Đưa cá ra sông Đà nuôi, ung dung thu lãi 160 triệu đồng

PV Tây Bắc Thứ hai, ngày 18/01/2021 08:19 AM (GMT+7)
Phát huy tinh thần của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, anh Lường Văn Bái, Bí thư chi đoàn bản Pa (xã Tường Tiến, Phù Yên, tỉnh Sơn La) là người tiên phong trong lực lượng đoàn viên thanh niên về phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Nhờ đó, năm 2020, anh Bái bỏ túi trên 160 triệu đồng.
Bình luận 0

Đến thăm mô hình cá lồng của anh Lường Văn Bái đang trong niên vụ thu hoạch, chúng tôi thật sự ấn tượng với hàng trăm chú cá đủ các kích cỡ khỏe mạnh đang nhảy lên đớp mồi. 

Để có được những lồng cá, với những con trắm, trê lai, chép, rô phi ... to khỏe đang bơi lội tung tăng dưới dòng nước trong xanh, anh Lường Văn Bái đã có một quá trình phấn đấu để nỗ lực xóa nghèo vươn lên làm giàu.

Không có con đường nào trải đầy hoa

Anh Bái sinh năm 1985 trong một gia đình thuộc vùng lòng hồ sông Đà. Bố mẹ anh già yếu, mất khả năng lao động từ sớm. Gia đình anh là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất xã. Trước đây, cũng như nhiều hộ gia đình trong bản, trong xã, gia đình anh Bái cũng chỉ biết làm nương, trồng ngô, trồng sắn nhưng hiệu quả kinh tế thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Khi phong trào nuôi cá lồng trên địa bàn xã Tường Tiến và các xã lân cận như Tường Phong, Tân Phong đang phát triển mạnh, anh Bái nhiều đêm trăn trở: Cùng có điều kiện tự nhiên như nhau, các hộ khác làm được, mình còn trẻ, có sức khỏe, chắc chắn mình cũng sẽ làm được.

Bỏ túi trên 160 triệu đồng từ nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà  - Ảnh 1.

Nhờ nuôi cá lồng, năm 2020, anh Bái thu lãi trên 160 triệu đồng.

Không cam chịu đói nghèo, cùng với tinh thần xung kích của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, anh Bái đã chủ động đi học hỏi kỹ thuật nuôi cá lồng bè của các hộ dân trong xã và nhiều hộ có kinh nghiệm nuôi cá lồng nhiều năm ở bản Hạ Lương, bản Vặm xã Tường Phong để khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước lòng hồ sông Đà và quyết tâm phát triển nghề nuôi cá lồng. Năm 2017, cơ hội làm giàu đến với anh Bái khi gia đình anh được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Yên, cộng với số vốn tích góp được, anh Bái bắt đầu khởi nghiệp với quy mô 5 lồng cá.

Chia sẻ với báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Bái cho biết: Tận dụng nguồn nước sạch, thức ăn tự nhiên sẵn có, cùng với kỹ thuật nuôi cá lồng đã học được, tôi quyết định đầu tư vào nuôi cá lồng. Trong những ngày đầu xây dựng mô hình, do thiếu kinh nghiệm nên cá bị bệnh, thiệt hại không ít. Đôi lúc cũng thấy nản, muốn bỏ cuộc, nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua, rồi tôi lại gạt đi, không cho phép mình dừng lại. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng cả.

Bỏ túi trên 160 triệu đồng từ nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà  - Ảnh 2.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Bái được tuyên truyền rộng rãi để đoàn viên thanh niên trong xã học tập và làm theo.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, quyết tâm thực hiện ước mơ của mình, sau những lần thất bại, anh Bái lại rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, tiếp tục học hỏi, trau dồi kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá. 

Theo anh Bái, thức ăn chủ yếu của cá là cỏ voi, cây chuối, lá sắn, là những thứ dễ trồng trên nương. Ngoài ra, gia đình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, ngô để chế biến thức ăn cho cá."

"Quả ngọt" từ nỗ lực

Sau 1 năm kiên trì, chịu khó, cộng với tâm huyết với nghề, công sức, mồ hôi mà anh Lường Văn Bái bỏ ra đã cho "quả ngọt". 

Những lồng cá trắm cỏ, chép, trê lai, rô phi.. đã được xuất bán, thu nhập bước đầu dần ổn định. Nhờ cách nuôi cá theo phương pháp truyền thống, sạch, an toàn, nên chất lượng thịt cá ngọt, săn chắc, được thị thường đón nhận. 

Năm 2020, anh Bái đã phát triển lên 8 lồng cá, trong đó có 6 lồng cá thịt thương phẩm, sản lượng đạt 6 tấn/năm. Với giá giao động từ 50 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Bái thu lãi hơn 160 triệu đồng. Mặc dù so với các mô hình kinh tế khác thì con số này còn chưa cao, nhưng đã khẳng định được hướng đi đúng đắn trong việc phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế gia đình.

Bỏ túi trên 160 triệu đồng từ nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà  - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Bái được nhiều đoàn viên thanh niên đến tham quan và học hỏi.

Năm 2020, cùng với những khó khăn chung của các hộ nuôi cá lồng trong việc xuất bán cá thương phẩm, nhưng với sự năng động của mình, anh Bái đã chủ động liên hệ bán sản phẩm với các nhà hàng trong và ngoài huyện, kết hợp cùng các đoàn viên trong xã vừa đăng bán bán hàng qua mạng xã hội, góp phần giải bài toán đầu ra cho sản phẩm cá lồng cho người nuôi cá.

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Bái còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng cho đoàn viên và người dân trong bản, xã. Hiện, anh Bái đã giúp 2 đoàn viên trong chi đoàn triển khai thành công mô hình nuôi cá lồng. Với tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác đoàn, và sự tâm huyết, đam mê với nghề nuôi cá lồng, vào tháng 5 năm 2020, Lường Văn Bái đã được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX cá lồng Tường Tiến.

Bỏ túi trên 160 triệu đồng từ nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà  - Ảnh 4.

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá của anh Bái luôn sinh trưởng và phát triển tốt.

Chia sẻ về dự định trong những năm tới, anh Bái cho biết: Trước mắt trong năm 2021, gia đình tôi sẽ tiếp tục chăm sóc những lồng cá hiện có. Đồng thời, đầu tư nuôi thêm 4 lồng cá mới để mở rộng quy mô nuôi cá thịt và cá giống, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Chị Lò Thị Ngân Bí thư Đoàn xã Tường Tiến, cho biết: Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, anh Lường Văn Bái là tấm gương tiêu biểu để các đoàn viên thanh niên học tập và noi theo. Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, anh Bái đã mạnh dạn đầu tư và tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá lồng, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, để tiếp tục nhân rộng mô hình, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên các mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó điển hình như mô hình nuôi cá lồng của anh Bái. Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa nghèo làm giàu trên chính quê hương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, các mô hình nuôi cá lồng tại xã Tường Tiến đang phát triển ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện, xã Tường Tiến đang có 46 lồng cá với 17 hộ gia đình tham gia nuôi, sản lượng cá thương phẩm bình quân mỗi năm đạt gần 80 tấn, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của anh Lường Văn Bái. Anh xứng đáng là tấm gương sáng để đoàn viên thanh niên trong bản, xã học tập và làm theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem