Dự thảo sửa đổi Thông tư 24: Vay ngoại tệ sẽ kích cầu xuất khẩu

Lê Thúy Thứ năm, ngày 29/11/2018 06:00 AM (GMT+7)
Thay vì phải kết thúc hoạt động vay mượn bằng ngoại tệ vào 31.12 năm nay, các doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu có khả năng sẽ được tiếp tục nới thời hạn vay ngoại tệ để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thêm 3 tháng, 9 tháng hoặc vô thời hạn.
Bình luận 0

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN (TT24) ngày 8.12.2015 của Thống đốc NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi hơn VND

Thứ nhất, dự thảo mới quy định, cho vay ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31.3.2019.

img

Tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng đầu năm 2018. Ảnh: L.H

Thứ hai, cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30.9.2019.

Thứ ba, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất kinh doanh để trả nợ vay thì được thực hiện không giới hạn về thời gian.

Theo NHNN, qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018 cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi hơn so với vay VND. Vì vậy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần.

Được biết, năm 2017, NHNN đã gia hạn thêm 1 năm cho nhu cầu vay vốn ngoại tệ của các DN để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đến hết ngày 31.12.2018 khi ban hành Thông tư số 18/2017 sửa đổi bổ sung Thông tư 24.

Thêm quyền cho khách hàng

NHNN cũng sửa đổi Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 24/2015/TT-NHNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch mua bán ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng, đồng thời thực hiện đúng cam kết về các nội dung truyền thông của NHNN liên quan đến đề án hạn chế đô là hóa, đó là: Chuyển dần quan hệ vay - gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Theo đó, khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay có thể thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính TCTD cho vay hoặc TCTD khác không phải là TCTD cho vay. Đối với TCTD cho vay phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ khoản vay tại chính TCTD đó.

Đây là điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN đi vay (vì theo quy định hiện hành tại Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, DN đi vay chỉ được mua ngoại tệ tại chính TCTD cho vay).

Quy định này tạo thêm “quyền” cho khách hàng khi được lựa chọn TCTD để mua ngoại tệ, qua đó tạo sự thông thoáng, đa dạng cho thị trường mua/bán ngoại tệ. Tuy nhiên quy định này vẫn tiếp tục quy định trách nhiệm của TCTD đã cho vay vì khi khách hàng đề nghị mua ngoại tệ từ TCTD cho vay thì TCTD cho vay phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng.

Bà Nguyễn Tú Anh - Phó giám đốc Công ty CP Thủ công mỹ nghệ Hoa Lư:

Sẽ có sự bất bình đẳng

Việc kéo dài vô thời hạn cho các DN xuất khẩu theo tôi là tích cực, tuy nhiên, nếu phân chia các đối tượng DN khác nhau để có những chính sách vay khác nhau tôi cho là chưa hợp lý.

Nhưng nếu xét theo quy định này thì DN nhập khẩu sẽ thiệt so với các DN xuất khẩu. Chưa kể, nếu DN đó không được vay ngoại tệ mà phải mua ngoại tệ hay vay nội tệ để mua ngoại tệ thì rõ ràng chi phí sản xuất của họ tăng cao và làm tăng giá bán sản phẩm. Chúng tôi cũng sẽ phải nhập đắt hơn và kéo theo đó là ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của chúng tôi.

Ông Đặng Quốc Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi:

“Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi”

DN tôi là DN nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, với dự thảo TT24 này, chúng tôi sẽ không bị giới hạn về thời gian vay ngoại tệ nữa. Đó là một thông tin đáng mừng bởi khi được vay ngoại tệ, trong bối cảnh lãi suất vay nội tệ cao hơn lãi vay ngoại tệ như hiện nay DN sẽ có thể gia tăng được sức cạnh tranh nhờ giá thành sản phẩm thấp. Hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất vay USD và vay bằng đồng nội tệ đối với ngắn hạn cũng phải từ 3 - 5%/năm. Rõ ràng, vay ngoại tệ là vô cùng lợi cho DN.

Ông Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia:

“Không nên chống đôla hóa bằng mọi giá”

Không nên chống đôla hóa bằng mọi giá. Vừa chống đôla hóa nhưng đồng thời vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ DN, đặc biệt là trong chiến lược hội nhập quốc tế hiện nay. Nếu các DN xuất khẩu không còn được hưởng vốn giá rẻ nhờ việc vay USD thì rất khó để tiết giảm chi phí lãi vay. Điều này dẫn tới hệ quả là hàng hóa Việt khó có thể cạnh tranh được so với các đối thủ nước ngoài.

Nhật Minh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem