Du lịch, lữ hành thoi thóp, ngóng khách quốc tế

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 25/10/2020 10:01 AM (GMT+7)
Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành chuyên đưa khách nước ngoài vào Việt Nam gần như đang thoi thóp vì không có khách từ tháng 3 đến nay. Họ đang kỳ vọng sớm có các tiêu chuẩn an toàn để các chuyến bay mau chóng được nối lại.
Bình luận 0

Lữ hành thoi thóp

Trong khi các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đang cầm chừng phục vụ thị trường nội địa do chưa thể đón khách nước ngoài thì không ít doanh nghiệp từ trước đến nay chỉ tập trung vào mảng inbound (đưa khách nước ngoài vào Việt Nam) gần như đang thoi thóp.

Bà Hoàng Thị Phong Thu - lãnh đạo Công ty Pegas Touristik, chuyên đón khách Nga vào du lịch tại Việt Nam nói với phóng viên Dân Việt, kể từ tháng 3, khi Covid-19 bùng phát, Việt Nam tạm dừng đón khách quốc tế, cũng là lúc tình hình kinh doanh công ty của bà gần như "rơi tự do". Từ đây đến cuối năm, bà Thu cho rằng khó có thể khả quan hơn, bởi chưa có tín hiệu khôi phục các đường bay đón khách nước ngoài.

Du lịch, lữ hành thoi thóp, ngóng khách quốc tế - Ảnh 1.

Việt Nam chưa mở cửa đón khách quốc tế quay trở lại. Ảnh: Hồng Phúc.

"Chúng tôi bán tour tại Nga, có hàng trăm đại lý, đồng thời, phối hợp với các hãng hàng không Nga đưa khách đến du lịch Việt Nam hàng năm. Thời gian qua, hàng không đóng băng, lữ hàng không hoạt động, nhưng chúng tôi vẫn phải trả phí, thêm phí ô tô, bến bãi tại các tỉnh có điểm du lịch đã hợp đồng trước đó", bà Thu nói.

Lãnh đạo Pegas Touristik cho biết thêm nếu như trước đây, mùa thấp điểm, khách Nga không nhiều nhưng vài năm nay vẫn đón khách tốt. Dịp cao điểm, mỗi ngày có vài chuyến và đều kín ghế. Bà cũng nhấn mạnh, chi tiêu của khách Nga tốt hơn so với khách tại một số thị trường khác. 

Bà Thu ngậm ngùi nói nếu như hàng năm, đây là thời điểm đón khách Nga nhộn nhịp nhất bởi họ đi trú đông thì năm nay lại phải chịu trận.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Images Travel, doanh nghiệp chuyên đón khách du lịch châu Âu vào Việt Nam cũng cho biết từ đầu năm đến nay là thời điểm hết sức khó khăn. Khi thấy mảng inbound bất động, một số doanh nghiệp linh hoạt, thích nghi làm nội địa. Tuy nhiên, nếu so với mảng chính trước đây, việc kinh doanh cũng chỉ đang cầm chừng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 9, Việt Nam chỉ đón 13.800 khách quốc tế, giảm hơn 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế giảm hơn 70%, do tác động của Covid-19. Tình hình ảm đạm đã đẩy doanh nghiệp du lịch vào thế khó khăn nhất từ trước đến nay.

Cần sớm có tiêu chuẩn mở lại thị trường

Liên quan việc đón khách du lịch quốc tế, mới đây, hôm 21/10, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế ở thời điểm này. 

Thủ tướng giao các Bộ Ngoại giao, Y tế, Giao thông Vận tải phối hợp có quy trình rõ ràng, thống nhất, thuận lợi trong việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế, báo cáo các Phó Thủ tướng xem xét, quyết định.

Du lịch, lữ hành thoi thóp, ngóng khách quốc tế - Ảnh 2.

Trong thời gian này, các doanh nghiệp du lịch lữ hành đang đẩy mạnh đón khách nội địa. Ảnh: Hồng Phúc.

Trước khó khăn, các doanh nghiệp hy vọng đường bay đón khách quốc tế sớm được nối lại, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang nổi lên là một trong những điểm đến an toàn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

Bà Hoàng Thị Phong Thu cho rằng cần sớm đẩy nhanh bộ tiêu chí du lịch an toàn này. Theo bà, thời gian qua, cơ quan chức năng nhắc nhiều đến bộ tiêu chí này nhưng cần thiết phải nhanh hơn nữa để "giải cứu" doanh nghiệp.

"Có thể chúng ta chấp nhận Covid-19 vẫn đang tồn tại ở đâu đó nhưng chúng ta không thể đầu hàng, phải tiến về phía trước. Nếu càng đứng im, chúng ta càng tê liệt vì tình hình khó khăn đã kéo dài gần một năm nay", bà Thu nói. 

Giám đốc Images Travel - ông Nguyễn Ngọc Toản, đặt vấn đề ngoài việc có tiêu chuẩn về du lịch an toàn thì cơ quan chức năng cũng phải sớm tính đến phương án an toàn tâm lý cho du khách. Ông nêu quan điểm, test Covid-19 có thể có du khách dương tính vẫn lọt qua được các vòng kiểm soát, nhưng không thể để họ bị đối xử như tội phạm, tấn công, kỳ thị. Điều này sẽ tạo tâm lý không tốt cho du khách. Do đó, ông cho rằng bộ tiêu chuẩn cũng an toàn cũng phải lưu ý.

Tham gia góp ý tại một hội thảo về du lịch an toàn vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting - một đơn vị nghiên cứu về thị trường du lịch, gợi ý về bộ tiêu chí du lịch an toàn với 4 mục tiêu cốt lõi, đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới trong tình hình mới hiện nay. 

Thứ nhất là hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp và nhân lực trong ngành du lịch triển khai thuận lợi các quy định, quy chế về phòng chống dịch. Thứ hai, bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Thứ ba, tạo sự tin tưởng cho du khách. Cuối cùng, theo ông, cần chủ động giúp du khách tiếp cận những trải nghiệm mới khi đi du lịch tại điểm đến mới.

"Bộ tiêu chí này cần có những đặc tính cơ bản bao gồm nâng cao sự tự tin cho du khách, doanh nghiệp và nguồn nhân lực trong ngành du lịch. Tiếp đó là kết quả của sự hợp tác liên ngành, thống nhất ở cấp độ quốc gia, được thể hiện dưới hình thức chứng nhận (nhãn). Ngoài ra, tiêu chuẩn quy trình áp dụng được thiết kế riêng cho từng loại hình dịch vụ, đảm bảo tính thống nhất cho mọi đối tượng khác nhau", ông Phước đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem