hay không, bạn có thể làm quen với hàng xóm, liên hệ người đang thuê hoặc người từng thuê gần nhất… để tìm hiểu thêm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem