Đua nhau trả mặt bằng

Chủ nhật, ngày 23/08/2020 12:00 PM (GMT+7)
Giới kinh doanh nhiều dịch vụ như ăn uống, thời trang, làm đẹp… "khóc ròng" từ khi dịch Covid-19 xuất hiện hồi tháng 2 cho tới nay. Nhiều chủ tiệm đóng cửa, trả mặt bằng…
Bình luận 0

Tại nhiều tuyến đường lớn như: Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), Phạm Văn Đồng (Bình Thạnh), Kha Vạng Cân (Thủ Đức)…, các bảng thông báo "ngừng hoạt động, cho thuê mặt bằng…" treo ngay trước cổng. Trên tường và bảng hiệu chi chít những số điện thoại xoay quanh chuyện thuê mặt bằng. Tại TP.HCM, do ảnh hưởng của dịch nên từ ngoại thành đến nội thành, các quán ăn, nhà hàng đua nhau đóng cửa, trả mặt bằng. Tại các tuyến phố nổi tiếng về ăn uống, chuyên phục vụ cho khách Tây, khách Hàn, giờ cũng đua nhau trả mặt bằng.

Chưa hết hợp đồng

Gần 1 tuần nay, cổng nhà hàng Gió Biển 1 trên đường Kha Vạng Cân (Thủ Đức) treo bảng thông báo: "Quán tạm nghỉ dịch, dời qua Gió Biển 2", cách đó chừng 200m. Ông Hoàng, quản lý nhà hàng cho biết: "Tiền thuê mặt bằng 100 triệu đồng/tháng. Đợt dịch thứ nhất đã lỗ quá nhiều! Nay dịch tiếp nên phải gom hai nơi thành một để giảm bớt tiền thuê mặt bằng, nhân sự… Hiện mặt bằng Gió Biển 1 đang rao cho thuê lại với giá 130 triệu đồng/tháng, bao gồm mặt bằng và bàn ghế.

Tại đường 61 (Q.9), trước đợt dịch Covid-19 tái phát, quán café GuNam hoạt động khá nhộn nhịp, là nơi giới trẻ thường lui tới. Nhưng hiện nay, chủ quán đã treo biển cho thuê với giá 60 triệu đồng/tháng. Chủ quán cho biết: "Chịu hết nổi nên phải trả mặt bằng. Nhưng vì hợp đồng còn dài nên tui cho thuê lại".

Đường Phan Xích Long (Phú Nhuận) nổi tiếng với những nhà hàng, quán ăn theo phong cách Hàn, Nhật… nhộn nhịp một thời, giờ tràn ngập những bảng thông báo cho thuê mặt bằng. Như tiệm Honki Udon mới xuất hiện gần một năm giờ đã rút. Tiệm cà phê Doha đã treo biển trả mặt bằng dù mới khai trương vào ngày khá đẹp: 9/9/2019. Qua thông tin từ các chủ mặt bằng, với diện tích hơn 100m2, giá thuê khoảng 5.000USD/tháng (115 triệu đồng) với điều kiện phải thuê ít nhất từ 3 năm trở lên.

Ở khu vực Q.1, nhiều nhà hàng nổi tiếng hàng chục năm nay giờ phải đóng cửa. Nhà hàng Riêu Cá Chép trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1) là địa chỉ quen thuộc của những người ưa thích món cá chép nấu riêu nhưng giờ cũng… cho thuê lại mặt bằng. Liên hệ với chủ mới biết, giá thuê mặt bằng này là 15.000 USD/tháng với thời gian thuê ít nhất 5 năm.

Đua nhau trả mặt bằng - Ảnh 1.

Đâu đâu cũng thấy treo biển cho thuê nhà. Ảnh: Anton Đạt

Con đường Bùi Viện, còn được gọi là khu phố Tây giờ hoang vắng. Vắng khách, nhất là khách Tây nên nhiều căn nhà trước là nhà hàng, quán ăn nay đã "cửa đóng then cài", treo bảng cho thuê mặt bằng. Chủ một căn nhà 3 lầu đang treo biển cho thuê là ông Trần Bình cho biết: "Trước đây có người thuê mở quán cà phê kèm ăn uống, rồi mở tiếp bi-a. Nay do dịch, ế khách mà trả lại mặt bằng. Giá thuê thấp nhất của ngôi nhà này là 120 triệu đồng/tháng".

"Phố Hàn Quốc" ở Phú Mỹ Hưng (Q.7) cũng tương tự, hàng loạt quán treo biển cho thuê lại mặt bằng. Tại nhiều con đường như: Bùi Bằng Đoàn, Phạm Văn Nghị, Đặng Đại Độ… giờ đã ảm đạm, tiêu điều khi nhiều hàng quán đóng cửa, trả mặt bằng, nhiều bảng hiệu tiếng Hàn đã bị tháo bỏ từ lâu.

Nước chảy tới đâu...

Anh Cao Trường, chủ một quán ăn trên đường Hoàng Diệu (Thủ Đức) nói: "Đóng cửa quán, tạm ngưng hoạt động là chấp nhận mất khách! Với tình hình dịch như hiện nay, để duy trì quán chi phí lớn lắm: mặt bằng, nhân viên, điện nước… tạm đóng cửa là cách giảm bớt thiệt hại nhất".

Anh Lương Công Bằng, chủ quán Thái Bình (Q.9), cho biết, trong đợt dịch trước, quán đóng cửa. Khi hết dịch, mở cửa trở lại, khách đến. "Nay dịch tái phát, lượng khách hiện tại của quán giảm đi 50%. Dù lỗ nhưng quán phải duy trì, nếu không sẽ mất khách. Ông Cao Thuận, chủ nhà hàng Vua Vịt (Q.9) cho biết thêm: "Đợt dịch lần 1, tui bị lỗ gần 1 tỷ đồng với những khoản tiền: mặt bằng, nhân viên. Đợt dịch lần 2 này, tuy nhà hàng không đóng cửa nhưng lượng khách giảm thấy thương. Vẫn còn khách đến nhưng họ gọi món mang về. Hiện nay, tuy khách đến ít nhưng vẫn phải duy trì nhà hàng, nhân viên phải giữ. Tôi chấp nhận bỏ vốn để giữ mặt bằng, nuôi nhân viên đợi khi hết dịch, bung trở lại".

Từ đầu tháng 8, nhà hàng buffet Đại Dương trên đường Kha Vạng Cân (P. Linh Tây, Thủ Đức) treo bảng thông báo: "Nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan nhà hàng tạm ngưng hoạt động cho đến khi hết dịch". Tương tự, tại nhà hàng hải sản số 460 Phạm Văn Đồng (Q. Thủ Đức) cũng treo thông báo: do dịch Covid-19 tái phát nên nhà hàng tạm ngưng hoạt động từ 1/8... Nói chuyện với chủ quán, ai cũng than thở: "Chịu hết nổi, buộc phải đóng cửa. Giờ chờ khi nào hết dịch mới tính tiếp". Xem ra, chuyện trả mặt bằng hoặc treo bảng cho thuê còn dài dài. Có khi sang đầu năm sau. Bây giờ đã là tháng "cô hồn".

(Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)

Quang Phương (Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem