Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Đa số không tán thành quy định mới về thời hạn sở hữu chung cư

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 18/03/2023 07:57 AM (GMT+7)
Tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về thời hạn sở hữu chung cư. Nhiều ý kiến chuyên gia cũng đề nghị ban soạn thảo nên cân nhắc phương án này.
Bình luận 0

Không tán thành quy định mới về thời hạn sở hữu chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi

Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định rõ việc chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ theo quy định của Luật. Sau khi chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, các chủ sở hữu được quyền tiếp tục sử dụng đất chung của nhà chung cư để xây dựng nhà chung cư, trường hợp do quy hoạch không được tiếp tục xây dựng nhà chung cư thì được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định.

Về thời hạn sở hữu nhà chung cư tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Theo báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn, bởi việc thay đổi chính sách từ không quy định thời hạn sang quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Đa số không tán thành quy định mới về thời hạn sở hữu chung cư - Ảnh 1.

Đa số không tán thành về sở hữu chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (Ảnh: TN)

Hơn nữa, quy định này có khả năng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, có thể dẫn đến hệ quả mất cân đối cung cầu trong lĩnh vực nhà ở, tạo xu hướng "mua đất" thay mua nhà, phát triển hình thức phân lô bán nền khiến cho giá nhà đất tăng cao, cản trở mục tiêu chính sách phát triển nhà chung cư, nhất là ở các đô thị lớn.

Loại ý kiến thứ hai tán thành quy định của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), bảo đảm có cơ sở pháp lý để xử lý các nhà chung cư hết niên hạn sử dụng một cách có hiệu quả, đặc biệt là các chung cư cao tầng có số lượng căn hộ rất lớn.

"Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết.

Dự thảo Luật Nhà ở cần cân nhắc quyền sở hữu chung cư

Nhận định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, quyền sở hữu nhà chung cư là vấn đề hệ trọng và nhạy cảm được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, cần cân nhắc kĩ lưỡng thận trọng, với các căn cứ cơ sở chính trị vững chắc, căn cứ của Hiến pháp và các pháp luật có liên quan, trên cơ sở các vướng mắc thực tiễn với tinh thần vướng ở đâu sửa ở đó.

"Vướng trong sửa chữa cải tạo nhà chung cư có thực sự xuất phát từ thời hạn sở hữu nhà chung cư? Do đó các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tiếp tục thảo luận, làm rõ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Đa số không tán thành quy định mới về thời hạn sở hữu chung cư - Ảnh 2.

Ban soạn thảo dự án Luật Nhà ở cần cân nhắc nhiều quy định sở hữu nhà chung cư (Ảnh: TN)

Tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, lý do trình phương án sở hữu nhà chung cư như dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân khi công trình mất an toàn, không đảm bảo điều kiện sử dụng. Bên cạnh đó, dự thảo quy định quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi chung cư bị phá dỡ chứ không phải hết hạn sử dụng là chấm dứt.

"Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ hơn, quy định làm sao để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời đảm bảo mục tiêu cải tạo được chung cư cũ, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân", ông Nghị giải trình.

Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thực hiện đề xuất này theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) thì cần lưu ý đến nhiều vấn đề như quyền tài sản, quyền lợi của người dân và các thủ tục hành chính phát sinh. Quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là vấn đề cần thiết phải xem xét và đặt trong tổng thể các quyền đối với tài sản, bảo đảm phù hợp với pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai, dân sự.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhìn nhận rằng quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý "ngại mua" của khách hàng. Từ đó tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà chung cư (khó bán hàng), mở rộng ra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng nhà chung cư.

Ngoài ra, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư chỉ áp dụng cho các chung cư xây dựng kể từ khi luật này có hiệu lực mà không áp dụng cho chung cư đang sử dụng, điều này có thể khiến cho khách có xu hướng tìm mua chung cư cũ và đẩy giá chung cư cũ đi lên.

"Thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản vì vậy cần phải được đánh giá tác động một cách thận trọng và kỹ càng", VCCI nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem