Gỡ "nút thắt" giá vé máy bay để thu hút người Việt đi du lịch Việt

Huy Hoàng Thứ bảy, ngày 06/05/2023 07:34 AM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia du lịch lo ngại, nếu giá vé máy bay tăng quá cao vào mùa cao điểm - hè 2023, khách hàng có thể sẽ "quay lưng", đổi lịch trình, điểm đến. Điều này ảnh hưởng đến sự "sống còn" của nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn tại địa phương.
Bình luận 0

Giá vé máy bay tăng cao: E ngại điểm đến "vườn không, nhà trống"

Mới đây, theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Giỗ tổ Hùng Vương, một trong những nguyên nhân là ảnh hưởng từ giá vé máy bay tăng cao nên lượng khách thị trường nội địa được nhận định không đạt như kỳ vọng, đặc biệt một số đường bay vắng khách. Cụ thể, đường bay xuất phát từ Hà Nội vào ngày 28/4 đi các điểm du lịch như Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, tỷ lệ đặt chỗ chỉ dao động từ 65% đến 77%.

Nhiều địa phương lượt khách đã giảm so với cùng kỳ năm trước, tỉnh Kiên Giang trong 5 ngày nghỉ lễ phục vụ khoảng 264.938 lượt khách (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng trung bình đạt 54%. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng (giảm 24,3% so với cùng kỳ).

Hay như Đà Nẵng, một trong thành phố du lịch biển được kỳ vọng sẽ thu hút lượng "khủng" du khách, thế nhưng năm nay cũng bị ảnh hưởng bởi giá vé máy bay nên chỉ số tăng cũng chỉ đạt 26,6% so với năm 2022. Phục vụ khoảng 321.623 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 34.800 lượt khách quốc tế, công suất phòng trung bình đạt 70-75%...

Nhìn vào các con số thống kê này, người làm du lịch cảm thấy chán nản, đặc biệt với một số nhà hàng, khách sạn đã tính đường sang tên, chuyển nhượng. Còn với nhiều du khách nội địa thì e ngại, liệu rằng du lịch mùa cao điểm tới vé máy bay đã hạ nhiệt hay vẫn giá "trên trời"?

Du lịch mùa cao điểm – Hè 2023, giá vé máy bay “trên trời”, liệu khách hàng có “quay lưng”? - Ảnh 2.

Các bạn nhỏ hào hứng vui chơi tại Công tại Công viên Thủ lệ, ngày 2/5.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Kiều Xuân, trú tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, khoảng tuần cuối của tháng 3, gia đình bà định đặt vé đi Phú Quốc. Tuy nhiên nhìn giá vé máy bay hơn 8 triệu đồng/người, bà đã rất hoảng hốt, không ngờ giá vé cao như vậy.

"Tôi hỏi mua giá vé ở đại lý cấp 1 cho kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 nhưng vé khứ hồi đã là hơn 8 triệu đồng/người. Nhà tôi 4 người lớn, 2 trẻ em, riêng vé người lớn đã hơn 30 triệu đồng, chưa tính hai trẻ con và còn ăn, ở, đi lại tại Phú Quốc. Vì vậy, tôi đã quyết định không đi Phú Quốc. Hè năm nay, trẻ con nhà tôi vẫn muốn đi tắm biển Phú Quốc hoặc Nha Trang, nhưng tôi sẽ "nghe ngóng" xem vé thế nào. Nếu giá vé cao như kỳ nghỉ lễ, tôi sẽ không đi nữa", bà Kiều Xuân cho hay.

Anh Hoàng Thanh, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, anh vừa khảo sát vé trên hệ thống của các hãng hàng không thì thấy giá vé thời điểm tháng 5 khá bình ổn. Tuy nhiên anh cũng sẽ xem xét giá vé của tháng 6 rồi mới quyết định có nên mua vé đi du lịch hay không.

Du lịch mùa cao điểm – Hè 2023, giá vé máy bay “trên trời”, liệu khách hàng có “quay lưng”? - Ảnh 3.

Côn Đảo, một trong những điểm đến được nhiều du khách nội địa yêu thích đi du lịch.

Theo khảo sát của Dân Việt trên trang web bán vé của các hãng hàng không Việt Nam vào tháng 6, những ngày cuối tuần giá khá cao. Cụ thể trên web của hãng hàng không Vietnam Airlines, chặng bay Nội Bài (Hà Nội) – Cam Ranh (Nha Trang), vé một chiều, ngày khởi hành 9/6, giờ bay 7h5 giá vé là 3,581,000 đồng; khung giờ 12h15p thì giá vé là 3,702,000 đồng; chặng Nội Bài (Hà Nội) – Phú Quốc (Kiên Giang), vé một chiều, ngày khởi hành 15/6, giờ bay 7h35p, giá vé là 3,055,000 đồng. Vào khung giờ đẹp (9h35), giá tăng lên hơn 600,000 đồng (3,616,000 đồng).

Chặng bay Nội Bài (Hà Nội) – Đà Nẵng giá vé cũng đã nhích lên từ 600,000 đồng lên hơn 2 triệu đồng, cụ thể khởi hành ngày 1/6 khung giờ bay sớm 5h25 giá là 1,812,000 đồng; khung giờ 8h5 giá vé là 2,481,000 đồng. Tất cả giá vé được bán trên hệ thống của hãng hàng không này đã bao gồm thuế, phí.

Với Bamboo, chặng bay Nội Bài (Hà Nội) – Cam Ranh (Nha Trang) khởi hành ngày 2/6, khung giờ 8h35, giá vé là 2,641,000 đồng (đã bao gồm thuế, phí).

Hãng hàng không Vietjet vẫn luôn được đánh giá có giá mềm nhất trong ba hãng hàng không thì ở chặng bay Nội Bài (Hà Nội) – Cam Ranh (Nha Trang) ngày bay 2/6, khởi hành 13h50 giá là 1,680,300 đồng (đã bao gồm thuế, phí), khung giờ 10h30 giá là 2,368,900 đồng (đã bao gồm thuế, phí).

Chia sẻ với Dân Việt về giá vé máy bay vào mùa cao điểm, ông Võ Quang Hoàng – Chủ tịch Hội khách sạn Khánh Hòa (Nha Trang) nói: "Tôi không hiểu lý do nào khiến giá vé máy bay cao trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và đến ngày 28/4, sau khi nhiều bài báo đăng tải giá vé quá cao, các hãng hàng không mới giảm giá, lúc đó sát ngày nghỉ lễ nên khách hàng thường đã có kế hoạch, nên việc giảm giá không có tác dụng nhiều. Không hiểu động tác giảm giá vé cận ngày lễ đó là có ý đồ gì, hay các hãng hàng không có kế hoạch gì, trong khi vé máy bay đóng một vai trò rất lớn trong phát triển du lịch".

Theo ông Võ Quang Hoàng, nếu giá vé máy tiếp tục tăng cao vào mùa hè tới, du lịch Khánh Hòa, với số lượng phòng, khách sạn lớn như vậy, câu chuyện "vườn không, nhà trống" chắc chắn sẽ diễn ra, hơn nữa, trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế chưa thực sự khởi sắc.

"Vừa qua, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 các doanh nghiệp du lịch, khách sạn ở Nha Trang chưa kịp ổn định tinh thần sau khi giá vé máy bay tăng quá cao, giờ đây, nếu giá vé máy bay mùa hè này tiếp tục với giá ở "trên trời", họ sẽ không biết làm cách nào để xoay xở và vượt qua.

Liệu rằng, mùa cao điểm này du lịch nội địa thu hút được khách nội địa hay không? Hay khách Việt lại đổ xô đi du lịch nước ngoài như kỳ nghỉ lễ vừa xong?", ông Võ Quang Hoàng cho hay.

Du lịch mùa cao điểm – Hè 2023, giá vé máy bay “trên trời”, liệu khách hàng có “quay lưng”? - Ảnh 5.

Đền Tháp Bà Ponagar, Nha Trang.

Phân tích giá vé máy bay tăng "trên trời", ảnh hưởng tới ngành du lịch, khách sạn, các dịch vụ, ông Võ Quang Hoàng, cho biết: "Nếu khách hàng lên kế hoạch, đặt trước thì chất lượng dịch vụ, giá tại các điểm đến đó sẽ được chuẩn bị tốt hơn, sẽ không có nạn "chặt chém".

Còn nếu giá vé máy bay tăng cao, khách hàng phải thay đổi lịch trình, chọn một địa điểm mà họ không đặt trước, sẽ thiếu đi sự chuẩn bị, chất lượng dịch vụ sẽ không tốt. Bên cạnh đó, lượng khách đổ về đông, cung không đủ đáp ứng cầu dẫn tới khách hàng sẽ phải hứng chịu rủi ro, có thể là chất lượng dịch vụ kém, giá thành đắt, chặt chém và đây là điều các doanh nghiệp du lịch tử tế không mong muốn".

Nói về giải pháp nào để bình ổn được giá vé các hãng hàng không, đáp ứng được nhu cầu của đôi ba bên là các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch và khách hàng, theo ông Võ Quang Hoàng, chỉ có thể là điều tiết lại giá vé máy bay sao cho hợp lý.

"Nếu tháo gỡ được "nút thắt" về giá vé máy bay, các công ty lữ hành và các doanh nghiệp du lịch tại các điểm đến sẽ xây dựng được các gói sản phẩm hấp dẫn hơn để khách nội địa đi du lịch nội địa thay vì đi du lịch Thái Lan, Singapore…

Tôi mong là cơ quan chức năng, Cục hàng không, các hãng hàng không hỗ trợ du lịch. Bởi hỗ trợ du lịch là hỗ trợ cả một ngành kinh tế địa phương. Du lịch kéo theo kinh tế, kéo theo hoạt động của các dịch vụ, nhà hàng, vui chơi giải trí…", ông Võ Quang Hoàng nói.

Gỡ "nút thắt" giá vé máy bay để thu hút người Việt đi du lịch Việt

Du lịch mùa cao điểm – Hè 2023, giá vé máy bay “trên trời”, liệu khách hàng có “quay lưng”? - Ảnh 6.

Một trong những bãi biển đẹp của Quy Nhơn.

Đồng quan điểm về giải pháp điều tiết vé máy bay, ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice Travel cho Dân Việt biết: "Để đẩy mạnh thị trường nội địa, người Việt đi du lịch Việt, cách điều chỉnh giá vé máy bay, giảm giá vé là giải pháp tốt nhất. Đồng thời cũng là cách để thu hút được lượng khách quốc tế đến với Việt Nam".

Nhận định về thị trường nội địa cho du lịch mùa cao điểm - hè 2023, ông Bùi Thanh Tú cho biết: "Tại thời điểm này (tháng 5) giá vé máy bay vẫn đang ở mức giống như năm 2022. Tuy nhiên giá vé máy bay cũng khó biết trước, có thể tăng hoặc giảm sâu giống như kỳ nghỉ lễ vừa rồi. Theo tôi, thị trường nội địa năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn năm ngoái, bởi sẽ bị cạnh tranh với outbound (người Việt đi du lịch nước ngoài), cạnh tranh giữa các địa phương đi bằng đường hàng không và địa phương chỉ cần di chuyển bằng đường bộ.

Cụ thể nhìn bức tranh trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, những điểm đến không phải di chuyển bằng đường hàng không như Hạ Long (Quảng Ninh); Cửa Lò (Nghệ An); Cát Bà (Hải Phòng); Lạng Sơn; Hà Giang; Mộc Châu; Thanh Hóa, Ninh Bình, phía trong Nam có Phan Thiết, Đà Lạt… mà di chuyển bằng ô tô thuận tiện, đường cao tốc đẹp, thời gian đi nhanh đã thu hút rất đông lượng khách nội địa. Thế nhưng với điểm đến như Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), dù tần suất các chuyến bay nhiều hơn, giờ đẹp nhiều hơn thì vẫn rất vắng khách, tỷ lệ lấp phòng chỉ đạt từ 30% hơn 70%".

Theo ông Bùi Thanh Tú, để bình ổn giá tour cho mùa cao điểm năm nay, không bị động trước giá vé máy bay lên xuống thất thường, đơn vị lữ hành đã book vé máy bay, xây dựng tour trước đó một năm. Vì vậy dù sát kỳ nghỉ hè, nếu không may có biến động của giá xăng, dầu tăng, giá vé máy bay tăng, tour trọn gói của đơn vị lữ hành vẫn không thay đổi. Tuy nhiên theo ông Tú, việc lấy trước vé máy bay cả năm cũng khiến đơn vị sẽ gặp những rủi ro.

Du lịch mùa cao điểm – Hè 2023, giá vé máy bay “trên trời”, liệu khách hàng có “quay lưng”? - Ảnh 7.

Phố cổ Hội An những ngày vắng khách.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem