Đưa sở hữu trí tuệ thành vấn đề chiến lược

Thứ ba, ngày 20/09/2011 16:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi trao đổi với NTNN về việc cần thiết phải có chiến lược xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch InvestConsult Group nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta không có chiến lược để xây dựng thương hiệu, do đó chúng ta gặp rất nhiều hậu quả”.
Bình luận 0

Thưa ông, gần đây báo chí nói nhiều về câu chuyện mất thương hiệu, nhưng có lẽ cần phải cảnh báo sâu xa hơn để từ những người sản xuất đến người quản lý hiểu được thương hiệu quan trọng như thế nào và hiểu ra hậu quả của việc mất thương hiệu. Ông có ý kiến gì về chuyện này?

- Ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc đăng ký nhãn hiệu để giữ chỗ là việc bình thường. Đấy là những sự đón lõng để cầu lợi trong quan hệ thương mại của các đối tượng đối với Việt Nam. Bây giờ chúng ta mới chỉ phát hiện ra chuyện nhãn hiệu cà phê Buôn Mê Thuột bị chiếm dụng, nhưng thực tế còn nhiều thứ khác cũng đã được đón lõng sẵn, đã được cài sẵn rồi mà chúng ta không biết được, bởi chúng ta không có chiến lược. Ví dụ, Hiệp định TRIPs không được để ý trong toàn bộ nội dung truyền bá các hiệp định WTO.

img
Cùng với việc đăng ký thương hiệu nông sản, cần phải hỗ trợ để duy trì thương hiệu bền vững.

Có nhà chuyên môn phân tích rằng hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp thường thì chúng ta chỉ đăng ký nhãn hiệu khi tìm được thị trường xuất khẩu. Như vậy phải chăng hạn chế của việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài là do mình chưa tìm được thị trường xuất khẩu?

- Đăng ký bao giờ cũng phải đi trước. Nơi có tầm nhìn ấy trước hết phải là Bộ Công Thương. Hiệp hội chỉ đóng vai trò nguồn, không đóng vai trò pháp lý. Từ lâu tôi đã thấy một vấn đề là tại sao chỉ có một Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Chi nhánh miền Trung, Chi nhánh miền Nam? Tại sao chúng ta không có Phòng Thương mại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng...? Cần sớm xóa bỏ độc quyền thành lập phòng thương mại, để không biến nó thành một tổ chức quan liêu.

Thương hiệu Việt là một từ rất mơ hồ. Đôi khi chúng ta gắn những sức mạnh của một sản phẩm lên trên sức yếu của nền kinh tế là chúng ta sai. Chúng ta có thể có một nền kinh tế yếu, nhưng chúng ra vẫn có thể có nhiều sản phẩm mạnh.

Nhưng ngay bây giờ, việc các cơ quan chức năng cần làm là gì để hạn chế tình trạng thương hiệu bị chiếm dụng?

- Vấn đề không chỉ là đăng ký nhãn hiệu, bởi đăng ký xong mà không nuôi được nó thì nó sẽ chết. Đăng ký xong rồi thì còn phải đầu tư thế nào để nó sống, để nó giữ được giá trị của nó. Và đấy chính là đầu tư cần thiết của Nhà nước cho xã hội chứ không phải đầu tư cho các tập đoàn kinh tế, không phải các dự án lớn. Theo tôi dự án lớn nhất là làm sống lại các nền kinh tế khu vực, kích động sự phát triển của các nền kinh tế khu vực.

Tất cả những sản phẩm nông nghiệp của chúng ta do thiếu những kỹ năng hiện đại đã làm cho giá trị của chúng bị hạ thấp.

Như vậy không chỉ có Bộ NNPTNT mà cả Bộ Công Thương cũng cần phải có những đầu tư thích đáng cho lĩnh vực này?

- Việc cần làm là phải đưa vấn đề sở hữu trí tuệ trở thành một vấn đề chiến lược đối với việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí cần phải đưa ra cả vấn đề những nguyên tắc chiến lược trong việc xác lập những tiêu chuẩn tương lai của thị trường nông sản Việt Nam.

Đây là một trong những tiêu điểm chú ý cần thiết để biến Việt Nam trở thành một nền kinh tế chuyên nghiệp. Nếu không thì mọi nỗ lực rời rạc đều trở nên vô ích. Cần phải có động lực để tập trung sự chú ý thoả đáng đến những đòi hỏi buộc phải biến Việt Nam thành một nền kinh tế chuyên nghiệp.

Câu chuyện cà phê Buôn Mê Thuột chỉ là một trường hợp cụ thể để thức tỉnh những ý thức chiến lược về xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem