Đưa công nghệ cao vào chăn nuôi, tận dụng hiệu quả chất thải, nâng cao giá trị sản phẩm

Văn Long Thứ ba, ngày 27/09/2022 18:49 PM (GMT+7)
“Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tăng cường triển khai một số chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm nhằm thúc đẩy hiệu quả chăn nuôi, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Bình luận 0

Đó là phát biểu của ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT tại hội nghị phát triển chăn nuôi cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức mới đây.

Vốn đầu tư vào chăn nuôi tăng mạnh

Phát biểu tại hội nghị, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2022, ngành chăn nuôi vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng.

Trong thời gian gần đây, các dự án FDI có xu hướng đầu tư nhiều sang lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản.

Trong tổng số hơn 1.900 dự án ngành nông nghiệp, ngành trồng trọt có số dự án nhiều nhất với 114 dự án FDI (chiếm 5,8%), tiếp theo là thủy sản (82 dự án, 4,2%), chăn nuôi (81 dự án, 4,1%), dịch vụ nông nghiệp tổng hợp (17 dự án, 0,9%) và lâm nghiệp (16 dự án, 0,8%).

Đưa công nghệ cao vào chăn nuôi - Ảnh 1.

Hệ thống cung cấp thức ăn tự động trong trang trại chăn nuôi của nông dân Cao Xuân Dũng (huyện Cư Kuin, Đăk Lăk). Ảnh: MINH THUẬN

Đưa công nghệ cao vào chăn nuôi - Ảnh 2.

"Một số doanh nghiệp FDI có xu hướng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành chế biến nông sản thực phẩm. 

Tập đoàn De Heus đầu tư xây dựng nhà máy thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh, quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng; Masan chuẩn bị đầu tư nhà máy chế biến thịt mát thứ 2 tại Long An. Các tập đoàn, công ty như CP, Greenfeed, Japfa, Vinamilk, Xuân Thiện... đã và đang có những dự án đầu tư với số lượng vốn rất lớn vào hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi" - ông Chinh đánh giá.

Đại diện ngành chăn nuôi cũng cho biết, trong năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục tăng cường triển khai các nội dung, nhiệm vụ để đảm bảo giá trị sản xuất ngành tăng khoảng 5,5 - 6,0% so với năm 2022.

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành chăn nuôi

Nói về chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 149 trang trại và 7 tổ hợp tác có sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, với sản lượng hơn 109.000 tấn thịt lợn/năm (chiếm 26% tổng sản lượng); gần 55.000 tấn thịt gà/năm (chiếm 30% tổng sản lượng) và 217,5 triệu quả trứng thương phẩm (chiếm 19,5% tổng sản lượng trứng cả tỉnh).

Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm, trong thời gian tới tỉnh Đồng Nai tập trung thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y để chỉ đạo kịp thời trong tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin về thị trường cho người dân để có kế hoạch sản xuất hợp lý, đảm bảo cung - cầu.

"Hiện nay, chúng tôi đang triển khai việc thực hiện khai báo chăn nuôi, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ thông qua phần mềm "Quản lý trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025"; dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025" - đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết.

Ông Tống Xuân Chinh nhận định, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cả nước cần tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ về chọn, tạo giống, chế biến thức ăn, công nghệ chuồng trại để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý và tận dụng hiệu quả chất thải, cải tạo môi trường chăn nuôi.

Bên cạnh đó, Cục Chăn nuôi cho rằng cần chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong giết mổ, chế biến và xúc tiến thương mại tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp để đảm an toàn dịch bệnh. Đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cùng với đó, ngành cũng cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện tốt các đề án đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị ngành chăn nuôi tập trung giải quyết vấn đề về giống, chủ động về thức ăn chăn nuôi và cải thiện môi trường chăn nuôi.

Đồng thời đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến với các giải pháp đồng bộ. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

Ngành chăn nuôi cũng cần áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem