Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Quản lý nhà ở xã hội không tốt sẽ dẫn đến tham nhũng

Thái Nguyễn Thứ ba, ngày 29/11/2022 11:59 AM (GMT+7)
Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là rất cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật. Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, cần giải quyết vướng mắc từ thủ tục hành chính, tránh rườm rà, tăng thêm chi phút để thu hút được các nhà đầu tư.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014 như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư…

Các luật này đã được sửa đổi, bổ sung dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Nhà ở năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật là rất cần thiết.

Mặt khác, các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai, đặc biệt là những chính sách lớn như vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian qua, việc phát triển các dự án nhà ở vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhất là việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia... Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này còn rườm rà, gây phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến quá trình phát triển các dự án nhà ở.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Quản lý nhà ở xã hội không tốt sẽ dẫn đến tham nhũng - Ảnh 1.

Sửa Luật Nhà ở để tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính dự án nhà ở (Ảnh: TN)

Về vấn đề nhà ở xã hội, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nhà ở xã hội là vấn đề khó, nhất là khi giá nhà ở thương mại quá cao như hiện nay.

"Mọi ưu đãi của Chính phủ đều mang lại lợi ích rất lớn. Quản lý nhà ở xã hội không tốt sẽ dẫn đến những hình thức tham nhũng khác nhau mà mục tiêu chính không đạt được", GS Võ nhấn mạnh.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ còn kiến nghị, các thủ tục quản lý đối với khu vực các dự án nhà ở xã hội cần đi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư. Nói cách khác, cần quy định ngay trong luật các thủ tục hành chính đơn giản đối với các dự án nhà ở xã hội. Cần thảo luận với Bộ Tài chính để miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, GS. TSKH Đặng Hùng Võ cũng cho rằng ngay từ đầu (Luật Nhà ở 2005) đã không quy định đối với trường hợp người dân vùng nông thôn tách hộ mà thường xếp họ thuộc phạm vi được hưởng các chương trình mục tiêu về nhà ở tại nông thôn.

Các chương trình này chỉ là một cơ chế để thực thi luật pháp, vì vậy trong luật phải quy định về nhà ở xã hội cho khu vực nông thôn, thậm chí vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Do đó, GS. TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, cần bổ sung mục nhà ở xã hội vùng nông thôn vào chương nhà ở xã hội, trong đó quy định về chính sách giải quyết đất ở, nhà ở cho các trường hợp tách hộ nông dân. Trước đây, chúng ta đã có quy định về đất "giãn dân" để xây nhà ở cho các hộ mới tách ra, nay không còn nữa. Cần khôi phục lại chính sách này trong Luật Nhà ở.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem