Dự thảo sửa đổi Thông tư 24: Đảm bảo để DN không bị quá sốc

Lê Thúy Thứ năm, ngày 29/11/2018 06:15 AM (GMT+7)
“Thay vì mỗi năm mình xem xét lại chính sách và thực hiện gia hạn theo kiểu “hành chính” khiến cho doanh nghiệp (DN) cứ phải vừa làm vừa nghe ngóng chính sách. Thì lần này, cái hay ở chỗ là chính sách sẽ tương đối dài hạn hơn, mình không phải thay đổi nữa” - PGS-TS Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) nhận định.
Bình luận 0

img

PGS-TS Phạm Thị Hoàng Anh - Viện trưởng Viện NCKH Ngân hàng (Học viện Ngân hàng).

Thưa bà, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 24 về siết hoạt động cho vay ngoại tệ. Bà đánh giá như thế nào về quy định mới này?

- Tôi nghĩ rằng, quy định này mang tính dài hơi hơn so với trước đây. Thay vì mỗi năm mình xem xét lại chính sách và thực hiện gia hạn theo kiểu “hành chính” khiến cho DN cứ phải vừa làm vừa nghe ngóng chính sách. Thì lần này, cái hay ở chỗ là chính sách sẽ là tương đối dài hạn hơn, mình không phải thay đổi nữa.

Dự thảo này cũng thể hiện rõ, NHNN chỉ hỗ trợ cho các DN xuất khẩu mà thôi. Việc kéo dài thêm 3 hoặc 9 tháng cho một số DN nhập khẩu sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước đó là giải pháp nhằm tạo điều kiện cho DN chuyển giao giữa 2 giai đoạn được vay và không được vay. Đảm bảo rằng, các DN không bị quá sốc. Động thái này tôi cho là hoàn toàn phù hợp.

Lý do nào khiến cho NHNN phải dừng cho vay đối với các DN nhập khẩu mà vẫn tạo điều kiện vô hạn đối với các DN nhập khẩu sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thưa bà?

- Dưới góc độ nền kinh tế, NHNN đang hiện thực hóa chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế. Hiện nay, tỷ lệ đô la hóa tiền gửi đã xuống mức thấp nhưng tình trạng đô la hóa tiền vay vẫn còn tương đối cao.

Tôi nhấn mạnh rằng, việc NHNN giới hạn hay thu hẹp lại nhu cầu cũng như đối tượng cho vay trong dự thảo lần này sẽ góp phần giảm tình trạng đô la hóa tiền vay trong nền kinh tế. Tức là giảm tỷ lệ dư nợ cho vay bằng ngoại tệ/tổng dư nợ cho vay điều này sẽ góp phần giảm tình trạng USD của nền kinh tế Việt Nam và góp phần nâng cao hiệu lực điều hành chính sách tiền tệ. Thêm một điểm nữa, đó là góp phần ổn định hơn thị trường tài chính Việt Nam.

Ngoài ra, việc cho phép các DN xuất khẩu vay ngoại tệ vô thời hạn thay vì phải kết thúc vào 31.12 năm nay như quy định cũ trong khi vẫn siết cho vay đối với các DN nhập khẩu về sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước từ  thúc đẩy được hoạt động xuất khẩu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thì họ sẽ bị tác động như thế nào, thưa bà?

- Quan điểm của tôi, nhưng thay đổi này so với các phiên bản trước đây có ý nghĩa tích cực đối các DN kể cả nhập và xuất khẩu.

Đối với DN xuất khẩu. Những DN này vẫn là đối tượng được vay bằng ngoại tệ. Trong bối cảnh hiện nay khi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ thấp hơn so với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam và tỷ giá được NHNN phát ra một thông điệp khá ổn định thì với nguồn vốn bằng ngoại tệ rẻ hơn so với nội tệ. Từ đó giúp DN giảm chi phí vay vốn, qua đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là điểm khá mấu chốt khi NHNN tập trung vào các DN sản xuất hàng xuất khẩu.

Cái thứ 2, DN có thể chủ động hơn trong việc lựa chọn TCTD khi mua ngoại tệ trả nợ khoản vay. Khi khách hàng được lựa chọn TCTD mua ngoại tệ sẽ làm cho thị trường ngoại hối sẽ được linh hoạt thông thoáng, cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đối với DN khác mặc dù có hoạt động nhập khẩu song phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong nước thì sẽ bị giới hạn đến 31.3 và 30.9 (thay vì kết thúc vay vào 31.12 năm nay) cũng đã có sự gia hạn thời gian nhất định nhằm hỗ trợ cho DN có thời gian chuẩn bị tài chính cho động thái siết cho vay ngoại tệ, chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua – bán.

Lúc này, DN sẽ phải chuyển từ vay ngoại tệ sang nội tệ, điều này khiến cho chi phí của DN tăng lên đôi chút nhưng trong bối cảnh đó, tôi cho rằng DN sẽ phải tự tiết kiệm các chi phí khác.

Vậy còn đối với phía cho vay là các TCTD, khi giảm khách hàng vay lợi ích của ngân hàng cũng giảm?

- Điều này tôi cho rằng không chính xác, đối với các TCTD cũng có lợi chứ không hề bất lợi khi hiện thực hóa chủ trương này. Cái lợi đầu tiên đó là giảm thiểu được nguy cơ rủi ro tỷ giá đối với các ngân hàng thương mại. Khi tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ còn 0%, nghĩa là ngân hàng thương mại huy động ngoại tệ tương đối khó khăn hơn so với trước đây và chủ trương này khó có thể thay đổi. Nếu như ngân hàng vẫn cứ mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ thì rõ ràng dẫn tới sự chênh lệch lớn giữa tài sản có và tài sản nợ của ngân hàng. Và như vậy, khi tỷ giá thay đổi khi tỷ giá thay đổi các ngân hàng thương mại chắc chắn gặp rủi ro nếu như không biết áp dụng những chiến lược phòng ngừa rủi ro cho hiệu quả.

Cái thứ hai, khi các DN có nhiều lựa chọn TCTD này hay TCTD kia để mua ngoại tệ, bản thân các ngân hàng thương mại phải có nỗ lực trong việc đưa mức giá, cung cấp dịch vụ cạnh tranh hơn cho khách hàng. Như vậy hoạt động của ngân hàng có thể trở nên hiệu quả hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem