Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Cơ quan soạn thảo phản hồi gì?

Thế Anh Thứ bảy, ngày 25/03/2023 12:14 PM (GMT+7)
Ông Trần Thế Phương, Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý của các chuyên gia rất cụ thể.
Bình luận 0

Có nhiều góp ý mang tầm chính sách, chiến lược

Sau khi nhận được ý kiến đóng góp từ các chuyên gia tại hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), cơ quan soạn thảo dự thảo chính thức phản hồi về những vấn đề này.

Ông Trần Thế Phương, Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cơ quan chủ trì soạn thảo) bày tỏ trân trọng cảm ơn các ý kiến góp ý rất cụ thể.

"Có nhiều góp ý mang tầm chính sách, chiến lược, đây là sự đóng góp tư duy cho cơ quan soạn thảo", ông Phương khẳng định.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Cơ quan soạn thảo phản hồi gì? - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: CTV

Qua những ý kiến này, ông Phương nhận thấy nổi lên một số ý đáng quan tâm như: Nhiều ý kiến quan tâm đến mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cloud computing (điện toán đám mây - cloud), trung tâm dữ liệu (DC) có nên trong luật này hay không. Và quan tâm đến vấn đề OTT.

"Chúng tôi rất mừng vì đã có điểm chung giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và các chuyên gia", ông Phương bày tỏ.

Theo ông Phương, với trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, có nhiều ý kiến tham luận đã đồng tình về tầm quan trọng của hạ tầng này trong nền kinh tế số, xã hội số. Vì vậy, về mặt chính sách, cần phải có quy định điều chỉnh (hiện nay gần như chưa có bất kỳ quy định nào về dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây)

"Một số đại biểu quan tâm đến phân loại chi tiết DC, cloud, các ứng dụng trên cloud cái nào nên là luật này, cái nào chỉ một phần liên quan đến luật này thôi. Cơ quan chủ trì soạn thảo ghi nhận và sẽ nghiên cứu thêm", ông Phương đánh giá cao những ý kiến của các chuyên gia.

Về các điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp, ông Phương chia sẻ ý kiến: "Cần xem xét các quy định phải đảm bảo tính phù hợp. Quan điểm chung là khuyến khích phát triển các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây".

Theo ông Phương, dự thảo luật đã thể hiện quan điểm này chứ không phải đi ngược lại quan điểm khuyến khích phát triển như một số ý kiến của các chuyên gia.

Dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây khi quy định vào trong luật này thì so với dịch vụ viễn thông truyền thống có yêu cầu quản lý khác hơn.

Ví dụ: Dịch vụ viễn thông truyền thống theo cam kết quốc tế WTO có hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khi dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong dự thảo không có yêu cầu hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài.

Với ý kiến cho rằng, hạn chế vốn nước ngoài với trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, trong dự thảo không có điều khoản liên quan đến hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài này, ông Phương khẳng định: "Quan điểm của Bộ là thúc đẩy, tạo sự phát triển".

Đề cập về sự cạnh tranh, đã được TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng: "Cần phải xem xét thẩm quyền, trách nhiệm quản lý giá cước viễn thông".

Phải hồi ý kiến của TS. Ly, ông Phương cho rằng: "Đây là vấn đề chúng tôi cần trao đổi thêm thông tin".

"Nhiều ý kiến cũng nói với tôi, Luật này trùng với Luật Cạnh tranh về doanh nghiệp thống lĩnh thị trường. Xin chia sẻ rằng đây là một đặc thù quản lý của thị trường viễn thông, và có trong cả điều ước quốc tế", ông Phương khẳng định.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Cơ quan soạn thảo phản hồi gì? - Ảnh 2.

Các chuyên tham gia góp ý về dự thảo luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: CTV

Tuân thủ tiêu chí của Luật Cạnh tranh

Cũng theo ông Phương, khi quản lý cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông có hai cách tiếp cận. 

Thứ nhất là quản lý hậu kiểm, tức là khi xảy ra vụ việc cạnh tranh người ta sẽ xác định, ví dụ: Vụ việc cạnh tranh liên quan đến thống lĩnh thị trường, cơ quan quản lý cạnh tranh là Uỷ ban cạnh tranh quốc gia sẽ vào cuộc. 

Có một vụ việc kiện tụng giữa các doanh nghiệp, cơ quan này sẽ vào cuộc và xác định thị trường liên quan, xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh và áp đặt các quy định xử lý theo pháp luật cạnh tranh, đây là một cách tiếp cận về quản lý cạnh tranh.

Thứ hai là với hoạt động quản lý bán buôn, bản thân doanh nghiệp thống lĩnh thị trường có lợi thế về kiểm soát hạ tầng và mạng lưới. Do đó, doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm tiền kiểm chứ không phải chờ khi có doanh nghiệp nhỏ không sử dụng được hạ tầng của doanh nghiệp lớn thì mới xử lý theo Luật Cạnh tranh thì không kịp. Và các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường trong viễn thông thì rất ít, không giống như các ngành khác.

Vấn đề nêu trên, phù hợp với các thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế của Việt Nam về viễn thông đều có một đối tượng ở trong đó gọi là SMP. Đối tượng này được xác định tiền kiểm không phải xác định theo vụ việc, và đối tượng này cũng cần phải có một số nghĩa vụ đặc biệt để thực hiện một số nghĩa vụ khác thúc đẩy cạnh tranh ở trên thị trường.

"Trên đây là hai cách tiếp cận về quản lý cạnh tranh dựa trên nghiên cứu pháp luật cạnh tranh và pháp luật viễn thông và là cách tiếp cận không chồng chéo, mâu thuẫn gì với nhau và có tính đồng bộ", ông Phương nhấn mạnh.

Về việc xác định doanh nghiệp thống lĩnh thị trường trong dự thảo, ông Phương khẳng định: "Chúng tôi tuân thủ theo những tiêu chí của Luật Cạnh tranh, không phải là chế tác ra một tiêu chí khác nhưng về phương pháp tiếp cận về mặt quản lý có những tính đặc thù và về mặt cam kết là có và về thông lệ quốc tế". 

Gần như 100% các nước đều quản lý doanh nghiệp thống lĩnh thị trường tiền kiểm mạng viễn thông. Ví dụ: Nghĩa vụ doanh nghiệp thống lĩnh thị trường phải chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông thì 48% ở trong thống kê của ITU bên viễn thông quốc tế có nghĩa vụ đó.

Do đây, là một thông lệ quốc tế phổ biến, đơn vị sẵn sàng cung cấp thông tin cho các cơ quan hữu quan để cùng nhau chia sẻ để quản lý và đây là đặc thù của lĩnh vực viễn thông.

Về một số ý liên quan đến OTT, xu thế doanh nghiệp giảm doanh thu thoại và nhắn tin, ông Phương cho rằng, đây là xu hướng chung, do lựa chọn của người sử dụng. Đấy không phải lý do quản lý OTT trong Luật này.

"Như chúng tôi đã nêu, quản lý là bởi vì đây là một nền tảng quan trọng, người sử dụng ngày càng sử dụng nhiều, thay thế cho dịch vụ viễn thông.

"Các góp ý liên quan đến "mục tiêu công cộng chính đáng", chúng tôi sẽ nghiên cứu, báo cáo lại để wording cho phù hợp. Nhưng chúng tôi cũng chia sẻ là thuật ngữ này được sử dụng theo các cam kết quốc tế", ông Phương cho hay.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem