Đưa nông sản lên sàn - giải pháp vượt khó dịch Covid-19 (bài cuối): Cho phép bán nông sản của tương lai

Khánh Nguyên (thực hiện) Thứ hai, ngày 23/08/2021 06:31 AM (GMT+7)
Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) là con đường thiết yếu với sản xuất, với người nông dân. Khi đó, người nông dân có thể bán cả quy trình, giá trị của sản phẩm đó.
Bình luận 0

Dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ của nhiều loại nông sản gặp khó khăn nhưng cũng là cơ hội đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trên các sàn TMĐT. Ông nhận định như thế nào về xu hướng này?

- TMĐT là con đường thiết yếu với sản xuất, với nông dân. Với TMĐT, người nông dân có quyền định giá sản phẩm bằng việc bán cả quy trình, giai đoạn làm ra sản phẩm đó, bán giá trị được tích lũy trong mỗi sản phẩm. 

Nói cách khác, nông dân có thể bán sản phẩm ngay từ khâu xuống giống gieo trồng mà không đợi đến khi có sản phẩm mới tìm cách bán. Đó là bán sản phẩm của tương lai.

Thương mại truyền thống không cho phép làm được việc này nhưng TMĐT thì hoàn toàn có thể. 

Từ những mô hình đã được triển khai ở một số địa phương vùng ĐBSCL như: "Cây xoài vườn tôi", "Cây cam nhà tôi", người mua có thể được tiếp cận, được chứng kiến cả quá trình làm ra sản phẩm và kiểm chứng nó cho đến khi giao nhận. 

Tôi tin nếu xây dựng môi trường tương tác tốt, tạo điều kiện cho người dân huấn luyện, trải nghiệm với công nghệ thì nông dân sẽ sớm thành thạo trong môi trường online.

Đưa nông sản lên sàn - giải pháp vượt khó dịch Covid-19 (bài cuối): Cho phép bán nông sản của tương lai - Ảnh 1.

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh góp phần hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc cây bưởi Phúc Trạch tại địa chỉ: https://buoiphuctrach.gov.vn. Ảnh: T.L

img

"Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang xây dựng kế hoạch triển lãm online các sản phẩm của các dự án khuyến nông. Tại không gian triển lãm ảo này, khách hàng có thể xem sản phẩm của các mô hình được tích lũy bởi một quy trình công nghệ hoàn chỉnh, các giải pháp canh tác hiện đại, bền vững".

Ông Lê Quốc Thanh

Lực lượng khuyến nông đã có những hoạt động gì giúp nông dân thúc đẩy bán hàng trên các sàn TMĐT và các nền tảng trực tuyến, thưa ông?

- Ngay khi các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang… thúc đẩy bán hàng qua các sàn TMĐT, lực lượng khuyến nông cơ sở đã góp phần tuyên truyền, hỗ trợ nông dân tiếp cận với hình thức mới mẻ này thông qua sự tư vấn của các doanh nghiệp công nghệ.

Hay mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Công ty cổ phần iCheck hỗ trợ người dân gấp rút thực hiện công tác chuyển đổi số, hoàn thành Cổng thông tin "buoiphuctrach.gov.vn" để phục vụ công tác đưa bưởi lên sàn TMĐT. 

Cổng thông tin này sẽ hỗ trợ người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần quét mã truy xuất nguồn gốc gắn trên sản phẩm, có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về nhà vườn, điều kiện canh tác, thông tin chi tiết của sản phẩm, giúp người sản xuất chứng minh chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm.

Thống kê cho thấy, đến nay, cổng thông tin có 162 tài khoản là các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và 2773 tài khoản thành viên. 

Đây là các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh bưởi Phúc Trạch và cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo môi trường quảng bá, kết nối cung cầu. Trong đó diện tích được số hóa đạt 1.003ha với 8.926 tấn sản phẩm.

Tại Sơn La, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng mô hình liên kết xoài theo chuỗi giá trị. Theo đó, lực lượng khuyến nông đồng hành cùng người dân từ khâu thiết kế vườn đến cung cấp giống, vật tư, tăng cường đào tạo, tập huấn các gói kỹ thuật để sản phẩm xoài đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Để thích ứng với xu hướng TMĐT ngày càng phát triển, hướng đến nền nông nghiệp số trong tương lai, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có kế hoạch gì để đẩy mạnh hỗ trợ, tập huấn cho nông dân?

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang xây dựng kế hoạch triển lãm online các sản phẩm của các dự án khuyến nông. 

Tại không gian triển lãm ảo này, khách hàng có thể xem sản phẩm của các mô hình được tích lũy bởi một quy trình công nghệ hoàn chỉnh, các giải pháp canh tác hiện đại, bền vững. 

Lãnh đạo Trung tâm đã giao các đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch, tìm môi trường tương tác để bắt tay vào giới thiệu sản phẩm.

Tôi cho rằng, trước sự đổi mới mạnh mẽ của các phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, lực lượng khuyến nông cũng sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động để làm tốt hơn vai trò cầu nối. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ NNPTNT giao chức năng quan trọng là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, là cầu nối giữa cơ quan nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với người dân. 

Dưới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là hệ thống khuyến nông cấp tỉnh, huyện và 30.000 người đảm nhận nhiệm vụ chuyển giao công nghệ.

Trong thời gian tới, ngoài chức năng chuyển giao công nghệ, chúng tôi xác định lực lượng khuyến nông phải đóng vai trò kết nối giữa người cần công nghệ với người đang có công nghệ, giữa hiện trường sản xuất với doanh nghiệp và thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem